Trường đại học sẽ có nhiều quyền hơn

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

- Là quản lý cơ sở giáo dục đại học, ông thấy việc triển khai Luật Giáo dục đại học từ thực tiễn hoạt động tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân có gì vướng mắc?

Luật Giáo dục đại học năm 2012 có nhiều điểm đổi mới. Trong đó có một cơ chế rất mở đó là tự chủ đại học. Quả thực, đây là hướng giúp các trường phát triển mạnh lên và khẳng định được vị thế, vị trí.

Trong Luật, Hội đồng trường có quy định thành phần, chức năng, nhiệm vụ,… nhưng cụ thể hóa việc thực thi các chức năng, nhiệm vụ này thế nào, vai trò đến đâu, thực quyền như thế nào… thì không được rõ ràng. Nên thực tế hiện nay, các trường đã thành lập Hội đồng trường đều có nhận định chung, đó là hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức, chưa thực chất, chưa mang vai trò thực sự là quản trị đại học của một trường.

Thứ 2, các trường còn vướng trong thực hiện tự chủ tài chính. Đã gọi là tự chủ tài chính, các trường phải xác định được rõ chi phí và khoản thu; mức thu học phí phải tương ứng với chi phí thực tế cho quá trình đào tạo; nhưng trên thực tế, hiện nhà nước vẫn đang quy định chứ chưa phải tự chủ ở các trường.

Dẫn đến, có thể có ngành không cần thu cao thì vẫn nằm trong khung thu cao; còn lĩnh vực rất cần xã hội hóa cao, người học cũng mong muốn được đầu tư nhiều hơn thì lại không được đóng góp nhiều hơn để có chất lượng đào tạo tốt hơn.

Rồi trách nhiệm của nhà nước, xã hội đối với những đối tượng như chính sách xã hội là như thế nào, vì rõ ràng các trường hiện nay đang phải tự đảm nhận.

Hoặc vấn đề rất quan trọng là tự chủ trong quản lý đào tạo. Về nguyên tắc, đã gọi là tự chủ, các trường phải tự xác định đào tạo cái gì mà xã hội cần và đào tạo như thế nào để mang lại chất lượng đào tạo tốt nhất.

Một trong những vấn đề đó liên quan đến trình độ đào tạo của chúng ta phải đạt được gần với chuẩn của thế giới. Trong Luật Giáo dục đại học 2012 chưa cho phép các trường được làm rộng rãi cái này, chưa cho các trường đào tạo liên thông với các chương trình quốc tế.

PGS.TS Hoàng Văn Cường. Ảnh: Đất Việt
 PGS.TS Hoàng Văn Cường. Ảnh: Đất Việt 

- Từ nhận diện những vướng mắc trên, ông đánh giá như thế nào về những điểm mới được bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi?

Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi lần này đã quy định chi tiết và cụ thể hơn trong việc thực thi quyền tự chủ của các trường đại học.

Việc đầu tiên cần phải chú ý đến đó là quyền tự chủ đi kèm là trách nhiệm giải trình với xã hội. Có nghĩa là các trường được giao quyền tự chủ phải công bố công khai tất cả các hoạt động của trường, đặc biệt liên quan đến các tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng đào tạo; để người học khi vào đó học xong phải đạt được yêu cầu ra sao, được cung cấp dịch vụ gì để cả xã hội giám sát, chứ không phải chỉ có cơ quan chủ quản giám sát. Tôi cho rằng đây là điều rất quan trọng.

Điều thứ 2 là quy định rõ hơn, cụ thể hơn quyền của Hội đồng trường. Quyền của Hội đồng trường rất lớn. Gần như Hội đồng trường thay mặt cho cơ quan chủ quản, quyết định phương hướng, đường hướng hoạt động của trường, làm thế nào để trường hoạt động tốt nhất, phù hợp nhất. Thậm chí như trong quy định việc lựa chọn, bổ nhiệm bộ máy ban giám hiệu, quản lý vận hành nhà trường cũng do Hội đồng trường trực tiếp thực hiện.

Điểm thứ 3 về cơ chế tài chính, chúng tôi thấy rằng có đổi mới rất rõ. Với hoạt động của trường, trường phải công khai minh bạch, tính đủ chi phí và công bố với xã hội về nguồn thu để làm cái gì; đồng thời, cơ chế tài chính nhà nước đầu tư cho trường không phải bình quân như trước đây mà đầu tư theo tính chất đặt hàng.

Bên cạnh đó, với các đối tượng xã hội, chẳng hạn như học sinh giỏi không có khả năng trả học phí, thì trách nhiệm của trường thế nào, trách nhiệm của xã hội ra sao, để các em vẫn theo học được… Cơ chế tài chính đảm bảo tôn trọng cho cả người học và người cung cấp dịch vụ là nhà trường.

Bên cạnh đó là quy định đổi mới liên quan đến đào tạo. Quyền tự chủ đào tạo những năm trước đây cũng đã giao cho các trường rất nhiều, nhưng trong dự thảo mới được mở rộng thêm, đặc biệt quyền các trường trong thực hiện liên doanh, liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đào tạo liên thông với nước ngoài.

Làm thế nào để các cơ sở đào tạo nước ngoài có tiêu chuẩn, đủ điều kiện được công nhận bằng như Việt Nam. Hai cơ sở đào tạo liên thông với nhau sẽ nâng tầm đào tạo trong nước lên.

Một số điểm chính như thế, nếu được thực hiện sẽ nâng được chất lượng các cơ sở giáo dục đại học, theo kịp với quốc tế.

- Để tự chủ thực sự thì Luật sẽ phải giải bài toán là “nút thắt” và “điểm nghẽn” về chính sách đang ràng buộc, hạn chế rất nhiều đến thực chất của tự chủ đại học. Theo ông, Dự thảo đã gỡ được “nút thắt” nào quan trọng nhất đang “ngáng chân” tự chủ của các trường đại học hiện nay?

Tôi nghĩ “nút thắt” đầu tiên là tính tự quyết của các trường tăng lên. Trước đây, rất nhiều những hoạt động khi chưa quy định rõ trong tự chủ, thì mặc dù có Hội đồng trường, nhưng các trường vẫn phải đến “xin” bộ chủ quản được mở cái này, được đào tạo cái kia.

Nhưng dự thảo lần này quy định rất rõ quyền của Hội đồng trường gần như thay cơ quan chủ quản trong việc quyết định xem nên làm gì. Đây sẽ là một việc đầu tiên giúp các trường rất nhanh chóng thay đổi về chương trình đào tạo, phương hướng hoạt động như thế nào đúng nhất so với nhu cầu xã hội.

“Nút thắt” thứ 2 liên quan đến tài chính và tài sản. Trước đây, cơ sở đào tạo đại học không được chủ động sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả nhất. Nếu sửa Luật này thì các trường sẽ thông qua Hội đồng trường để quyết định đầu tư gì để phù hợp nhất với mình. Như vậy sẽ phát huy được hiệu quả của tài chính, tài sản. Những tài sản đó sử dụng như thế nào không phải đi xin phép nữa mà sẽ tự quyết định được.

Điều thứ 3 là cơ chế về quản trị. Có lẽ là sự đổi mới rất căn bản của sửa luật lần này là thay đổi phương thức quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học. Trước kia, các bộ chủ quản quản lý bằng cách trực tiếp quyết định những hoạt động của các trường, các trường phải xin phép, báo cáo thì bây giờ nhà nước sẽ không làm động tác đó, chuyển cho Hội đồng trường các trường làm.

Nhà nước chỉ thanh tra, kiểm tra xem những tuyên ngôn, việc làm của trường có đúng quy định pháp luật hay không và trường có thực hiện đúng các cam kết với xã hội. Tôi cho rằng, như vậy là đổi mới căn bản về phương thức quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục đại học.

- Ông có nói đến tự chủ tài chính, trong đó có học phí. Dư luận băn khoăn, khi các trường được tự chủ thu học phí theo giá dịch vụ, liệu có tăng học phí quả mức làm ảnh hưởng đến người học hay không?

Đúng là trong sửa đổi Luật lần này cho phép các trường được tính chi phí đào tạo đủ để khi thu bù được các chi phí đó. Ở đây, các trường đại học được gọi là công lập tự chủ không phải hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, nên thu học phí để làm gì đều phải được công khai.

Nếu những chương trình đào tạo cần phải thu cao để có chất lượng cao hơn thì sẽ công bố với xã hội, sẽ đảm bảo với xã hội cung cấp được dịch vụ gì cho người học… Người học nếu thấy thỏa đáng thì sẽ lựa chọn.

Bên cạnh đó, những ngành, lĩnh vực không cần phải đầu tư nhiều, chi phí ít, mức thu học phí phải thấp hơn.

Thực tế, tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân có thang, mức thu học phí trong giai đoạn thực hiện thí điểm vừa qua rất khác nhau. Có ngành chỉ thu trên 1 triệu đồng 1 tháng, có ngành thu đến 5 triệu đồng/tháng.

Ngành thu mức cao nhất là 5 triệu đồng/tháng là chương trình gần như tương đương với quốc tế. Chương trình này, chúng tôi vẫn đảm bảo nguyên tắc, toàn bộ khoản thu đó để làm gì, phần tích luy phải quay trở lại để đầu tư cho giáo dục chứ không được chia lợi nhuận.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM tìm việc làm tại ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: HUTECH

Doanh nghiệp 'săn' sinh viên giỏi dịp hè

GD&TĐ - Các trường đại học liên tục tổ chức ngày hội tuyển dụng với hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn vị trí việc làm hấp dẫn cho sinh viên trong dịp hè.