Tham gia buổi tọa đàm có GS Phạm Toàn, một nhà giáo tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, đã từng có 30 năm gắn bó học hỏi và làm việc cùng GS.Hồ Ngọc Đại. Năm 2009, ông cùng một nhóm bạn trẻ thành lập ra nhóm Cánh Buồm với vai trò thủ lĩnh.
Với quan điểm giáo dục tiểu học ổn định đảm bảo chất lượng, toàn bộ nền giáo dục mới được ổn định, từng gia đình ổn định, cả xã hội cùng ổn định, Cánh Buồm đã và đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, viết sách giáo khoa từ mầm non đến hết lớp 9, thực nghiệm chương trình giáo dục, dịch thuật và xây dựng Tủ sách Tâm lí học Giáo dục Cánh Buồm.
Nhóm Cánh Buồm chủ trương làm mẫu trên ba môn học khó nhất mà giới sư phạm Việt Nam từng đương đầu: cách học Tiếng Việt, cách học Văn và cách học Lối sống.
Với những cống hiến cho giáo dục nước nhà, thầy giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm đã vinh dự nhận Giải thưởng Văn hóa-Giáo dục Phan Châu Trinh 2015.
GS Phạm Toàn chia sẻ tại tọa đàm |
Theo GS Phạm Toàn, từng gia đình mỗi năm cùng đón chờ năm học mới và trăm người như một, triệu người như một, ai ai cũng mong con em mình học giỏi. Nhưng thế nào là học sinh giỏi? Học giỏi để làm gì? Làm cách gì để có học sinh giỏi?
Theo thầy giáo Phạm Toàn có ít nhất hai cách trả lời 3 câu hỏi này – một cách theo con đường kinh nghiệm chủ nghĩa và một cách theo con đường khoa học.
Theo kinh nghiệm, hễ ai thông mình thì học giỏi, ai chăm chỉ thì cũng học giỏi và nếu đã học giỏi thì thi đỗ. Khi đã đỗ đạt thì có tương lai tươi sáng.
Theo khoa học thì khác. Nghiên cứu khoa học cho thấy có khi có những người thông minh và chăm chỉ nhưng lại thi trượt, hoặc thi đỗ nhưng vào đời thì vô tích sự.
Thời hiện đại, các nhà sư phạm vận dụng lý thuyết hoạt động để tìm cách làm sao cho hễ học sinh nào đã đi qua nhà trường đều học được, trong đó có nhiều học trò học giỏi.
Theo GS Phạm Toàn, cốt lõi của giáo dục là ở nội dung học, sau đó là cách học và cách dạy. Trong quá trình giảng dạy, sau mỗi bài giảng giáo viên nên phát cho học sinh phiếu ghi câu hỏi, các em đặt từ 1 đến 10 câu hỏi cho giáo viên. Người đi học cần có năng lực tự học. Nếu chúng ta không giúp cho HS có một năng lực tự lực thì chúng ta không thể thành công.
Hiện đại hóa Giáo dục phải bắt đầu với trẻ em lớp Một và bắt đầu với việc tổ chức cho các em biết TỰ HỌC – năng lực tự học như một món quà duy nhất nhà giáo dục hai tay dâng tặng trẻ em để các em mang hành trang đó đi suốt cuộc đời.
Tại buổi tọa đàm, GS Phạm Toàn cũng giải đáp nhiều câu hỏi của phụ huynh về chương trình giáo dục phổ thông mới, những khó khăn trong quá trình dạy trẻ học tập.