Dạy học trực tuyến, cô giáo tối ngày ôm máy tính “quên” việc nhà

GD&TĐ - Phải làm việc bên máy tính từ 7h sáng cho tới tối muộn, nhiều cô giáo đã "quên" cả chồng con vì phải xử lý nhiều công việc trên máy tính khi dạy học trực tuyến.

Những tình huống bi hài khi dạy trực tuyến

Những ngày này, hàng triệu học sinh của Thủ đô đang phải học theo hình thức trực tuyến do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đường truyền bị gián đoạn hay học sinh thiếu sự tập trung, nhất là lớp bé đang là những trở ngại lớn với mỗi thầy cô giáo nếu muốn giờ dạy của mình được trơn tru, không bị “văng” ra ngoài.

Đã hơn 20 năm công tác trong nghề bên bảng đen phấn trắng, cô giáo Ngô Thị Lý – giáo viên trường Tiểu học An Hưng (Hà Đông, Hà Nội) cũng gặp phải nhiều khó khăn khi dạy học trực tuyến.

Cô giáo Ngô Thị Lý – giáo viên trường Tiểu học An Hưng chia sẻ những khó khăn khi dạy học trực tuyến. Ảnh: Nhật Cường.
Cô giáo Ngô Thị Lý – giáo viên trường Tiểu học An Hưng chia sẻ những khó khăn khi dạy học trực tuyến. Ảnh: Nhật Cường.

Cô kể, tuy là học sinh lớp 2 nhưng vẫn có nhiều em không tập trung nghe cô giáo giảng bài, bố mẹ cũng không tạo điều kiện về không gian cho con học nên nhiều khi tiếng gà gáy, tiếng tivi vọng vào át cả tiếng của cô nói. Đó là chưa kể một số em bị mắc kẹt và phải học trực tuyến ở quê với ông bà. Chất lượng đường truyền internet kém, các em bị “văng” ra khỏi phòng học zoom nhưng không biết thao tác để vào học lại.

“Do chất lượng đường truyền mạng ở nhà bị chập chờn nên tôi phải ra trường vào mỗi sáng để dạy các con. Tại đây có máy tính, camera giúp học sinh có thể nhìn được bài cô viết lên trên bảng để dễ hình dung nội dung bài học hơn.

Với các em từ lớp 3 trở lên đã được học trực tuyến từ năm học trước nên giờ đã quen. Còn học sinh lớp 2 thì việc học trực tuyến rất khó khăn, cô giáo phải khá vất vả để các em có thể hiểu được những kiến thức cơ bản. Có những em không đủ điều kiện học bằng máy tính mà chỉ qua chiếc điện thoại, cả buổi nhìn vào màn hình bé xíu mà cũng thiếu tập trung tôi thấy thương vô cùng.

Trước khi nghỉ hè năm học trước các em đã học trực tuyến, thi học kỳ cũng qua zoom. Đến năm học mới, cô trò chỉ biết mặt nhau qua từng giờ học trực tuyến, cô cũng chưa kịp hiểu hết tính cách của các em. Do đó, giữa tôi và cô giáo lớp 1 năm ngoái phải có sự trao đổi thường xuyên để nắm bắt được hoàn cảnh, đặc điểm của từng học trò. Nếu học trên lớp, có em nào đọc vẫn còn phải đánh vần thì cô giáo có thể tranh thủ giờ ra chơi hoặc cuối buổi luyện thêm cho, nhưng học trực tuyến thì điều này thực sự rất khó”, cô Lý chia sẻ.

Được trang bị hệ thống mạng với đường truyền ổn định, cô Lý lựa chọn tới trường để dạy trực tuyến cho học sinh. Ảnh: Nhật Cường.
Được trang bị hệ thống mạng với đường truyền ổn định, cô Lý lựa chọn tới trường để dạy trực tuyến cho học sinh. Ảnh: Nhật Cường.

Là năm đầu tiên học sinh lớp 2 học sách giáo khoa mới theo chương trình GDPT năm 2018, cô Lý cho rằng, ở chương trình mới đòi hỏi các em kỹ năng nói nhiều hơn viết. Văn bản ở sách lớp 2 khá dài, những em đọc chưa thông thì phải rất vất vả để hiểu văn bản yêu cầu các em làm gì.

Đó là chưa kể, việc có cả phụ huynh ngồi cạnh khiến học sinh mất tập trung và thi thoảng cất lên những tiếng gọi bố mẹ để mè nheo, vòi vĩnh là chuyện thường xuyên, ảnh hưởng tới chất lượng bài dạy của cô.

Chỗ nào chưa hiểu, các con hoàn toàn có thể hỏi để cô giáo hướng dẫn. Mặc dù đã được quán triệt từ trước nhưng vẫn không khó để bắt gặp những cảnh khi con đang học, tiếng bố mẹ quát con còn to hơn cả tiếng cô dạy vì con quên không tắt míc.

Ngoài ra, vì bị "cuốn" theo việc giảng dạy trực tuyến nên công việc gia đình cô gần như "phó mặc" cho chồng làm thay. Hiểu và rất thông cảm với nghề của vợ, chồng cô Lý vẫn cố gắng bảo ban các con học hành và tăng tính tự lập để vợ yên tâm công tác. 

Đầu tư bài dạy “quên” cả chồng con

Được phân công dạy lớp 1 trong nhiều năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Thuyết – giáo viên trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông cho biết, do mới chuyển cấp từ mầm non lên tiểu học, các em còn khá bỡ ngỡ với học trực tuyến lại chưa tiếp xúc với cô bao giờ. Trong thời gian này, tất cả phụ huynh đều được cô giáo yêu cầu ngồi cạnh để hỗ trợ các con làm quen với hình thức học khá mới mẻ này.

Một giờ học trực tuyến qua phần mềm zoom của học sinh Trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Ảnh: Nhật Cường.
Một giờ học trực tuyến qua phần mềm zoom của học sinh Trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Ảnh: Nhật Cường.

Từ 7h - 8h tối hàng ngày, cô Thuyết sẽ gửi những đoạn video ngắn về kỹ năng sử dụng đồ dùng học tập, tắt/bật míc phòng học zoom, làm quen với chữ cái và các nét cơ bản cho học sinh làm thử rồi gửi lại cho cô. Tiếp theo là hướng dẫn cho các em nhận diện được những cuốn sách, đâu là sách Toán, đâu là sách Tiếng Việt hay các môn khác vì các em chưa biết đọc chữ.

Trong vài ngày qua, cả cô và trò vẫn gặp phải tình trạng lỗi mạng và bị “văng” ra khỏi phòng học zoom nên phải tranh thủ vào phòng từ sớm. Rất may là lịch của học sinh lớp 1 vào buổi tối, lượng người truy cập không nhiều như ban ngày nên hiện tượng lỗi đường truyền đã dần được khắc phục.

Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh, giáo viên lớp 5 Trường Tiểu học Yên Nghĩa chia sẻ, một trong những "bí kíp" để làm chủ được giờ dạy trực tuyến của mình là nâng cao chất lượng bài giảng và khả năng thu hút sự chú ý của học sinh. Với bài giảng điện tử được xây dựng công phu, học sinh sẽ được tương tác nhiều hơn với cô.

Muốn vậy, các cô phải tìm cách làm các video hướng dẫn nội dung thật sự chi tiết, sử dụng hình ảnh bắt mắt để thu hút học sinh. Thời gian trong ngày của tôi và nhiều giáo viên khác phải gắn chặt với chiếc máy tính.

Cô Quỳnh và cô Thuyết cùng cho hay, "sáng phải dạy trực tuyến, chiều thì chấm chữa bài và soạn bài giảng điện tử cho hôm sau, tối lại tranh thủ tham gia lớp học bồi dưỡng chuyên môn trực tuyến nên tôi gần như không có nhiều thời gian dành cho công việc gia đình, chồng con. Nhiều khi nghĩ cũng thấy oải nhưng vì nhiệm vụ chung nên các cô vẫn cố gắng để hoàn thành tốt nhất có thể". 

Mỗi phụ huynh là những “cô giáo nhỏ” đồng hành cùng con

Thấu hiểu nỗi vất vả của các giáo viên, cô Cao Thị Lan Hương – hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hưng, quận Hà Đông cho rằng, mỗi bậc cha mẹ nên là những “cô giáo nhỏ” đồng hành cùng con học trực tuyến tại nhà.

Với hình thức học này, nhất là với trẻ mới vào lớp 1 thì vai trò của phụ huynh là vô cùng lớn. Ở trên lớp, cô giáo có thể cầm tay của con hướng dẫn từng nét chữ nhưng học qua zoom, cô giáo không thể làm được điều này. Thông qua từng đoạn video ngắn của cô giáo hướng dẫn cách viết chữ cái, phụ huynh sẽ là người trực tiếp đồng hành và uốn nắn cho con cách ghi sao cho đẹp nhất có thể.

“Chưa biết dịch sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chúng tôi vẫn luôn quán triệt tới từng cán bộ giáo viên phải xác định việc dạy và học trực tuyến cần phải làm bài bản, nghiêm túc.

Nhà trường luôn tạo điều kiện hết sức để hỗ trợ giáo viên về trang thiết bị nếu dạy trực tuyến tại trường khi có nguyện vọng. Các thầy cô cần khắc phục khó khăn, cố gắng trau chuốt cho từng bài giảng để mỗi giờ dạy sẽ đạt hiệu quả mong muốn...”, cô Lan Hương cho biết.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ