Nỗi lòng trường học vùng khó
Trường Tiểu học xã Thanh Vân nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang 6km về phía Tây. Trường được thành lập từ năm 2005, với 1 điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ, thuộc xã vùng III biên giới với 90% HS là con em dân tộc.
Cô Nguyễn Thị Hương Giang – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Điều kiện kinh tế của địa phương và nhà trường còn nhiều khó khăn nên đầu tư về cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng và theo kịp với đổi mới giáo dục. Tại 5 điểm trường lẻ của Trường TH xã Thanh Vân vì được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp và hư hỏng nhiều. Còn ở điểm trường chính, cơ sở vật chất khang trang hơn nhưng nhà trường thiếu một số phòng học chức năng và đặc biệt công trình vệ sinh đang xuống cấp trầm trọng.
Với gần 500 HS trong đó có khoảng 200 HS bán trú tại trường và 30 GV tại điểm trường chính nhưng trường chỉ có 2 phòng vệ sinh. Vào những ngày học chính và giờ giải lao, công trình vệ sinh cũ không thể đáp ứng đủ nhu cầu nên tình trạng HS đi vệ sinh không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường học đường. Điều đó cũng đồng thời làm hạn chế hơn việc giáo dục toàn diện cho HS; ảnh hưởng tới quá trình sinh hoạt học tập của HS bán trú và đặc biệt khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dạy học…
Trong khi đó, đa số PHHS đều là nông dân, chưa có điều kiện cùng nhà trường trong hoạt động xã hội hóa giáo dục. Ban giám hiệu và GV nhà trường chưa có điều kiện để tháo gỡ khó khăn này.
Đồng hành cùng giáo dục
Công trình nhà vệ sinh mới khang trang do các chiến sĩ ĐBP Nghĩa Thuận giúp đỡ Trường TH xã Thanh Vân |
Mặc dù Trường TH xã Thanh Vân không nằm trong địa bàn quản lý trực tiếp của Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, nhưng trong quá trình công tác cán bộ chiến sĩ đồn đã nắm bắt được tâm tư, mong muốn, khó khăn thực tế của nhà trường, từ đó dấy lên ý tưởng giúp đỡ.
Một mặt thông qua nhiều mối quan hệ, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Nghĩa Thuận đã kêu gọi sự ủng hộ về kinh phí, đồng thời tình nguyện giúp đỡ ngày công xây dựng để tiết kiệm chi phí, đầu tư hoàn toàn vào cơ sở vật chất... Khi ý tưởng được đề xuất, Thượng tá Vàng Đình Chiến – Chỉ huy trưởng BĐBP Tỉnh Hà Giang đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện để CBCS đồn Nghĩa Thuận có thể tham gia chương trình.
Trung tá Nguyễn Hồng Tâm – Phó Đồn trưởng ĐBP Nghĩa Thuận, người được chỉ đạo theo dõi và đôn đốc trong suốt quá trình xây dựng công trình cho biết: Việc huy động nguồn kinh phí không dễ dàng, đặc biệt kinh phí là sự giúp đỡ từ nhóm các trường học tại Hà Nội nên việc xây dựng ngoài việc đảm bảo đúng kỹ thuật, an toàn mà còn phải hết sức tiết kiệm tránh gây lãng phí, thất thoát và những phát sinh.
Mặt khác, để bảo đảm tốt nhất về mặt mỹ kĩ thuật cho công trình, những chiến sĩ có tay nghề xây dựng giỏi nhất của Đồn Nghĩa Thuận được chọn ra. Hơn thế, việc xây dựng được giao trong khoảng thời gian không nhiều nên không ít ngày các chiến sĩ phải làm hơn 8 tiếng, thậm chí không nghỉ vào thứ 7, Chủ nhật. Khi công trình vào những giai đoạn đòi hỏi nhiều sức lực hỗ trợ (đổ nắp bể phốt, đổ cột bê tông, đổ trần, khuân vác di dời cây trống…) đơn vị đã phải huy động thêm 5 - 7 chiến sĩ cùng phụ giúp.
Cô Nguyễn Thị Hương Giang - Hiệu trưởng Trường TH Thanh Vân chia sẻ: Từ tháng 10 đến cuối tháng 12/2018, thời tiết tại vùng cao Quản Bạ có nhiều ngày rét đậm rét hại, sương mù và mưa liên tiếp nhưng để hoàn thành công trình đúng thời hạn các chiến sĩ phải căng bạt để xây dựng, chỗ nào không đủ bạt che thì họ phải dầm mình trong giá rét mưa ướt. Để chia sẻ sự vất vả cùng các chiến sĩ, và tăng thêm ý nghĩa cho công trình, Ban giám hiệu trường cũng huy động thêm sự hỗ trợ của PHHS trong công việc phụ vữa, chuyển gạch, dọn dẹp…
“Công trình nhà vệ sinh trường học vô cùng thiết thực và ý nghĩa đối với nhà trường trong quá trình nâng cao chất lượng và đổi mới giáo dục. Tập thể cán bộ, GV và HS rất xúc động và biết ơn sâu sắc những người lính mang quân hàm xanh ĐBP Nghĩa Thuận - cô Nguyễn Thị Hương Giang khẳng định.