Trong 2 ngày 20 và 21/4, Sở GD&ĐT An Giang tổ chức dạy thực nghiệm các chủ đề Tài liệu GD địa phương lớp 5 Chương trình GDPT 2018 tại 5 trường tiểu học trong tỉnh.
Việc dạy thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương nhằm đánh nội dung biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 5 với những vấn đề cơ bản về văn hoá, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường… của địa phương, bổ sung cho nội dung Chương trình GDPT 2018 do Bộ GD&ĐT ban hành và làm tài liệu giáo dục địa phương chính thức để tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu dự giờ dạy thực nghiệm. (Ảnh: Trọng Nhân) |
Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh An Giang lớp 5 sẽ đồng hành cùng học sinh trong các hoạt động giáo dục, giúp học sinh khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm về địa phương An Giang được biên soạn thông qua 5 chủ đề gồm: Địa lý địa phương các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh An Giang; Lịch sử An Giang qua các thời kỳ; Danh nhân địa phương; Giai điệu quê hương; Sản phẩm thủ công mĩ nghệ địa phương. Trong đó, các chủ đề Địa lý địa phương các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh An Giang; Lịch sử An Giang qua các thời kỳ; Danh nhân địa phương còn thể hiện cho mạch nội dung Địa phương em trong chương trình môn Lịch sử và Địa lý lớp 5.
Giáo viên và học sinh thực nghiệm chủ đề: Sản phẩm thủ công mĩ nghệ địa phương. (Ảnh: Trọng Nhân) |
Tài liệu giáo dục địa phương bảo đảm cụ thể hoá mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, góp phần giáo dục các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh; đạt yêu cầu về nội dung địa phương trong từng cấp học, từng lớp học; đảm bảo thiết thực, phù hợp với trình độ, định hướng nghề nghiệp của học sinh, làm cơ sở đánh giá kết quả giáo dục học sinh; vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực; triển khai thực hiện đồng bộ, phù hợp với điều kiện dạy học của các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Học sinh thực hành tạo sản phẩm thủ công nghệ yêu thích. (Ảnh: Trọng Nhân) |
Sau dạy thực nghiệm, các đại biểu tham gia dự giờ tiến hành thảo luận, trao đổi, nhận định về nội dung, phương pháp; gợi ý điều chỉnh những điểm cần sửa chữa phù hợp với tình hình và đặc điểm ở địa phương trình Bộ GD&ĐT thẩm định cho phép in ấn, ban hành và đưa vào giảng dạy từ năm học 2024 – 2025.
Cô Trần Thị Tuyết Hạnh – Phó Trưởng phòng GDMN – GDTH (Sở GD&ĐT An Giang), cho biết: Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh An Giang lớp 5 sẽ được đưa vào giảng dạy chính thức ở các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh từ năm học 2024 – 2025 tới đây.
Đến nay, An Giang đã ấn hành và đưa vào giảng dạy Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 ở tất cả các trường tiểu học trong tỉnh.
Theo đó, Phòng GD&ĐT 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn xây dựng kế hoạch thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục địa phương vào môn học và hoạt động giáo dục ở bậc tiểu học.
Giáo viên và học sinh thực nghiệm chủ đề: Giai điệu quê hương. (Ảnh: Trọng Nhân) |
Đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy học nội dung này tại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn nhằm đảm bảo cho học sinh được tham gia các hoạt động học tập thiết thực hiệu quả. Qua đó, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, chính trị, xã hội, hướng nghiệp, về môi trường... của tỉnh An Giang bổ sung nội dung Chương trình GDPT 2018 do Bộ GD&ĐT ban hành.
Học sinh giới thiệu sản phẩm nhóm trong tiết thực nghiệm. (Ảnh: Trọng Nhân) |
Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học phê các nội dung được tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục đảm bảo mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm, hiểu biết thêm về các giá trị văn hóa truyền thống, những nét đặc trưng về vùng đất, con người và khám phá vẻ đẹp của quê hương An Giang... bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong học sinh tiểu học.