Khắc phục khó khăn dạy học Nội dung giáo dục địa phương

GD&TĐ - Tài liệu giảng dạy 1 số nơi ban hành chậm; tư liệu dạy học hạn chế; tập huấn GV chưa đồng bộ là khó khăn chính triển khai Nội dung giáo dục địa phương.

Học sinh Trường THCS Thuỵ Trường tổ chức các gian hàng chợ quê giới thiệu sản vật quê hương.
Học sinh Trường THCS Thuỵ Trường tổ chức các gian hàng chợ quê giới thiệu sản vật quê hương.

Vẫn còn khó khăn

Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thuỵ Trường, Thái Thuỵ, Thái Bình cho biết: Nội dung giáo dục của địa phương của mỗi khối lớp gồm 8 chủ đề, bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương.

Môn học này cung cấp cho học sinh kiến thức hữu ích về nơi sinh sống và bồi đắp tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…

Sau 3 năm triển khai, cô Nguyễn Thị Hương đánh giá chương trình giáo dục địa phương được biên soạn phù hợp với thực tế dạy học phát huy phẩm chất năng lực học sinh, đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên trong tổ chức dạy học vẫn gặp khó khăn.

Trong đó, vì chưa có giáo viên được đào tạo để đảm nhiệm giảng dạy giáo dục địa phương, nên nhà trường dù đang thiếu giáo viên vẫn phải tăng cường thêm thầy cô các bộ môn liên quan kiêm nhiệm giảng dạy. Việc ban hành tài liệu giáo dục địa phương hàng năm còn chậm khiến nhà trường lúng túng trong việc thực hiện chương trình.

Là giáo viên giảng dạy giáo dục địa phương, khó khăn cô Dương Thị Hồng Minh, Trường Tiểu học & THCS Văn Minh (Na Rì, Bắc Kạn)gặp phải cũng liên quan đến tài liệu; đó là chưa có sách giáo khoa Giáo dục địa phương (hiện giáo viên và học sinh dùng tài liệu phô-tô); tài liệu lại phát hành chậm, không có ngay từ đầu năm học nên ảnh hưởng đến triển khai dạy học.

Thầy cô phải tự tìm hiểu thêm rất nhiều nguồn tài liệu để bổ sung cho bài dạy thêm phong phú. Bên cạnh đó, một số chủ đề đòi hỏi học sinh được trải nghiệm, tham quan nhưng nhà trường không có kinh phí hỗ trợ tổ chức; giáo viên dạy tự bố trí sắp xếp kêu gọi xã hội hoá từ phía phụ huynh học sinh...

Chia sẻ về triển khai dạy học giáo dục địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ ra một số khó khăn chính. Theo đó, hiện địa phương chưa in được tài liệu do vướng cơ chế, giáo viên giảng dạy phải dùng bản thảo lưu hành nội bộ.

Thêm nữa, thông tin, số liệu thay đổi nhanh nên việc rà soát, chỉnh sửa bổ sung hằng năm là rất khó. Với vấn đề đội ngũ, do giáo viên không được đào tạo chuyên ngành để dạy giáo dục địa phương, nên có những nội dung, chuyên đề chất lượng dạy học còn hạn chế…

Học sinh trường THCS Thụy Trường tìm hiểu rừng ngập mặn tại địa phương.

Học sinh trường THCS Thụy Trường tìm hiểu rừng ngập mặn tại địa phương.

Cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức dạy học

Từ kinh nghiệm triển khai tại Trường THCS Thụy Trường, cô Nguyễn Thị Hương cho rằng, khi chưa có giáo viên chuyên trách giảng dạy Nội dung giáo dục địa phương, Ban giám hiệu nhà trường cần nghiên cứu kỹ từng chủ đề để phân công cho các giáo viên phụ trách.

Mỗi thầy cô phụ trách một (hoặc một số) chủ đề phù hợp với năng lực, năng khiếu, trình độ chuyên môn và chuyên ngành đào tạo. Như vậy, việc giảng dạy sẽ hiệu quả, thiết thực hơn và giảm áp lực cho giáo viên.

“Thực hiện giảng dạy Nội dung giáo dục địa phương cần linh hoạt, sáng tạo, chủ động. Cần sự vào cuộc tích cực của Ban Giám hiệu, tổ chuyên môn, nghiên cứu kỹ nội dung các chủ đề.

Từ đó tư vấn, định hướng, khuyến khích giáo viên sáng tạo đa dạng các hình thức, phương pháp giảng dạy cuốn hút học sinh; tạo điều kiện cho thầy cô giảng dạy bằng các hình thức trải nghiệm thực tế tại địa phương…”, cô Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Góc độ người trực tiếp giảng dạy, cô Dương Thị Hồng Minh nhấn mạnh giáo viên cần có kiến thức hiểu biết về lịch sử địa phương, sưu tầm thêm nhiều tài liệu khác có liên quan đến bài học. Nhà trường có kinh phí để tổ chức dạy học môn học này ở một số chủ đề nhất định.

Cùng với đó, cần sự vào cuộc của các bên có liên quan như Nhà trường, Ban phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm. Học sinh tích cực tìm hiểu về chủ đề các bài trước khi vào bài học trên lớp. Đặc biệt, cần sớm có sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương để cả thầy và trò dạy học thuận lợi hơn.

Liên quan đến nội dung này, thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên Huế đề nghị, cần cung cấp tài liệu cho giáo viên, học sinh từ đầu năm học như các môn học khác.

Bên cạnh sách giáo khoa, cần có nhiều bộ sách và nguồn tài liệu tham khảo khác phục vụ cho giảng dạy và học tập. Đồng thời, cần triển khai tập huấn nhiều, đồng bộ và sớm cho tất cả giáo viên tham gia giảng dạy.

Trong Chương trình GDPT 2028, đối với cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm.

Đối với cấp THCS, THPT, nội dung giáo dục giáo dục địa phương của tỉnh được thiết kế dưới hình thức lĩnh vực và chủ đề của lĩnh vực với tổng thời lượng là 35 tiết/lớp/năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.