Điều chỉnh đào tạo sinh viên sát thực tiễn từ góp ý doanh nghiệp

GD&TĐ - Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, điều chỉnh chương trình sát với nhu cầu thực tiễn.

Ông Đoàn Xuân Thanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh phát biểu.
Ông Đoàn Xuân Thanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh phát biểu.

Chiều 18/7, Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ hội đồng tư vấn nghề, hợp tác doanh nghiệp 6 tháng cuối năm 2025. Đây là hoạt động thường niên của Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung, Canon, Foxconn, Hyundai TC Motor, Luxshare, LG, Dreamtech...

Đào tạo kép, thực học - thực nghiệp

TS Vũ Quang Khuê - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho biết nhà trường đã hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, điều chỉnh chương trình sát với nhu cầu: bổ sung kiến thức về bán dẫn, thị giác máy tính, tác phong công nghiệp, kỹ năng mềm, ngoại ngữ chuyên ngành…

Trong 6 tháng đầu năm 2025, doanh nghiệp đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng học bổng, tiếp nhận hơn 1.500 lượt sinh viên thực tập, kiến tập tại nhà máy. Trường cũng hướng tới mô hình đào tạo kép song hành – học đi đôi với hành, trường đồng hành cùng doanh nghiệp trong cả đào tạo lẫn tuyển dụng.

k1.jpg
TS Vũ Quang Khuê - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh phát biểu tại hội nghị.

Vị hiệu trưởng này cho rằng, để sản xuất một sản phẩm cụ thể, sinh viên cần được học tích hợp - thay vì chia rời các môn. Từ đó, nhà trường thay đổi mô hình dạy học từ "một thầy dạy điện, một thầy dạy vẽ" sang giảng dạy theo module tích hợp, giao nhiệm vụ làm đồ án tại chính nhà máy.

“Chúng tôi hết sức coi trọng, trân trọng các doanh nghiệp về những đóng góp, ý kiến. Chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực, thu lượm những kiến nghị để tham mưu chính sách cho Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh và hiệu chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế, định hướng đào tạo phục vụ công nghiệp”, thầy Khuê cho hay.

k2.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Trong khi đó, ThS Nguyễn Văn Mễ, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh nhấn mạnh lại các mục tiêu chính là cầu nối doanh nghiệp - nhà trường - sinh viên, hiệu chỉnh chương trình đào tạo và tăng cường thực tập, hỗ trợ việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó, sinh viên được cử sang nước ngoài đào tạo, nâng cao tay nghề, kiến thức, ngoại ngữ. Theo đó, sinh viên được làm đồ án tại doanh nghiệp.

Trong phần trao đổi, các doanh nghiệp cũng kiến nghị trường tăng cường đào tạo kỹ năng sư phạm cho đội ngũ nhân sự doanh nghiệp - những người có thể tham gia giảng dạy thực tế, nếu đủ điều kiện về chuyên môn và chứng chỉ. Ngoài ra, các công ty Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ mong muốn nhà trường chú trọng hơn đến đào tạo ngoại ngữ, bảo mật thông tin sản xuất và tác phong công nghiệp.

k3.jpg
Góp ý từ các doanh nghiệp.

Tại đây, đại diện doanh nghiệp góp ý thẳng thắn về đào tạo nghề hiện nay: từ yêu cầu đọc bản vẽ, thiết kế kỹ thuật, đến việc sinh viên cần được học kỹ hơn về an toàn lao động, kỹ năng làm việc nhóm và tác phong công nghiệp. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng nhà trường không chỉ đào tạo các sinh viên có kỹ năng, kiến thức mà có thêm kỹ năng mềm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Sát cánh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Ông Đoàn Xuân Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh – đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ thẳng thắn nhu cầu, khó khăn để nhà trường hiệu chỉnh đào tạo, xây dựng quan hệ hợp tác hài hòa. Theo đó, nhà trường cung cấp nhân lực chất lượng thông qua nâng cao nhận thức, kỹ năng, kiến thức còn các doanh nghiệp đồng hành trong tạo môi trường hấp dẫn, thu nhập tốt, tiếp nhận sinh viên tay nghề tốt.

Theo ông Thanh, chủ trương của tỉnh là xây dựng cơ chế chính sách trong đột phá nâng cao năng lực, năng suất của người lao động trong tỉnh như qua đào tạo cho các cơ sở đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp…

k4.jpg
Ông Nguyễn Như Long – Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh phát biểu.

Ông Nguyễn Như Long – Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh – cho biết Bắc Ninh hiện có hơn 520.000 lao động trong khu công nghiệp, với các ngành điện – điện tử, máy tính chiếm tỉ trọng lớn. Tỉnh đang quy hoạch sân bay Gia Bình, mở đường kết nối Hà Nội để tạo thêm động lực thu hút đầu tư, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao.

Theo báo cáo của Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, thời gian qua, nhà trường đang đẩy mạnh kiểm định chất lượng, phát triển đội ngũ giảng viên. Hiện trường có 1 tiến sĩ, 61 thạc sĩ, đã kiểm định độc lập cho 5 ngành trọng điểm: cắt gọt kim loại, điện – điện tử công nghiệp, công nghệ ôtô và tự động hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ