Hãy đặt mình vào vị trí người học

GD&TĐ - Trong quỹ đạo chung của tiến trình đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thời đại, nền giáo dục nước nhà đang có những bước chuyển mình rõ rệt.

Hãy đặt mình vào vị trí người học

Sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang dần dần thay đổi phương pháp dạy cũ – học theo kiểu “thầy chép, trò ghi, thi học thuộc" sang phương pháp dạy mới lấy người học làm trung tâm.

Tuy nhiên sự đổi mới phương pháp giảng dạy phải được thực hiện trên cơ sở đổi mới tư duy dạy học. Trong đó, phương pháp chỉ là con đường còn con người mới là chủ thể vạch ra con đường ấy. Bởi vậy, đổi mới dạy học ở nhà trường trung học phổ thông cần đến đổi mới tư duy người thầy.

Người thầy từ chỗ là người truyền đạt kiến thức một chiều theo lối áp đặt, còn trò là người tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, thì nay phải thay đổi thành giáo viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho học sinh cách thu nhận kiến thức một cách chủ động, tích cực, hỗ trợ học sinh giải đáp những thắc mắc khi cần thiết.

Từ thực tiễn giảng dạy của bản thân và dự giờ đồng nghiệp, tôi nhận ra một khó khăn rất lớn trong việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực. Bên cạnh những giờ học thành công, khơi dậy được sự tích cực, chủ động của học sinh thì vẫn còn khá nhiều những tiết dạy đang đổi mới “nửa vời”.

Giáo viên cố gắng vận dụng đa dạng các phương pháp dạy học nhưng vẫn không khơi gợi được hứng thú học tập của học sinh. Những tiết học vẫn có phần trầm mặc khi phần thảo luận nhóm hay hoạt động hợp tác khác diễn ra mang tính hình thức, thiếu sự tranh biện sôi nổi của học sinh, kể cả những hoạt động trải nghiệm mà giáo viên tổ chức cũng chưa đem lại hiệu quả như ý.

Nguyên nhân thực trạng trên là gì? Thiết nghĩ, một trong những những vấn đề căn bản cần làm trong đổi mới tư duy người thầy chính là đặt mình vào vị trí người học. Có như vậy, thầy mới hiểu trò cần gì, làm thế nào để khơi gợi được hứng thú ở trò. Đó chính là điều mà những tiết dạy trên chưa làm được.

Vậy người giáo viên cần đặt mình vào vị trí người học để làm gì?

1. Đặt mình vào vị trí người học để hiểu rằng: đổi mới phương pháp học cũng là một quá trình. Chúng ta vẫn biết đổi mới phương pháp là một quá trình, không phải một sớm một chiều mà giáo viên nhuần nhuyễn và đạt hiệu quả ngay tức thì. Người thầy cần tìm tòi, trau dồi, thể nghiệm trong vận dụng các phương pháp dạy học tích cực.

Vậy thì đối với học sinh, các em cũng cần một quá trình để đổi mới phương pháp học theo sự hướng dẫn của người thầy, để thay đổi thói quen học thụ động cố hữu xưa nay. Thay vì than thở rằng trò quen phương pháp cũ rồi, không chịu hợp tác trong những tiết dạy đổi mới; chúng ta hãy tạo ra một hành trình riêng để các em làm quen phương pháp mới từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp để mỗi tiết dạy là một khám phá, không chỉ về tri thức mà còn là sự thích thú của trò với sự hướng dẫn, gợi mở của người thầy.

2. Đặt mình vào vị trí người học để chuyển giao nhiệm vụ vừa sức với học sinh. Tôi đã từng dự những tiết dạy mà giáo viên tổ chức học sinh hoạt động theo kĩ thuật khăn trải bàn chỉ trong 3- 5 phút với một phiếu học tập dài chi chít chữ trong đó nhiều công việc cần hoàn thành, tương đương cả một mục lớn, thậm chí là trọng tâm trong bài dạy của giáo viên.

Nói thật lòng, các em khó có thể hoàn thành nổi cả nhiệm vụ cá nhân và nhiệm vụ nhóm. Từ đó dẫn đến phần thảo luận mang tính hình thức, một số em nhanh chóng ghi kết quả chung mà chưa hề thảo luận, nhiều em trong nhóm không tham gia, không nắm được kết quả này. Như vậy, giáo viên cần chuyển giao nhiệm vụ vừa sức cho học sinh để các em có thể thực sự làm việc chiếm lĩnh tri thức. Nhiệm vụ quá nhiều trong 1 khoảng thời gian ngắn sẽ khiến các em làm việc không hiệu quả.

3. Đặt mình vào vị trí người học để lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với năng lực học sinh. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn than phiền rằng lớp này học sinh học yếu, không chăm học, khó dạy tiết đổi mới phương pháp nên khi thao giảng, giáo viên thường có xu hướng dạy lớp chọn.

Đành rằng dạy học sinh khá giỏi thì việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực sẽ hiệu quả hơn, giờ học sôi nổi hơn. Nhưng nên chăng, giáo viên cần tìm ra phương pháp dạy học phù hợp để khơi gợi hứng thú học tập ở tất cả học sinh, đặc biệt ngay cả ở những lớp lực học trung bình hay yếu. Hãy ưu tiên những phương pháp đơn giản, hiệu quả như tổ chức các trò chơi sinh động, đóng vai hay xử lí tình huống,…để lôi cuốn học sinh tham gia tích cực vào tiết học.

4. Đặt mình vào vị trí người học để có hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp. Khi thiết kế giáo án, định hướng học sinh, người giáo viên cần hình dung, định lượng được những kiến thức, kĩ năng mà các em sẽ nhận được sau tiết học. Đừng để những tiết học đổi mới “hình thức”, có vẻ thành công trong tổ chức hoạt động học nhưng cuối cùng thì học sinh lại không thu nhận được gì. Cho nên vấn đề không phải là thầy dạy hay như thế nào mà là trò nhận được bao nhiêu từ sự tổ chức, hướng dẫn của thầy.

Đích đến của một tiết học chính là sự “vỡ ra” của trò trong quá trình tự nhận thức dưới sự hướng dẫn của người thầy. Muốn vậy, điều cốt yếu chính là giáo viên phải đổi mới tư duy dạy học; phải biết đặt mình vào vị trí người học trò trong thiết kế, tổ chức giờ dạy của mình.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ