Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa

GD&TĐ - Trong năm 2021, Thanh Hóa có thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh vinh dự có 1 sản phẩm OCOP 4 sao được Trung ương nâng hạng lên 5 sao.

Người dân ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) phát triển nghề đan nón lá.
Người dân ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) phát triển nghề đan nón lá.

11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng NTM

Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Thanh Hóa vừa có báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Thanh Hóa năm 2021.

Theo đó, năm 2021 tỉnh Thanh Hóa có thêm 3 đơn vị cấp huyện, 24 xã và 138 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã và 82 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Cũng trong năm này, Thanh Hóa có 89 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 66 sản phẩm 3 sao và 23 sản phẩm 4 sao. Đặc biệt, tỉnh vinh dự có 1 sản phẩm 4 sao được Trung ương nâng hạng lên 5 sao (đạt 111% kế hoạch).

Lũy kế đến nay, Thanh Hóa có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 341 xã trong tổng số 465 xã và 809 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM. Trong đó, 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã và 145 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Như vậy, bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí trên xã; 158 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. 

Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa (người thứ 3 từ trái vào) thăm mô hình trồng ngô ở huyện Đông Sơn.
Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa (người thứ 3 từ trái vào) thăm mô hình trồng ngô ở huyện Đông Sơn.

Năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song các địa phương đã tăng cường, đẩy mạnh phát triển sản xuất. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,58% (vượt 0,58% kế hoạch).

Đối với phát triển sản phẩm OCOP, trong năm 2021 tỉnh đã rà soát, tổng hợp 120 sản phẩm có lợi thế và đưa vào thực hiện theo chu trình OCOP. Đồng thời, tổ chức đánh giá 111 sản phẩm OCOP, trong đó hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận 89 sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng, dao động từ 15-20%.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP cũng được đẩy mạnh với 16 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Một số sản phẩm đã phát triển ở thị trường trong nước và nước ngoài.

Vấn đề việc làm trong năm qua cũng được các cấp, ngành quan tâm thông qua việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường lao động và hỗ trợ đào tạo nghề.

Ước tính trong năm 2021, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 67.190 lao động (LĐ), vượt 13,9% kế hoạch. Trong đó, hơn 6.000 LĐ được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, theo hợp đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm dự kiến đạt 94% (tăng 0,4% so với năm 2020).

Thu nhập bình quân trên đầu người trong năm qua ở mức 40,068 triệu đồng (tăng 6,168 triệu đồng so với năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,52%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 lại tăng ở mức 6,74% (tăng 5,23% so với năm 2020).

Mô hình trồng hoa trong nhà kính ở xã Nông thôn mới kiểu mẫu (Xuân Hoà, Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Mô hình trồng hoa trong nhà kính ở xã Nông thôn mới kiểu mẫu (Xuân Hoà, Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Cũng trong năm 2021, Thanh Hóa có gần 390 xã đạt tiêu chí thu nhập, so với năm 2020 tăng 2,91%. Số xã đạt tiêu chí lao động và tiêu chí tổ chức sản xuất lần lượt là 465 và 448 xã.

Tăng nhiều tiêu chí trong bối cảnh dịch bệnh

Kết thúc năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 87,5% số xã đạt tiêu chí giao thông; 95,9% số xã đạt tiêu chí thủy lợi; 97% số xã đạt tiêu chí điện.

Số xã đạt về tiêu chí trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn lần lượt là 84,3%, 86% và 92%. Đáng chú ý, các tiêu chí duy trì tỷ lệ số xã đạt hoặc tăng 1-4%.

Về phát triển văn hóa, giáo dục và y tế cũng được chú trọng thông qua việc huy động các nguồn lực. Qua đó nhằm nâng cấp, mua sắm trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia.

Nhờ vậy, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS đều tăng so với năm trước. Ngoài ra, 100% các xã duy trì phổ cập GDTH mức độ 3 và THCS mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt trên 98,7% (tăng 6,7% so với năm 2020).

Nhà Văn hóa thôn 1, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) được xây dựng khang trang.
Nhà Văn hóa thôn 1, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) được xây dựng khang trang.

Công tác y tế dự phòng và chăm lo sức khỏe ban đầu cho người dân cũng được chú trọng. Tính đến hết ngày 1/12/2021, toàn tỉnh đã tiêm được 2.720.010 liều vắc xin, đạt 72% số liều được cấp.

Đáng chú ý, tỷ lệ người bị nhiễm bệnh chỉ là 0,071%, thuộc trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ nhiễm thấp. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT năm 2021 chiếm tới 91,86%, vượt 0,76% so với kế hoạch của tỉnh. 

Trong năm qua, Thanh Hóa cũng tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM. Hiện đã có 88% số xã, 94% thôn, bản có nhà văn hóa, trung tâm thể thao chuẩn và hơn 400 xã đạt chuẩn tiêu chí Văn hóa.

Công tác bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm trong năm 2021 cũng được chú trọng. Hầu hết các làng nghề tại Thanh Hóa đều đã thực hiện việc lập hồ sơ hoặc ký cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.

Kết thúc năm 2021, tỉnh có hơn 390 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm, đạt 84,3% (tăng 3,8% so với năm trước).

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã năm qua cũng được chú trọng. Vì vậy, chất lượng được cải thiện so với năm 2020, với 84% số cán bộ, công chức cấp xã cơ bản đáp ứng đủ tiêu chuẩn chung theo quy định.

Đường làng, ngõ xóm ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa)
Đường làng, ngõ xóm ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa)

Mặc dù, kết quả xây dựng NTM ở nhiều địa phương năm 2021 đã vượt kế hoạch đề ra. Song, theo báo cáo của BCĐ các chương trình MTQG tỉnh Thanh Hóa, kết quả xây dựng NTM vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Đầu tiên là khoảng cách xây dựng NTM ở các vùng. Cụ thể, ở vùng đồng bằng đạt trên 92%, trong khi ở miền núi chỉ 33%.

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện Quy hoạch chung xây dựng xã theo yêu cầu giai đoạn mới của các huyện còn chậm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức triển khai phát triển kinh tế-xã hội nói chung và hiệu quả xây dựng NTM nói riêng,…

Bước sang năm 2022, Thanh Hóa đặt mục tiêu thêm 2 đơn vị cấp huyện gồm huyện Hậu Lộc và TP Sầm Sơn chuyển tiếp nhiệm vụ năm 2021. Bên cạnh đó, phấn đấu 18 xã đạt chuẩn NTM, 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu,…

Cũng trong năm 2022, Thanh Hóa sẽ phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3-4 sao ( với 1 sản phẩm 5 sao). Bình quân toàn tỉnh đạt 17,9 tiêu chí NTM trên mỗi xã.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.