Công đoàn Giáo dục Việt Nam đổi mới vì quyền, lợi ích nhà giáo

GD&TĐ - Công tác chăm lo đại diện, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đội ngũ cán bộ nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm được Công đoàn Giáo dục Việt Nam quan tâm thực hiện phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giúp đỡ nhà giáo vượt qua khó khăn

Trong thời kỳ đầu mới thành lập, trong điều kiện vô cùng khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã cùng với lãnh đạo Ngành Giáo dục chú trọng nâng cao tinh thần yêu nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, động viên cán bộ, giáo viên vượt qua khó khăn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Công đoàn đã vận động anh em giáo viên tự tăng gia cải thiện đời sống, giúp nhau soạn bài, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng tài liệu dạy học như sao chép tài liệu bằng phương pháp thủ công... đồng thời với việc phát triển tổ chức công đoàn trong toàn hệ thống của Ngành.

Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, Công đoàn đã tập trung vận động cán bộ nhà giáo, người lao động tự tăng gia cải thiện, đoàn kết, giúp đỡ vượt qua khó khăn; có kiến nghị về chính sách đối với giáo viên như chuyển giáo viên danh dự thành giáo viên dân lập, kiến nghị Nhà nước có chính sách đối với giáo viên dân lập và giáo viên miền núi

Giai đoạn từ 1960 đến 1975, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo chăm lo, cải thiện đời sống vật chất cho đoàn viên, trong đó nổi bật là đã kiến nghị với Nhà nước bổ sung chính sách cho giáo viên, thực hiện chế độ bảo hiểm đối với giáo viên dân lập và từng bước chuyển họ vào biên chế.

Giai đoạn trước đổi mới, trong bối cảnh đời sống nhân dân khó khăn, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tập trung chỉ đạo việc thực hiện cuộc vận động “xã hội hóa giáo dục”, phối hợp với chuyên môn tạo điều kiện để cán bộ nhà giáo tham gia sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng để giải quyết một phần khó khăn về đời sống;

Cùng với đó, Công đoàn phối hợp phổ biến kịp thời các chế độ chính sách mới cho cán bộ nhà giáo; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có những chế độ ưu đãi như trợ cấp thêm tiền lương hàng tháng, tiền xe, trợ cấp khó khăn; xây dựng nhà ăn tập thể; tăng tiền thưởng cho giáo viên giỏi và các danh hiệu thi đua.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam còn phối hợp với Bộ Giáo dục ban hành chế độ cho giáo viên lên công tác miền núi, biên giới, vùng kinh tế mới, biển đảo, vùng khó khăn; ban hành chính sách thâm niên giáo dục. Đôn đốc, kiến nghị giải quyết tình trạng nợ, chậm lương của giáo viên và một số vấn đề liên quan đến danh dự của giáo viên, đề xuất cơ chế quản lý hoạt động lao động sản xuất để tạo nguồn chăm lo đời sống và tạo quỹ hỗ trợ đào tạo, kiến nghị sửa đổi việc quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội theo hướng tăng cho cơ sở.

Trong giai đoạn đất nước đổi mới, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho cán bộ giáo viên, xây dựng quỹ của công đoàn, cho vay không lấy lãi, tín chấp ngân hàng để phát triển kinh tế gia đình; tổ chức hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, trông trọt, phát triển nghề phụ; tham gia xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; sắp xếp lao động hợp lý để tăng thu nhập cho giáo viên, người lao động.

Công đoàn còn tổ chức các hoạt động, các câu lạc bộ sinh hoạt chính trị thời sự, sinh hoạt nghiệp vụ; các câu lạc bộ văn nghệ thể thao thu hút đông đảo giáo viên và học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia. Các mô hình câu lạc bộ văn hóa thể thao, “tuyên giáo công đoàn”, câu lạc bộ nữ công được thành lập, duy trì hiệu quả.

Công tác chăm lo cho đội ngũ được đổi mới, triển khai theo hướng thiết thực hiệu quả
Công tác chăm lo cho đội ngũ được đổi mới, triển khai theo hướng thiết thực hiệu quả

Chăm lo đời sống nhà giáo theo hướng thiết thực, hiệu quả

Bước sang thế kỷ 21, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ nhà giáo, kêu gọi tinh thần nhân ái trong hoạt động hỗ trợ giáo dục miền núi thông qua việc thực hiện cuộc vận động “Quyên góp, hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa”, quỹ “Vòng tay đồng nghiệp”, tổ chức các hoạt động tôn vinh nhà giáo, nghề giáo.

Trong thời gian gần đây, công tác chăm lo cho đội ngũ được đổi mới, triển khai theo hướng thiết thực hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu và nguyện vọng của cán bộ nhà giáo, người lao động như: Triển khai các chương trình công tác toàn khóa về Đại diện, bảo vệ và chăm lo thiết thực cho cán bộ nhà giáo, người lao động; bảo vệ danh dự nhân phẩm cán bộ nhà giáo, người lao động; thực hiện dân chủ cơ sở.

Công đoàn đã triển khai đối thoại, thương lượng; thực hiện các chế độ chính sách mới; đảm bảo phúc lợi cho cán bộ nhà giáo, người lao động; tư vấn pháp luật cho cán bộ nhà giáo, người lao động trong ngành và thành lập tổ tư vấn pháp luật Công đoàn Giáo dục Việt Nam; triển khai năm vì lợi ích đoàn viên với những chương trình phúc lợi đem lại ưu đãi, giảm giá các sản phẩm tiêu dùng thiết thực.

Cùng với đó là các hoạt động xây dựng và nâng cao đời sống tinh thần; tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao; tri ân, tôn vinh cán bộ nhà giáo, người lao động; tổ chức các hoạt động chăm lo sức khỏe, khám tầm soát sức khỏe cho cán bộ nhà giáo, người lao động.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã quan tâm hỗ trợ hàng nghìn cán bộ nhà giáo, người lao động khó khăn mỗi năm với kinh phí hàng tỷ đồng. Hàng năm tổ chức các chương trình Tết sum vầy cho giáo viên miền núi, hỗ trợ hàng trăm cán bộ nhà giáo, người lao động khó khăn, gặp thiên tai, bão lũ.

Công đoàn còn tích cực phát động phong trào xây nhà công vụ giáo viên, các công trình nước sạch cho giáo viên các trường vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Cùng với đó là hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ nâng cao năng lực giáo viên qua các buổi tọa đàm “Đồng hành cùng Nhà giáo”.

Đồng hành cùng ngành giáo dục, Công đoàn còn phát động và tổ chức phong trào thi đua sáng tạo trong dạy học và quản lý, kêu gọi cán bộ nhà giáo, người lao động thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tích cực nghiên cứu khoa học, có các sáng chế khoa học làm lợi cao, góp phần phát triển kinh tế và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.