Theo Đại biểu Hà Thị Lan, việc công nhận văn bằng của người Việt Nam do nước ngoài cấp được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng với các nước, các tổ chức quốc tế.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2006/NĐ-CP năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Các quy định này đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các nội dung trên.
Tuy nhiên, thực tiễn việc công nhận văn bằng trong thời gian vừa qua đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập, như các trường hợp văn bằng do nước ngoài cấp cho người Việt Nam, trường hợp không phải làm thủ tục công nhận văn bằng - chưa được đề cập trong dự thảo luật và chưa giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.
Như vậy, quy định hiện hành về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp còn cứng nhắc và chưa đáp ứng được tính đa dạng của hệ thống văn bằng trên thế giới cũng như các phương thức đào tạo mới; và trong một số trường hợp chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người học khi đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, quy định mới trong dự thảo luật đã bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp không phải làm thủ tục công nhận văn bằng và giao cho Bộ GD&ĐT quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay và thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người học khi thực hiện công nhận văn bằng.
Về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tại Điều 110c, đại biểu Hà Thị Lan cho rằng, giáo dục là một lĩnh vực có tính quốc tế hóa rất cao, vì vậy hoạt động giáo dục và kiểm định giáo dục luôn có sự tham gia của các tổ chức nước ngoài.
Dự thảo luật đã bổ sung các tổ chức kiểm định giáo dục nước ngoài ở Việt Nam và tổ chức kiểm định giáo dục ở nước ngoài có thực hiện hoạt động kiểm định giáo dục ở Việt Nam. Nội dung sửa đổi, phân định rõ trách nhiệm quy định các điều kiện hoạt động và cho phép hoạt động của các tổ chức kiểm định giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
"Việc sửa đổi này đã đảm bảo hội nhập quốc tế về giáo dục, bảo đảm phân công trách nhiệm quản lý nhà nước, phù hợp với quy định về điều kiện đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Việc ban hành quy định đánh giá đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nhằm mục đích nâng cao chất lượng hoạt động, kiểm định chất lượng giáo dục. Vì vậy, nội dung sửa đổi, bổ sung cần đưa ra những giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cần sửa đổi quy định về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục" - đại biểu Hà Thị Lan nói.
"Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 tháng 3/2016, trong quá trình xây dựng luật đã được các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học và tổ chức quốc tế về bảo vệ trẻ em tham gia. Nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức và đưa ra nhiều khuyến nghị để bổ sung cho các nội dung về giáo dục mầm non, nhưng cuối cùng không đưa vào Luật Trẻ em vì trùng với Luật Giáo dục.
Vì vậy, sửa Luật Giáo dục lần này cần bổ sung những nội dung về trách nhiệm của gia đình, nhà trường, toàn xã hội để sao cho trẻ em được học tập trong môi trường an toàn, văn hóa.
Tôi biết trong quá trình thẩm tra Luật Giáo dục (sửa đổi) đã tổ chức rất nhiều hội thảo chuyên đề về giáo dục mầm non, qua hội thảo đã có nhiều kiến nghị và đề xuất. Cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp".
Đại biểu Hà Thị Lan