Việc học trực tuyến hiệu quả thế nào, nhất là đối với học sinh nhỏ tuổi, học sinh có điều kiện học tập khó khăn luôn là trăn trở của nhiều phụ huynh cùng các thầy, cô giáo.
Băn khoăn, lo lắng khi trẻ nhỏ học trực tuyến
Chị Nguyễn Thị Hiền ở quận Đống Đa (Hà Nội) có con học lớp 1 chia sẻ: Khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, học trực tuyến là giải pháp hiệu quả nhất, giúp các con vẫn tiếp thu được kiến thức mà đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc học trực tuyến luôn là nỗi lo của gia đình khi không phải ngày nào bố mẹ cũng có thể ngồi kèm con suốt 3 giờ đồng hồ.
Theo chị Hiền, học trực tuyến bắt buộc phải có người lớn hỗ trợ. Một đứa trẻ dù không còn xa lạ gì thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính nhưng vẫn có người lớn để hướng dẫn vào lớp học.
Còn chị Lê Thúy Hạnh ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ: Ở vùng nông thôn, không nhiều gia đình quan tâm đầy đủ đến việc học tập của con vì còn phải lo nhiều việc khác. Năm nay, con học Chương trình, sách giáo khoa mới, bố mẹ cũng gặp khó khăn khi kèm con học ở nhà. Hơn nữa, dù đã trang bị điện thoại cho con học trực tuyến nhưng đường truyền ở nông thôn không đảm bảo chất lượng, thường xuyên mất kết nối.
“Ngoài ra, tôi cũng sợ con mới chập chững bước vào lớp 1 mà suốt ngày học trên máy tính, không có nhiều thời gian được trò chuyện, tiếp xúc với thầy cô, bạn bè sẽ phần nào ảnh hưởng đến tinh thần, khiến con không có năng lượng, sự hào hứng khi học, từ đó chất lượng học tập không cao”, chị Hạnh bày tỏ.
Có con năm nay học lớp 1 trường ngoài công lập, chị Phạm Thu Hằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Trước năm học, gia đình đã sắm đầy đủ máy tính, webcam, bàn ghế phục vụ học trực tuyến. Bố mẹ cũng tranh thủ thời gian ngồi cạnh để cùng học, giúp đỡ con nếu có sự cố phát sinh.
Ban đầu, con rất háo hức ngồi vào bàn học, háo hức làm quen với các bạn. Nhưng sau một tuần học, con kêu chán và không muốn ngồi học nữa. Lý do con đưa ra là nhìn cô giáo và các bạn qua màn hình nên con không thấy hứng thú. Có mẹ ngồi cạnh nhưng con không tiếp thu được bài đầy đủ vì chưa có nền nếp học tập.
Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ những câu chuyện hài hước khi con học trực tuyến: Tiết 1 xin cô đi uống nước, tiết 2 xin đi vệ sinh, tiết 3 kêu đói bụng xin ra bếp ăn, tiết 4 nằm úp mặt xuống bàn ngủ.
Vượt qua khó khăn và thích ứng với hoàn cảnh
Cô Nguyễn Hồng Thanh, giáo viên có nhiều năm dạy lớp 1 ở Hà Nội cho biết, dạy trực tiếp đối với học sinh lớp 1 đã khó vì nhiều em chưa có thói quen, nền nếp học tập. Nay học trực tuyến sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi cô trò chưa có thời gian làm quen với nhau.
Do đó, cô Thanh cho rằng, trong những tuần đầu khi dịch chưa ổn định, tốt nhất cô trò chỉ nên làm quen với nhau qua Zoom. Nội dung xoay quanh việc giới thiệu từng học sinh, học hát, đố vui. Sau đó, nếu dịch vẫn phức tạp buộc phải học trực tuyến nên thiết kế nội dung dạy học theo chủ đề để trẻ làm quen, thời lượng rút gọn còn khoảng 30 phút/tiết, mỗi ngày không quá 4 tiết.
Khẳng định có nhiều khó khăn trong việc triển khai dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) - cho rằng: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không còn cách nào khác là phải tìm mọi cách vượt qua khó khăn và thích ứng với hoàn cảnh.
Dù là quận trung tâm thành phố nhưng trên địa bàn Ba Đình vẫn còn không ít phụ huynh gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến của học sinh. Do đó, các trường sớm tổ chức họp phụ huynh khối lớp 1 để tìm hiểu hoàn cảnh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ.
Là huyện xa trung tâm, Ba Vì vẫn còn một số học sinh chưa có các thiết bị học trực tuyến. Theo ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì, trước mắt, gia đình khắc phục bằng cách mượn máy hoặc học nhờ các bạn cùng lớp ở gần đó. Lâu dài, phòng đang tìm các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ các em.
Cùng với đó, việc đồng hành cùng con trong quá trình học luôn là điều khó khăn của các phụ huynh vùng nông thôn, khiến hiệu quả của việc học trực tuyến không cao. Do đó, các nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến học sinh, tạo sự đồng thuận của phụ huynh đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, hỗ trợ con em mình trong thời gian học.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Các nhà trường cần xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến với các khối lớp là giải pháp trong thời gian đầu của năm học 2021 - 2022. Xây dựng phương án dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả là vấn đề cần quan tâm, nhất là với học sinh lớp 1.