Ngược ngàn chiêu sinh

GD&TĐ - Tờ mờ sáng, vợ chồng cô Dang lọ mọ lên đường, bất chấp mưa gió, trơn trượt. Cứ ngã, họ lại dựng xe dậy rồi đi tiếp, cứ thế cho đến khi không thể đi được nữa mới chịu gửi xe để “cuốc bộ” lên bản.

Học sinh Trường Mầm non Chiềng Ban, huyện Mai Sơn trong một hoạt động tập thể.
Học sinh Trường Mầm non Chiềng Ban, huyện Mai Sơn trong một hoạt động tập thể.

Hành trình chiêu sinh của giáo viên vùng cao Sơn La bao năm qua luôn gắn liền với cú ngã và lấm lem bùn đất.

Cơm nắm “thượng sơn”

Mỗi năm đến “mùa tựu trường”, các cô giáo ở vùng cao của tỉnh Sơn La lại tỏa đi muôn hướng. Họ có mặt ở khắp các bản, làng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động học sinh đến lớp.

Năm học này, cô Giàng Thị Dang lần đầu tiên lên “cắm bản” Hua Pư (Trường Mầm non Chiềng Nơi, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Đây là điểm bản khó khăn, xa xôi nhất của xã. Hua Pư cách điểm trường chính 37km. Sợ học sinh không đến lớp đông đủ, từ cuối tháng 7, cô Dang lại “ngược ngàn”, lên bản tìm trò. Phần vì chưa quen đường, phần cũng bởi khó đi, nên cô phải nhờ chồng đưa lên. Cung đường này chỉ những tay lái “số má” mới có thể chinh phục được.

Kế hoạch đã lên, hai vợ chồng lọ mọ dậy từ lúc gà chưa gáy sáng. Cô Dang nấu vội nồi cơm, nắm sẵn, gói ít muối vừng và đồ ăn tạm, hai vợ chồng “tay nải” lên đường. Anh Dia (chồng cô Dang) cũng không quên nhét vào cốp xe vài gói mì tôm phòng tình huống phát sinh.

Nhà cách trường có gần 40 cây số, anh Dia có tiếng là “tay lái lụa”, song hai vợ chồng cũng hai lần lăn lộn với con đường nhầy nhụa bùn đất. Đi được quá nửa đường phải gửi xe vì không thể đi tiếp.

“Hôm ấy, vợ chồng tôi ngã 2 lần. Xe cũng hỏng. Chẳng biết làm thế nào, hai vợ chồng phải gửi xe lại nhà dân rồi cùng nhau đi bộ lên bản. Đường trơn, không thể đi được nên chỉ biết men theo các rãnh nước để đi. Sau 2 lần ngã, tuy người không sao, nhưng về nhà, hai vợ chồng tím hết chân tay, người thì đau ê ẩm”, cô Dang nhớ lại.

Trời mưa như trút, 5 giờ sáng, hai vợ chồng hì hục bước đi. Thế mà đến 8 giờ mới có mặt ở điểm bản Hua Pư. Cũng nhờ bác trưởng bản - Vàng A Di nhiệt tình vận động, 25 hộ gia đình có con trong độ tuổi đi học mầm non có mặt đông đủ dự họp. Cô Dang đã thuyết phục các hộ quan tâm, tạo điều kiện cho con em mình đến lớp đông đủ. Cả bản chẳng ai “khước từ”, mà đồng loạt đồng thuận sau những lời tuyên truyền, giải thích của cô và bác A Di.

Sau cuộc họp, cô lại tranh thủ đến từng nhà để trao đổi với phụ huynh và kiểm tra lại hồ sơ của mỗi học sinh. Cô cũng không quên quay trở lại điểm trường xem lại cơ sở vật chất. Hai vợ chồng lại cặm cụi sửa chữa hàng rào lớp học, lau dọn bàn ghế, đồ chơi để sẵn sàng cho năm học mới.

“Năm học tới tôi phụ trách lớp ghép 3 độ tuổi gồm các lớp 3, 4, 5 tuổi với 25 cháu. Biết là khó khăn khi cùng lúc phải chuẩn bị ba giáo án giảng dạy với từng lứa tuổi, song tôi sẽ cố gắng vì các em học sinh. Đường xa, khó đi về trong ngày nên tôi xác định sẽ ở lại trường, mỗi tuần về nhà thăm con một lần”, cô Dang bộc bạch.

Con đường mà giáo viên “cắm bản” phải vượt qua trong hành trình chiêu sinh.
Con đường mà giáo viên “cắm bản” phải vượt qua trong hành trình chiêu sinh.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”…

Năm học 2021 - 2022, Trường Mầm non Chiềng Nơi có 513 học sinh. Để huy động học sinh ra lớp như kế hoạch, từ đầu tháng 8, mấy chục giáo viên trong trường đã tất bật chuẩn bị. Cô Cầm Thị Út - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Ban giám hiệu đã chủ động phân công giáo viên nắm rõ danh sách học sinh từ cuối năm học trước để làm công tác “dân vận”. Cuối tháng 7, đầu tháng 8 là giai đoạn “cao điểm”, giáo viên phải đến từng nhà học sinh để thăm hỏi, động viên phụ huynh cho con em đến trường.

Theo cô Út, phần lớn phụ huynh là người dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế, nên việc học tập của con cái không được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, đường từ nhà đến lớp xa, khó đi nên học sinh có tâm lý ngại đi học. Vì vậy, năm nào giáo viên cũng phải đi vận động.

Không chỉ tuyên truyền, giáo viên còn hỗ trợ phụ huynh hoàn tất hồ sơ cho con đi học, bởi một số cặp vợ chồng tảo hôn, không thể làm được giấy khai sinh cho con. Cũng có nhà đã làm thủ tục khai sinh song lại chưa nhập khẩu. Lại có gia đình cả bố và mẹ đang đi làm công nhân ở các vùng có dịch. Họ mang hết giấy tờ tùy thân và cả sổ hộ khẩu đi theo, không thể mang về để hoàn thiện hồ sơ. Vì thế, tất cả đều nhờ đến bàn tay của những “người mẹ hiền”.

Năm học này, Trường Mầm non Chiềng Ban (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn) có 15 lớp mẫu giáo, 3 lớp nhà trẻ với tổng số 548 em. Điều kiện kinh tế tuy khó khăn, song còn thuận lợi hơn nhiều xã khác trong huyện. Vì thế, việc vận động học sinh đến trường cũng dễ dàng hơn. Trường đã hoàn tất các điều kiện cần thiết cho năm học mới.

“Không ít phụ huynh vẫn có tâm lý thương con hoặc có người trông rồi nên không muốn cho con đi học, nhất là nhóm nhà trẻ. Nhiều phụ huynh cũng chưa thấy được lợi ích của việc học… Trước yêu cầu đặt ra, tôi yêu cầu giáo viên đến từng nhà vận động phụ huynh. Ban đầu dự kiến sẽ đón 65 cháu đến lớp, song vận động mãi có thêm 5 hộ đồng tình cho trẻ đi học. Đó là nỗ lực rất lớn của giáo viên nhà trường”, cô Phùng Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Mầm non Chiềng Ban chia sẻ.

Ông Phạm Văn Khanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mai Sơn - cho biết: “Năm nay, công tác tuyển sinh hoàn thành từ sớm. Tỉ lệ huy động của các đơn vị trường học vượt kế hoạch được giao. Chúng tôi đã chỉ đạo các thầy cô phải đến nhà học sinh để thông báo lịch học và vận động các em ra lớp, bảo đảm ngày tựu trường phải đủ sĩ số”.

Khi các trường hoạt động trở lại phải thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K. Học sinh phải đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn. Chúng tôi cũng đề xuất lên UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho các trường mua trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh và tổ chức lễ khai giảng đầu năm học ngắn gọn, an toàn. - Ông Phạm Văn Khanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.