Trình Quốc hội về Luật Sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đọc tờ trình của Chính phủ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đọc tờ trình của Chính phủ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục.

Thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của Đảng, Nhà nước

Về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, theo báo cáo do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình bày trước Quốc hội, xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nhằm phát huy các kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục (2005) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (2009);

Thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Về mục tiêu, xây dựng và ban hành Dự án Luật nhằm thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của Đảng và Nhà nước; phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với GD&ĐT trong thời gian qua để giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong phát triển GD&ĐT, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Hoàn thiện khung pháp lý về GD&ĐT, tạo ra sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong toàn hệ thống để huy động mọi nguồn lực phát triển GD&ĐT, nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước; đổi mới quản lý nhà nước, thúc đẩy quản trị nhà trường, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT.

Quan điểm là tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.

Đảm bảo tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm nhằm xác định những quy định cần sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính tổng thể của các chính sách cần sửa đổi, bổ sung. Đảm bảo tính thực tiễn, thiết thực, khả thi trên cơ sở đánh giá quá trình thực thi Luật Giáo dục trong 12 năm qua để nhận diện rõ vướng mắc từ thực tiễn triển khai, giải quyết được những vấn đề “nút thắt” để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển GD&ĐT.

Đảm bảo tính kế thừa, phát triển và hội nhập, tạo ra bước đột phá mới trong phát triển GD&ĐT; đảm bảo Luật Giáo dục vừa là luật khung, làm nền tảng cho các luật chuyên ngành như Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp,... vừa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật.

Quốc hội họp tại hội trường sáng 29/5
Quốc hội họp tại hội trường sáng 29/5

Những vấn đề chủ yếu sửa đổi, bổ sung

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 10 điều, phù hợp với Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Dự thảo Luật đã bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Giáo dục, trong đó tập trung vào một số nội dung hướng vào các chính sách như: chính sách học phí học sinh, sinh viên sư phạm; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận văn bằng nước ngoài; đầu tư và nguồn lực tài chính cho giáo dục; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội,…

Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá tác động của các vấn đề và chính sách nêu trên, lồng ghép các nội dung cần sửa đổi, bổ sung ở các mức độ khác nhau tại các điều Luật có liên quan của Dự thảo, trên cơ sở đó triển khai theo hướng xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục theo đúng Nghị quyết số 34/2017/QH14 nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc của giáo dục và đào tạo hiện nay.

Xem toàn văn Tờ trình về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục TẠI ĐÂY

Xem toàn văn Tờ trình tóm tắt về  Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục TẠI ĐÂY

Việc xây dựng Dự án Luật đã đảm bảo tuân theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trong đó, việc gửi Dự thảo xin ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục được đặc biệt coi trọng. Dự thảo đã nhận được 22 văn bản góp ý của các Bộ, ngành, nhiều ý kiến góp ý của các địa phương và cơ sở giáo dục.

Ngoài việc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân theo quy định; Ban soạn thảo còn tổ chức 5 hội thảo (Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ) để lấy ý kiến trực tiếp của các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, các chuyên gia và các bên liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ