An Giang tổ chức dạy thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương lớp 9 và 12

GD&TĐ - Sở GD&ĐT An Giang tổ chức dạy thực nghiệm các chủ đề Tài liệu GD địa phương lớp 9 và lớp 12 Chương trình GDPT 2018 tại 12 trường THCS, trường THPT.

An Giang tổ chức dạy thực nghiệp Tài liệu GD địa phương lớp 9 và lớp 12.
An Giang tổ chức dạy thực nghiệp Tài liệu GD địa phương lớp 9 và lớp 12.

Việc dạy thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương nhằm đánh giá nội dung biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 9 và lớp 12 với những vấn đề cơ bản về văn hoá, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường… của địa phương, bổ sung cho nội dung Chương trình GDPT 2018 do Bộ GD&ĐT ban hành và làm tài liệu giáo dục địa phương chính thức để tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục THCS và THPT trên địa bàn toàn tỉnh.

Giáo viên và học sinh thực hiện tiết dạy thực nghiệm Tài liệu GD địa phương lớp 9.

Giáo viên và học sinh thực hiện tiết dạy thực nghiệm Tài liệu GD địa phương lớp 9.

Được biết, tài liệu giáo dục địa phương lớp 9 được biên soạn gồm 6 chủ đề (dạy lồng ghép vào từng môn học): Hoạt động của các Phân hội Văn học địa phương (môn Ngữ văn); Chung sống hòa bình ở tỉnh biên giới An Giang (Giáo dục công dân), Làng nghề địa phương (Công nghệ); An Giang từ năm 1918 đến nay... (môn Lịch sử); Địa lý kinh tế tỉnh An Giang (môn Địa lý); Nghệ thuật truyền thống địa phương (môn Âm nhạc); Nghệ thuật kiến trúc địa phương (môn Mĩ thuật).

Tài liệu giáo dục địa phương lớp 12 được biên soạn gồm 6 chuyên đề (dạy lồng ghép vào từng môn học): Tổng quan văn học viết địa phương sau năm 1975 (môn Ngữ văn); Kinh tế địa phương trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Kinh tế Pháp luật); Lịch sử các tín ngưỡng và tôn giáo ở An Giang (môn Lịch sử); Lao động và việc làm ở An Giang (môn Địa lý); Ứng dụng hoạt động âm nhạc trong đời sống hiện nay tại địa phương (môn Âm nhạc); Ứng dụng hoạt động mĩ thuật trong đời sống hiện nay tại địa phương (môn Mĩ thuật).

Tài liệu giáo dục địa phương bảo đảm cụ thể hoá mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, góp phần giáo dục các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh; đạt yêu cầu về nội dung địa phương trong từng cấp học, từng lớp học; đảm bảo thiết thực, phù hợp với trình độ, định hướng nghề nghiệp của học sinh, làm cơ sở đánh giá kết quả giáo dục học sinh; vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực.

Đại biểu cùng dự giờ dạy thực nghiệm.

Đại biểu cùng dự giờ dạy thực nghiệm.

Sau dạy thực nghiệm, các đại biểu tham gia dự giờ tiến hành thảo luận, trao đổi, nhận định về nội dung, phương pháp; gợi ý điều chỉnh những điểm cần sửa chữa phù hợp với tình hình và đặc điểm ở địa phương trình Bộ GD&ĐT thẩm định cho phép in ấn, ban hành và đưa vào giảng dạy lồng ghép từ năm học 2024 – 2025.

Đến nay, An Giang đã ấn hành và đưa vào giảng dạy Tài liệu giáo dục địa phương các lớp 6, 7, 8 bậc THCS và lớp 10, lớp 11 bậc THPT ở tất cả các trường THCS - THPT trên địa bàn toàn tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ