Cô giáo say mê bảo vệ môi trường

GD&TĐ - “Những biểu cảm trên khuôn mặt của học sinh khi chỉ được nghe cô giáo giảng bài trong sách giáo khoa khiến tôi trăn trở. Nhiều lần tôi tự hỏi: Vì sao các em không thích học môn Vật lý? Ngoài việc chỉ tập trung ôn thi đại học, làm thế nào để học sinh có thể ứng dụng những kiến thức vào trong đời sống?... Chính những băn khoăn đó là nguồn động lực thôi thúc tôi nghiên cứu và ứng dụng những sáng tạo trong những giờ dạy” - đó là tâm sự của cô giáo Lê Kim Thu, giáo viên bộ môn Vật lý Trường THPT Tân Lập - huyện Đan Phượng - thành phố Hà Nội. Cô Thu vừa đạt giải Nhì Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2019 của Diễn đàn Giáo dục Việt Nam.

Cô giáo Lê Kim Thu bên dự án pin cũ với môi trường
Cô giáo Lê Kim Thu bên dự án pin cũ với môi trường

Muốn trò thay đổi, GV phải thay đổi trước

Tốt nghiệp Trường ĐHSP Thái Nguyên năm 2006, cô giáo Lê Kim Thu được phân công về giảng dạy tại Trường THTP Tân Lập, huyện Đan Phượng. Cô tâm sự: Trường THPT nơi mà cô gắn bó thuộc vùng ngoại thành Hà Nội, bởi vậy mọi điều kiện cơ sở vật chất còn có nhiều thiếu thốn. Những năm đầu khi mới ra trường, cô cũng như nhiều giáo viên trẻ khác chủ yếu giảng dạy với phương pháp truyền thống. Hầu như trong quá trình lên lớp thầy cô cũng chỉ tập trung vào việc dạy luyện thi cho học trò, giúp các trò có thể giải được các bài tập từ cơ bản đến nâng cao. Sau này gần gũi với cô hơn, các em thường tâm sự những khó khăn khi học đại học và sau khi ra trường. Nỗi niềm mà các em chia sẻ về việc: Các kiến thức học luyện thi không sử dụng nhiều cho việc đi làm, các em cảm thấy khó khăn khi thực hành trên đại học, khi làm việc nhóm, làm bài thuyết trình… Mặc dù trong số đó có nhiều em là học sinh giỏi cấp THPT hay học trường tốp đầu đại học. “Thực sự có những đêm tôi đã thao thức không ngủ được vì những chia sẻ của học trò. Và tôi nghĩ mình phải thay đổi, thà muộn còn hơn không”, cô giáo đã chia sẻ những trăn trở của mình như thế.

Bắt đầu từ đó, cô giáo Lê Kim Thu đã tự mình học thêm về CNTT, cũng như tìm hiểu các phương pháp dạy học mới. Đặc biệt cô thấy thú vị với cách dạy học sinh theo hướng STEM. Bởi vì cô thấy STEM có thể giúp mình trang bị, khích lệ các em theo hướng sáng tạo biết ứng dụng các kiến thức KHTN vào thực tế cuộc sống. Cũng từ đó, cô bắt đầu tìm hiểu, tham gia vào các diễn đàn giáo dục và lắng nghe học sinh nhiều hơn. Trong các giờ trên lớp, từng bước áp dụng việc dạy học ứng dụng thực tiễn vào môn học. Cô thường kể những câu chuyện vui về việc vận dụng các kiến thức vật lý vào cuộc sống thật gần gũi cho học sinh của mình. Để mỗi giờ học không căng thẳng, cô đã áp dụng cách dạy học sắm vai vào trong từng tiết học. Những giờ học vật lý bỗng trở nên sinh động, vui nhộn hơn khi các em trở thành người đạo diễn tự dàn dựng kịch bản, tự quay các thước phim thực tế. Có những giờ học lại được các em tổ chức dưới hình thức hội nghị báo cáo dự án, báo cáo quá trình nghiên cứu của mình.

Đặc biệt, việc đưa STEM vào dạy học ở môn Vật lý cùng cách nghiên cứu khoa học, cô giáo Thu nhận thấy các con rất háo hức khi được tự mình sáng tạo. Thay vì việc thầy cô thuyết trình, học sinh được tự mình khám phá, nghiên cứu và thử nghiệm. Trong các sân chơi trí tuệ học sinh được tham gia các hoạt động ngoại khóa như: Chế tạo tên lửa nước, Em là kỹ sư thiết kế mô hình cầu giao thông, Cuộc thi thiết kế các sản phẩm ứng dụng học tập như thiết kế ngôi nhà năng lượng mặt trời, máy sấy tay ở phòng vệ sinh, tàu điện, mô hình tàu đệm từ… Qua các hoạt động như thế học sinh yêu môn học hơn và được rèn luyện các kỹ năng của công dân thời đại công nghệ.

Dự án pin làm sạch môi trường

Tháng 7/2018, cơ duyên đã đưa cô giáo trẻ đến với diễn đàn giáo dục sáng tạo. “Mình cảm thấy được thỏa sức học hỏi, được làm quen với nhiều thầy cô có cùng chí hướng, có mong muốn như mình. Học hỏi từ những chia sẻ của các đồng nghiệp ở khắp nơi trên đất nước và thế giới đã giúp cô và trò có nhiều khám phá và sáng tạo thú vị hơn. Dự án “Pin cũ với môi trường/ old battery with envinoment” được áp dụng trong quá trình giảng dạy đã giúp cô trò chúng tôi có những tiết học và sự trải nghiệm đầy lý thú”, cô Thu đã kể như vậy.

Ý tưởng dự án này xuất phát từ việc cô trò tìm hiểu về bài học vật lý trong chương trình THPT và thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ của con người trước các tác hại của pin đã qua sử dụng. Ở đó học sinh được thoả sức sáng tạo, thể hiện năng lực của bản thân. Các em có cơ hội rèn kỹ năng hợp tác, giao tiếp, tư duy phản biện, nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT. Cô giáo Lê Kim Thu cho biết: Dự án chia thành 3 nhóm khác nhau, Nhóm Khoa học: Gồm những học sinh đam mê nghiên cứu, các em tự đề ra giải pháp xử lý pin cũ qua đề tài: “Nghiên cứu tái chế bột pin thành mực dẫn điện để thay thế các dây điện và xử lý các mạch điện hở”. Trong quá trình tham gia học sinh phải tuân thủ quy trình nghiên cứu của một nhà khoa học. Xuất phát từ những nghiên cứu trên thực tế, học sinh đã bước đầu tìm ra quy trình để tạo ra sản phẩm có thể sử dụng được. Với ý tưởng này, nếu có máy nghiền bột pin ra dạng nano học sinh sẽ cho ra kết quả giống như mực nano kim trên thị trường hiện nay.

Nhóm Kỹ sư thì bắt tay vào lên ý tưởng, thiết kế pin điện hoá thân thiện với môi trường, và sử dụng pin đó vào đời sống. Các em đã tìm tòi và chế tạo ra pin hoa quả làm từ chanh, khoai tây, cà chua… để thắp sáng đèn led, chế tạo đèn ngủ, làm đồng hồ báo thức… Thực sự điều đó hết sức thú vị với các em. Từ những điều tưởng như không thể, nhưng nhờ lòng say mê khám phá các em đã tạo ra được những sản phẩm cho riêng mình. Không những thế, học sinh còn biết phát hiện ưu điểm và nhược điểm của sản phẩm mình tạo ra đồng thời suy nghĩ cả cách cải tiến các sản phẩm đó.

Nhóm Truyền thông gồm các học sinh đam mê với các hoạt động công chúng. Những học sinh này đã thiết kế truyện tranh, thiết kế poster, lên các ý tưởng hành động vì môi trường khi sắm vai là nhà truyền thông. Các em là người trực tiếp lên ý tưởng, thực hiện tạo ra các sản phẩm sáng tạo và sử dụng trong vấn đề tuyên truyền tới mọi người. Mục đích của việc truyền thông nhằm giúp mọi người hiểu rõ về tác hại của pin cũ với môi trường và cuộc sống con người. Từ đó, các em kêu gọi mọi người có cách hành xử văn minh, thân thiện với môi trường. Những lời kêu gọi đó được tái hiện bằng hình ảnh, bằng những câu chuyện đầy lý thú. Tất cả các nhóm sau khi báo cáo trước hội nghị của lớp đều có kế hoạch cụ thể cùng lan tỏa dự án của mình tại trường học và cộng đồng.

Chia sẻ về phương pháp dạy học tích cực này, cô giáo trẻ Lê Kim Thu tâm sự: Điều mà cô ước mơ và mong muốn nhất, đó là có thể lan toả dự án tới mọi giáo viên trên mọi miền đất nước. Thông điệp mà cô muốn gửi gắm tới những đồng nghiệp yêu quý của mình: Mỗi học sinh đều thông minh theo cách riêng của các em và mỗi thầy cô cần biết kích thích những đam mê và sáng tạo và trao cho các em cơ hội phát triển bản thân.

Cô giáo say mê bảo vệ môi trường ảnh 1Hướng dẫn HS thực hành nhóm
Trước khi tiến hành dự án này cô giáo Lê Kim Thu luôn trăn trở: Làm sao để học sinh phát triển tư duy phản biện? Làm sao để học sinh không sợ mình làm sai trước khi bắt tay vào nghiên cứu? Làm thế nào để học sinh được trao quyền tự đề xuất giải pháp, tự đi thực hiện rồi tự rút ra kết luận về hướng đi của mình… Và quan trọng nhất là làm thế nào để nuôi dưỡng niềm đam mê riêng ở mỗi học sinh khi các em có mong muốn được học tập theo những xu hướng khác nhau?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ