Xót lòng bữa cơm rau dại, cá khô của giáo viên vùng cao

Xót lòng bữa cơm rau dại, cá khô của giáo viên vùng cao

Chông chênh con chữ

Trời hửng nắng, chúng tôi có mặt tại Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) để vào thăm điểm trường Kon Plinh (Trường PTDTBT Tiểu học xã Hiếu, huyện Kon Plông). Mặt dù có nắng nhưng con đường dẫn vào điểm trường vẫn dày đặc sương mù bao phủ. Một bên là núi, một bên là vực sâu nên cả đoàn đi chậm để không bị lạc tay lái.

Sau gần 2 tiếng băng qua cái giá lạnh của núi rừng, điểm trường Kon Plinh hiện ra sau ngọn núi mờ sương. Xung quanh là những nóc nhà đã cũ như bao bọc lấy điểm trường. Thấy người lạ, đám trẻ con đang đùa nghịch trước sân ngượng ngùng gật đầu chào rồi vội chạy ùa vào lớp học. Một số em hé mắt qua các khe hở trên vách nhìn máy quay lạ lẫm.

Cô Đỗ Thị Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Hiếu cho biết: Điểm trường Kon Plinh có 5 thầy cô giáo phụ trách 5 lớp với 61 học sinh (100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số). Phần lớn các em có hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ quanh năm làm nương rẫy nên ít quan tâm đến việc học của con em mình. Do đó các thầy cô thường xuyên đến tận nhà, có khi lên tận nương rẫy để vận động gia đình cho các em đến trường học con chữ.

Dạy chữ xứ “khỉ ho cò gáy”, các thầy cô giáo nơi đây thường xuyên đối mặt với cảnh vợ một nơi chồng một nẻo. Như trường hợp thầy Nguyễn Văn Trọng, tuy ở cùng huyện nhưng 2 vợ chồng lại dạy cách nhau hơn 40km nên cuối tuần mới có dịp quây quần.

Tâm sự với chúng tôi, thầy Trọng nhớ như in những ngày đầu lên mảnh đất này. Khi đó, đường đi lại chỉ là những lối nhỏ, mùa mưa trơn như đổ mỡ, xe máy phải gắn xích mới có thể băng qua. Hai vợ chồng thầy chật vật đẩy xe, dắt bộ mãi mới vào được điểm trường. Điểm trường lúc đó là những gian nhà lụp xụp, hở toang. Mỗi khi gió lùa, thầy trò trong lớp ngồi co ro, tay không thể viết chữ được vì lạnh buốt. Dần dần trường cũng được tu sửa khang trang hơn. Tuy nhiên, đường tới trường của các em học sinh vẫn còn lắm gian nan từ đường đi lại tới điều kiện sống.

“Những hôm mưa, các em đến trường với bộ quần áo lấm lem bùn đất, người ướt sũng, run lẩy bẩy. Mặt các em tái nhợt, tay cứng vì cái giá lạnh. Chúng tôi thương các em lắm, chỉ biết khoác cho những đứa trẻ ấy cái áo khoác lên người để bớt cái buốt giá. Trước cái khó, cái khổ của bà con, chúng tôi chỉ biết gieo vào đầu con em họ con chữ để thay đổi tương lai mù mịt như màn sương kia”, thầy Trọng nói rồi nhìn ra màn sương sớm đang phủ trắng quả đồi trước mặt.

Rau dại, cá khô trên đường gieo chữ

Đường sá đi lại khó khăn nên thức ăn, nước uống ở điểm trường Kon Plinh vô cùng thiếu thốn. Với nắm cá khô gác trên bếp xuống, cô Nguyễn Thị Hoa (nhà ở TP Kon Tum) gỡ từng lớp giấy báo bọc bên ngoài rồi kẹp cá vào vỉ nướng trên bếp than hồng.

“Đoàn mình vào cuối tuần nên không còn thịt cá tươi. Giờ chỉ còn cá khô, mọi người ăn tạm vậy. Cá hơi mặn vì người ta ướp muối nhiều mới giữ được lâu”, cô Hoa nói rồi nhanh tay lật vỉ cá khô đang cháy xém, thơm lựng.

Cô Hoa gắn bó với điểm trường Kon Plinh đã 8 năm. Ngày mới lên cũng buồn và nhớ nhà, tuy nhiên khi tiếp xúc và trò chuyện với các em, cô thấy thương chúng vô cùng. Cô Hoa mong muốn mình có thể góp sức mình giúp các em biết con chữ để tự thoát nghèo.

“Đường sình lầy, trơn trượt hay những cơn mưa rừng, bị vắt cắn no máu mình đã trải qua hết. Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng với mình đó là những kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời dạy học”, cô Hoa chia sẻ.

Mặc dù có 2 con nhỏ, nhưng do điều kiện không cho phép nên cô đành gửi con cho mẹ và chồng ở nhà chăm sóc. Cứ chiều Chủ nhật cô chạy xe máy lên trường đến chiều thứ 6 lại thu dọn giáo án để về nhà thăm con.

“Tối đến nhớ con mình lại phải chạy lên mỏm đá cao để dò sóng điện thoại gọi về. Mẹ con nói chuyện được vài câu sóng lại mất. Hơi cực tí nhưng không nghe thấy giọng 2 đứa nhỏ mình khó ngủ lắm, có hôm thao thức cả đêm. Cứ như vậy thành thói quen rồi, 2 đứa nhỏ nhà mình không thấy mẹ gọi là không chịu ngủ”, cô Hoa tâm sự.

Dứt lời, cô Hoa nhờ tôi phụ dọn cơm lên để mọi người dùng bữa. Bữa trưa đạm bạc với đĩa cá khô nướng, rau dớn xào và canh bầu đất. Khi mọi người đã quây quần bên mâm cơm, cô Hoa chỉ vào tô canh bầu tếu táo: “Đợt trước hết rau mình có đi xin bầu đất nấu canh ăn. Vì người ở làng chỉ dùng bầu đất cho heo ăn nên họ mới ngạc nhiên hỏi “Cô giáo mà cũng ăn rau heo à?”. Khi đó, mình vừa ngượng vừa buồn cười. Sau đó, biết bầu đất ăn được nên dân làng hay mang ra cho cô giáo đổi món.”.

Chia tay điểm trường Kon Plinh, các thầy cô tiễn chân đến tận bờ suối đầu làng. Cả đoàn về đến phố huyện, vị mặn mòi của món cá nướng khiến ai nấy đều khát nước. Mong rằng con đường vào Kon Plinh bớt chông chênh hơn để ngày mai, ngày kia và nhiều ngày sau nữa, thầy cô không còn khát nước vì món cá khô mặn chát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.