Thầy giáo Trường Sa đón Tết với “Một trời” kỷ niệm

GD&TĐ - Gắn bó với huyện đảo Trường Sa gần 5 năm, đảo đã là nhà, là quê hương thứ hai của thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ. Hơn 4 năm về trước thầy đã viết đơn tình nguyện để được “gieo chữ” nơi đầu sóng ngọn gió.

Thầy giáo Trường Sa đón Tết với “Một trời” kỷ niệm

4 năm ăn Tết ở đảo với biết bao kỷ niệm và ân tình, vậy mà sắp phải chia xa vì tháng 6/2018 tới thầy sẽ hết thời hạn “cắm đảo” để trở về đất liền công tác. Vì thế, với thầy Tết này là cả “một trời” kỷ niệm, bởi có thể sẽ là rất lâu nữa thầy mới được sum vầy đón Tết bên cánh sóng.

Ăm ắp những kỷ niệm

Cùng với thầy Nguyễn Xuân Quyết, thầy Nguyễn Ngọc Hạ - giáo viên trên đảo Sinh Tồn là gương mặt trẻ tuổi nhất trong số 42 nhà giáo “cắm đảo” được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tuyên dương, khen thưởng. Mới đó mà đã gần 5 năm, thầy Nguyễn Ngọc Hạ gắn bó với đất đảo Sinh Tồn.

Trao đổi với thầy qua sóng điện thoại chập chờn hòa cùng tiếng sóng biển, thầy Hạ bộc bạch: “Còn nhớ, ngày đầu tiên đặt chân đến đất đảo, với biết bao điều mới lạ, vậy mà giờ đây từng ngọn cỏ, cành cây đều trở nên thân thuộc đến lạ kỳ. Nhớ lắm buổi học đầu tiên khi thầy, trò làm quen với nhau trên lớp học với tiếng sóng biển rì rào đến khó chịu. Ấy vậy mà giờ đây nó lại trở nên thân thương biết nhường nào, trở thành một phần máu, thịt... xa là thấy nhớ”.

Thầy Hạ cho biết, năm đầu tiên ăn Tết ở đảo thầy mới biết đến bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông, biết đến những cánh thiệp chúc mừng được làm bằng vỏ ốc… Tất cả đều hiện hữu đâu đây, trong veo và vô cùng tươi mới. “Nhanh thật đấy, vậy mà chỉ còn mấy tháng nữa đã phải chia xa, làm sao quên được những kỷ niệm thân thương đó” – thầy Hạ ngập ngừng nói qua điện thoại.

Không như nhiều người vẫn nghĩ, thầy Hạ cho hay, Tết ở đảo vui không tả xiết: Cũng thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh. Vui nhất là đêm giao thừa, cả đảo cùng tham gia chương trình văn nghệ, hát hò, hái hoa dân chủ. Sáng mùng 1 Tết mọi người gửi cho nhau những lời chúng mừng tốt đẹp nhất.

“Giáo viên chúng tôi hãnh diện nhất vì được học sinh tặng quà. Đó là những cánh thiếp chúc mừng năm mới được viết trên lá bàng vuông, vỏ ốc, trái bàng khô hay trên những tờ giấy màu được đất liền gửi ra, khiến chúng tôi vô cùng cảm động” – Thầy Hạ cười hiền, đồng thời cho biết: Học sinh trên đảo rất ngoan, chăm học và sống rất tình cảm. Thầy không có mong muốn gì hơn ngoài việc làm sao để các em luôn được đủ đầy và vẹn tròn niềm vui đón Tết.

Lo Tết cho trò

Qua tìm hiểu được biết, Trường Tiểu học Sinh Tồn có 10 học sinh, trong đó có 3 học sinh mẫu giáo do thầy Lê Anh Đức (cùng công tác trên đảo) phụ trách giảng dạy; thầy Hạ phụ trách dạy 7 học sinh tiểu học gồm: 4 học sinh lớp 1; 2 học sinh lớp 4 và 1 học sinh lớp 5.

Thầy Hạ chia sẻ: Do đặc thù học sinh ít và có 3 trình độ khác nhau nên lớp học được tổ chức dạy ghép và có vận dụng Mô hình VNEN. Hết học kỳ I, năm học 2017-2018, 100% học sinh đều đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng theo quy định. “Chúng tôi nguyện dồn hết tâm sức, trí tuệ để dạy học cho các em, để các em hoàn toàn có thể tự tin khi trở lại đất liền học tập” – thầy Hạ quả quyết.

Chẳng thế mà, học sinh trên đảo giờ đây đã dạn dĩ hơn rất nhiều so với trước. Các em tự tin khi có khách đến đảo. Những lúc như thế các em như những MC nhí hoặc hướng dẫn viên du lịch của đảo cho dù vẫn còn những lúng túng, vấp váp và đôi chút vụng về của con trẻ.

Có được kết quả như vậy, thầy Hạ và đồng nghiệp của mình đã phải thường xuyên đổi mới phương pháp dạy, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Chính những lần có khách từ đất liền ra thăm đảo là cơ hội để thầy Hạ tổ chức hướng dẫn, giáo dục học sinh về kỹ năng sống và kiến thức xã hội. Theo đó, lần nào thầy cũng mời ít nhất từ 5 - 7 người với nhiều nhóm đến từ các lĩnh vực khác nhau đến nói chuyện với thầy, trò về cuộc sống, về những kiến thức văn hóa, xã hội.

Đơn cử như: Những phong tục đón Tết của các vùng miền, hay như vấn đề an toàn giao thông, bảo vệ tài nguyên biển, về những phong trào kế hoạch nhỏ của các bạn học sinh… Qua đó, vừa bổ sung kiến thức cho cả thầy và trò, vừa tăng cường kỹ năng giao tiếp cho các em. Và quan trọng hơn là để thầy, trò không bị “lạc hậu” trước những đổi thay, vận động không ngừng của xã hội.

Đặc biệt, lần nào cũng vậy thầy không quên nhắn gửi đất liền gửi thêm những đồ chơi, thiết bị học tập cho học trò của mình. Ngày Tết thì có thêm quà bánh, giấy màu để trang trí lớp học, làm thiệp chúc mừng, trang trí thành cành đào, cành mai và vài ba bộ quần áo mới để các em đón Tết.

“Tôi không mong muốn gì cho riêng mình, chỉ mong các em ngày một lớn khôn, mai này là người có ích cho xã hội. Mong rằng, những năm tháng sống, học tập và làm việc trên đảo sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên của thầy – trò chúng tôi và nó sẽ là hành trang để chúng tôi vững bước trên đường đời” – thầy Hạ trải lòng.

Theo kế hoạch, tháng 6/2018 thầy Nguyễn Ngọc Hạ cùng 5 thầy giáo trẻ hiện đang dạy học ở huyện đảo Trường Sa sẽ hết thời hạn công tác 5 năm nơi đất đảo. Rồi đây, các thầy sẽ trở lại đất liền để tiếp tục sự nghiệp trồng người. Và những năm tháng dạy học trên đảo sẽ là những trang giáo án sinh động nhất, chân thực nhất để các thầy tiếp tục hành trình “gieo chữ, ươm mầm” cho quê hương, đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ