Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban trình bày trước Quốc hội sáng nay (30/5) đã thể hiện rõ điều này.
Theo báo cáo của Ủy ban, đa số ý kiến tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 33 Dự thảo Luật theo hướng quy định rõ điều kiện, yêu cầu và chế tài cụ thể đối với việc mở ngành đào tạo các trình độ GDĐH; cho phép cơ sở GDĐH đạt chuẩn định hướng nghiên cứu, cơ sở đạt chuẩn kiểm định chất lượng mới được tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ (trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh quốc phòng) tương ứng vị thế và năng lực của nhà trường.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cứng việc bảo đảm số lượng giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu đối với mở ngành đào tạo vì thực tế cơ sở GDĐH có quyền mời giảng viên thỉnh giảng. Vì vậy, cần quy định rõ hơn về khái niệm “giảng viên cơ hữu” và “giảng viên thỉnh giảng”; phân biệt giữa “giảng viên thỉnh giảng” và “báo cáo viên”; nghiên cứu đưa vào luật các quy định rõ ràng về giảng viên thỉnh giảng và công nhận tương đương (theo thông lệ thế giới).
Về thời gian đào tạo,nhiều ý kiến thành viên Ủy ban tán thành việc sửa đổi Điều 35 theo hướng rút ngắn thời gian học để thống nhất và tương thích với Khung trình độ Quốc gia (khoản 1) với các quy định thời gian chuẩn cho từng trình độ đào tạo (khoản2) song đề nghị cần giải trình, làm rõ việc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định thời gian đào tạo cụ thể đối với mỗi trình độ của GDĐH theo từng lĩnh vực, hình thức tổ chức đào tạo (khoản 3) trên cơ sở bảo đảm tôn trọng tính tự chủ của cơ sở GDĐH.
Liên quan đến tổ chức và quản lý đào tạo, Khoản 1 Điều 37, Dự thảo Luật quy định: “Cơ sở GDĐH có trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theotích luỹ tín chỉ, niên chế hoặc kết hợp”. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 1 Điều 36 lại quy định cứng: “Chương trình đào tạo được xây dựng theo đơn vị tín chỉ”. Đề nghị cân nhắc việc quy định cứng trong Luật về đào tạo theo học chế tín chỉ vì phương pháp đào tạo có thể thay đổi theo thời gian.
Một số ý kiến đề nghị xem xét lại Khoản 1 Điều 6: “Chính phủ quy định trình độ tương đương đối với một số ngành đào tạo theo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu đặc thù” vì quy định như vậy là không rõ ràng, thiếu định hướng. Nhiều ý kiến đề nghị không quy định trình độ tương đương trong cùng một hệ thống, sẽ tạo kẽ hở về pháp lý và tùy tiện trong quản lý.
Bên cạnh đó, một số ý kiến thành viên Ủy ban đề nghị xem xét mở rộng quyền tự chủ trong hợp tác quốc tế đối với một số hoạt động như: trao đổi giảng viên hợp tác NCKH, hợp tác đào tạo…