"Có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc" để xây dựng nông thôn mới bền vững

GD&TĐ - "Có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc" là quan điểm chỉ đạo của ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững.

Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc để xây dựng NTM bền vững.
Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc để xây dựng NTM bền vững.

Ngày 6/8, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) tỉnh Điện Biên tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và đề án OCOP 6 tháng đầu năm 2021, và bàn phương hướng, nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới. Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên dự và phát biểu chỉ đạo.

6 tháng đầu năm, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết quả triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và đề án OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm) chưa được như mong muốn.

Địa phương này đã công nhận 2 xã đạt chuẩn NTM (Sín Thầu, huyện Mường Nhé và Búng Lao, huyện Mường Ảng) năm 2020. Qua đó, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên là 21. Riêng xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) mới đạt 14/16 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Với việc thêm 2 bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Phiêng Đất B, xã Nậm Nèn và Mường Anh 1, xã Pa Ham, đều thuộc huyện Mường Chà), Điện Biên đã có 28 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 3 huyện được công nhận thôn, bản nông thôn mớikiểu mẫu.

Tuy nhiên, Điện Biên hiện còn 4 huyện chưa có xã nông thôn mới, gồm: Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa.

Cũng trong thời gian này, Điện Biên có 2 huyện đã bố trí nguồn ngân sách để triển khai hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm và hồ sơ để tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP năm 2021, đối với 3 sản phẩm: Dưa mèo, mắc ca (Tuần Giáo) và Gạo vai gẫy (Tủa Chùa).

Như vậy, cho đến nay Điện Biên có 35 sản phẩm của 19 chủ thể được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó: 2 sản phẩm được đánh giá 4 sao và 33 sản phẩm đánh giá 3 sao.

Đánh giá tại hội nghị này, đại diện nhiều sở, ngành, địa phương đã chỉ ra không ít tồn tại, nhất là trong việc chủ động xây dựng kế hoạch; công tác phối hợp triển khai; kiểm tra đôn đốc… dẫn đến những hạn chế nhất định trong hiệu quả triển khai.

Đặc biệt, một số địa phương có tư tưởng tự thỏa mãn khi có xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nên phong trào có xu hướng chững lại; việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát hiểu tại hội nghị.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát hiểu tại hội nghị.

“Phải hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. Không phải đạt được rồi thì hài lòng, mà càng ngày càng phải nâng cao. Làm sao xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” – ông Lê Thành Đô nói.

Để thực hiện theo đúng tinh thần này, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề nghị mỗi huyện cần xây dựng lộ trình cụ thể, có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân vào cuộc tích cực hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh xây dựng xã nông thôn mới, các xã, huyện quan tâm thực hiện, hoàn thiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; thôn bản nông thôn mới. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong thực hiện chương trình này.

Đối với Chương trình OCOP, từng huyện phải đánh giá sản phẩm tiềm năng, lợi thế để xây dựng kế hoạch xây dựng sản phẩm đạt chuẩn. Khi có sản phẩm đạt chuẩn thì phải có kế hoạch sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai các dự án kiên kết để sản phẩm phát triển bền vững.

Sở, ngành liên quan của tỉnh quan tâm hỗ trợ các huyện, các chủ thể kinh tế về xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Mục tiêu là mỗi năm mỗi huyện hỗ trợ thành công 1 sản phẩm OCOP theo mô hình liên kết bền vững, từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh.

“Điều quan trọng là sản phẩm sau khi được công nhận phải hoàn thiện các thủ tục, đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, có vùng nguyên liệu đảm bảo, có liên kết bền vững, tránh tình trạng có sản phẩm OCOP nhưng chỉ để trưng bày, giới thiệu chứ không phát triển được thành hàng hóa” – ông Lê Thành Đô nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ