Mỗi gia đình ở Việt Nam hầu như nhà nào cũng có con/cháu ở độ tuổi đi học, và bất cứ chuyển động gì của ngành Giáo dục, bên cạnh ý kiến của các chuyên gia thì các bậc phụ huynh, cộng đồng đều nhiệt tình lên tiếng đóng góp. Vậy nên nói giáo dục là của toàn dân, giáo dục là của tất cả các cấp/ngành, trong đó có ngành Giáo dục quả không sai!
5 năm trở lại đây, nói đến giáo dục là nói đến những đổi mới. Nghị quyết 29 của BCH T.Ư đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT. Sau đó được Chính phủ cụ thể hóa thành Chương trình hành động của Chính phủ. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, GD-ĐT nước ta đã thực sự có nhiều chuyển biến tích cực, từ cấp vĩ mô, như sự thay đổi về chính sách, điều chỉnh và bổ sung văn bản pháp quy; đến cấp vi mô như sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của mỗi người dân, giáo viên, người học về sự cần thiết và những hành động cụ thể cần thực hiện để đổi mới giáo dục.
Có nhiều kết quả khả quan, xu hướng vận động tốt nhưng cũng còn nhiều thách thức đang đặt ra ở cả tầm vĩ mô và tầm vi mô, mà nếu chỉ một mình ngành Giáo dục thì khó có thể giải quyết được. Trong “làn sóng tự chủ” đang rất mạnh ở các trường ĐH, có vị hiệu trưởng chia sẻ: Giáo dục đổi mới mà nhiều cam kết về tài chính chưa đổi mới theo thì đúng là quá khó.
Ví dụ như chính sách miễn thuế dịch vụ chậm được triển khai, chính sách hỗ trợ lãi suất vay chưa được triển khai, chính sách tăng vốn vay cho người học đối với các trường tự chủ cũng chưa được triển khai. Trong hệ thống văn bản pháp luật, các cơ quan quản lý Nhà nước hiểu và diễn giải khác nhau về quyền tự chủ của trường ĐH về tài chính và tài sản, gây khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, mua sắm, thanh quyết toán…
Đó là những việc liên quan đến vấn đề tài chính. Còn về nhân sự thì sao? Đầu năm học mới tại Hà Nội và Cà Mau, và gần đây là Đắk Lắk, hàng trăm giáo viên rơi nước mắt, ăn không ngon, ngủ không yên với lửng lơ một tờ quyết định trên đầu: Chấm dứt hợp đồng. Theo phân cấp quản lý, ngành Giáo dục cũng chỉ biết chờ đợi sự giải quyết từ địa phương, kêu gọi việc xem xét lại các quyết sách về tuyển dụng lao động của Bộ Nội vụ cùng các cấp/ngành.
Các chuyên gia đều nhận định: Yếu tố con người - các thầy cô giáo, những cán bộ quản lý giáo dục chính là những người triển khai, quyết định nhất trong đổi mới giáo dục. Nhưng trong thực tế, ngành Giáo dục lại không được chủ động trong thu hút, tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ của mình.
Mới đây, tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu rõ: Chúng tôi kiến nghị có thang bảng lương ưu tiên, phù hợp với vị trí, việc làm, đảm bảo chế độ đãi ngộ cho giáo viên. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về quy chuẩn, số lượng giáo viên. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về chế độ chính sách, địa phương là người tuyển dụng. Như vậy phải ba bên phối hợp với nhau. Ba năm gần đây, không được tăng biên chế, các địa phương phải căn chỉnh, co kéo nên sinh ra hợp đồng giáo viên. Bộ GD&ĐT đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Với bất cứ lĩnh vực nào, để đổi mới thì tư duy phải đi trước, thay đổi tư duy mới mong thay đổi được cách làm, hướng tới mục tiêu đặt ra. Nếu vẫn còn đang vướng ở khâu tư duy thì chắc chắn không bao giờ đạt được kết quả cuối cùng. Với đổi mới giáo dục cũng vậy. Cần xác định rõ liệu giáo dục có phải là việc của riêng những người làm giáo dục? Hay bên cạnh ngành chuyên trách, giáo dục phải là việc của tất cả các cấp/ngành, của nhà trường, gia đình, của toàn xã hội, mọi người đều phải chung tay góp sức, cùng hưởng thành quả, cùng chịu trách nhiệm, cùng suy nghĩ giải quyết các vướng mắc? Chỉ cần xác định đúng tư duy thì nhất định sẽ có hướng hành động đúng.