ĐBQH: Chương trình nông thôn mới có khởi điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc

GD&TĐ - Chương trình nông thôn mới có khởi điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc mà chúng ta cần thường xuyên cập nhật điều chỉnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan phát biểu thảo luận tại hội trường sáng - 27/7. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan phát biểu thảo luận tại hội trường sáng - 27/7. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, các huyện ngoại thành Hà Nội đặc thù nông nghiệp ven đô thị, cần có các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu/nông thôn mới đô thị để phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hà Nội đã và đang triển khai rất tích cực có cả một chương tình 04 cho nông nghiệp và nông thôn mới. Các huyện ngoại thành như Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa rất mong muốn để phát triển nông nghiệp và phát triển kinh  tế nông thôn, nhưng thực sự vẫn còn vướng mắc và khó về vấn đề chính sách tích tụ đất đai, các vấn đề về đầu tư hạ tầng, kênh mương, đương cần phải được thành phố, nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ cho người dân.  

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhấn mạnh điều này khi phát biểu thảo luận tại hội trường – sáng 27/7.

Theo đại biểu, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, mà còn là nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững và ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước, tạo tiền đề để thực hiện hóa khát vọng hùng cường và hạnh phúc của dân tộc.

Trong điều kiện khó khăn thiên tai, dịch bệnh Covid thì khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng được đặc biệt quan tâm, hỗ trợ ưu tiên, thúc đẩy.

“Vừa qua, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã đưa ra chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nông thôn mới để thúc đẩy khu vực nông thôn và miền núi. Tôi cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đối với khu vực yếu thế và dễ bị tổn thương này” – đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Liên quan đến chủ trương đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đại biểu cho rằng, chương trình nông thôn mới có khởi điểm đầu, nhưng không có điểm kết thúc.

Chúng ta cần thường xuyên cập nhật điều chỉnh, tổng kết đánh giá để khắc phục những tồn tại, đồng thời kế thừa và làm phù hợp điều kiện thực tiễn, thách thức mới, bối cảnh mới. Do đó, cần phải ban hành chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn tiếp theo, để kế thừa và phát huy kết quả đạt được trong 10 năm qua; đồng thời đưa chương trình mục tiêu quốc gia và nông thông mới lên tầm cao mới, vị thế mới với chất lượng và tầm nhìn mới.

Về huy động nguồn nhân lực và vốn ngân sách trung ương để thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, đây là chương trình rất quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, một khu vực đông dân cư, nhưng lại dễ bị tổn thương; rất cần sự quan tâm thích đáng đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid -19 như hiện nay và liên tục bị tổn hại do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh cây trồng vật nuôi gây ra.

Theo đại biểu, Chính phủ cần bố trí đủ nguồn vốn ngân sách trung ương và có các giải pháp tích cực để huy động nguồn vốn đạt ít nhất 2,45 triệu tỷ như trong tờ trình. Chính phủ cần có các gói hỗ trợ tích cực cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn Covid để giúp người dân khôi phục, phát triển sản xuất.

Nhấn mạnh, cách làm và những điều cần đổi mới khắc phục, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị, cần tăng cường phân cấp có giám sát, hậu kiểm tốt hơn trong quá trình thực hiện chương trình. Cần điều chỉnh các tổ chức xây dựng nông thôn mới, điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp quy hoạch nông thôn, quy hoạch môi trường, quy hoạch chung.

Đặc biệt, cách tổ chức thực hiện nông thôn mới cần chú trọng vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, quan tâm chất lượng cuộc sống thực sự cho người dân chứ không chỉ chú trọng dể tăng quy mô và sản lượng sản xuất nông nghiệp thuần túy.

Mặt khác, cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn. Xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, để cán bộ địa phương, người dân có các chuẩn yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, học đi đôi với hành, học bằng các mô hình cụ thể để triển khai nông thôn mới tốt hơn.

Cần có các cơ chế chính sách thực sự đổi mới như chính sách đất đai, môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, các cơ quan nghiên cứu khoa học cùng các địa phương thúc đẩy xây dựng nông thông mới một cách hiệu quả.

"Nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và ổn định của đất nước, đặc biệt trong những thời điểm thiên tai dịch bệnh như đại dịch Covid -19, khu vực này càng dần được quan tâm đặc biệt hơn để có thể phát huy vai trò nền tảng cho vấn đề an ninh lương thực, ổn định xã hội và phát triển kinh tế bền vững.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình rất cần thiết để thúc đẩy khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển, rút ngắn dần khoảng cách nông thôn – đô thị, cần sớm được phê duyệt và được ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện" - đại biểu Nguyễn Thị Lan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.