Bài học giáo dục sự nhẫn nại

GD&TĐ - Người học được rèn đúc, bồi đắp đức tính kiên trì và nhẫn nại bằng phương pháp học tập sinh động và biến hóa thông qua lăng kính nhận biết về mối quan hệ biện chứng giữa sự biến đổi về lượng và về chất của sự vật hiện tượng. 

Tiết học sinh động của thầy Tô Văn Hùng
Tiết học sinh động của thầy Tô Văn Hùng

Đó là tiết dạy đổi mới của thầy Tô Văn Hùng – GV bộ môn Giáo dục công dân (GDCD) tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TPHCM.

 Tự tìm thấy tri thức từ sách vở 

Theo mục tiêu bài học của GV bộ môn, Cách thức vận động và phát triển của sự vật hiện tượng (SVHT) là bài học 5 của môn GDCD chuyển tải đến HS các khái niệm cũng như mối quan hệ giữa lượng và chất.

Tuy chưa phải là những “định danh” trừu tượng nhưng nếu dạy theo phương pháp cũ thì tiết dạy dễ làm cho không khí lớp học đơn điệu, HS sẽ khó tiếp thu. Đó chính là thất bại của tiết học nếu thiếu sự đầu tư của “người điều hành” trên bục giảng. Chính vì thế ở hoạt động 1, sau khi kiểm tra bài cũ, toàn lớp được chia ra 4 nhóm với các tên gọi ý nghĩa cũng là 4 nội dung chính của kiến thức trong bài: Chất - Lượng - Độ - Nút.

Tùy theo tên gọi của mỗi nhóm, ngay sau đó GV yêu cầu HS động não trả lời những câu hỏi cụ thể tính chất của sự vật từ đặc điểm của đường và tinh bột. Thông qua trò chơi ghi trên giấy và điền khuyết đơn giản các em sẽ nhanh chóng tìm ra “manh mối” phạm trù chất và lượng thay vì GV cứ ngồi một chỗ đọc cho HS chép như cách dạy từ chương trước đây.

Được hóa thân vào khái niệm, các thành viên trong 4 nhóm thực sự thích thú và hiểu sâu hơn bài học qua từng trò chơi mà GV dẫn dắt. Khái niệm “nếu chất dùng để chỉ những thuộc tính cơ bản vốn có thì lượng lại đề cấp đến trình độ phát triển, quy mô, tốc độ, số lượng của sự vật, hiện tượng” được các em tự mình tô đậm vào trí nhớ.

Sinh động hơn ở hoạt động 2 HS bắt đầu làm quen với các sự vật cụ thể trong đời sống hàng ngày như: nước, đồng, ánh sáng, trái tim để khẳng định chất và lượng cùng tồn tại thống nhất trong một SVHT. Những khái niệm trừu tượng mang tính chất triết học đã được cụ thể hóa ngay trong giờ học.

Không khí lớp học bắt đầu nóng dần lên khi các em bước vào hoạt động 3 thông qua sơ đồ cụ thể trên màn hình trình chiếu powerpoint về sự đun sôi của nước để bốc thành hơi khí. Một thí nghiệm quen thuộc của môn hóa học lại được “se duyên” vào trong giờ học GDCD càng làm cho các em hứng thú và tinh thần càng hứng khởi hơn để soi rọi chân lý: quan hệ giữa sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất.

Thay vì thầy giáo đưa ra hiện tượng và tự kết luận thì ở giờ học này thông qua gợi ý của GV, các em đã rút ra được những kết luận xác đáng về sự biến đổi của các SVHT mà bắt đầu là sự biến đổi về lượng.

Trải nghiệm bằng giờ học sinh động 

Điều đặc biệt là giờ học không còn bị bó buộc trong 4 bức tường lớp học chật chội mà được thực hiện ở khoảng không gian rộng của sảnh lớp học ở tầng 1. Giờ học còn cho thấy, nhiều cánh tay giơ lên phát biểu để có được ý kiến xây dựng bài dù ban đầu chưa chính xác nhưng đó chính là sự trải nghiệm có thật của người học trong một phòng học vốn rất thụ động, yên tĩnh.

Tuy không giao mọi quyền quyết định về tiết học cho HS nhưng thông qua sự khơi gợi của GV, các em học tập tích cực hơn, trao đổi hăng hái mọi lúc để tự mình đón nhận kiến thức một cách chủ động chứ không phải bằng một sức ép bắt buộc nào. Chính nhờ những giờ học này mà đã triệt tiêu được những hạn chế của HS trong lớp học như nói chuyện riêng, ngủ gật hoặc lơ đãng một cách hoài phí.

Đây cũng là thời điểm 2 nhóm mang tên Độ và Nút được “đánh thức” khi GV hướng dẫn các em tìm ra định nghĩa: Thế nào là độ, điểm nút? Nếu độ là giới hạn mà trong đó sự biến đổi về lượng chưa làm thay đổi về chất thì điểm nút là điểm giới hạn mà tại đó sự biến đổi của lượng làm thay đổi chất của SVHT.

 Mặc dù tiết học đã kết thúc nhưng các em vẫn còn hào hứng vì GV lại “mở ra cánh cửa mới” khi hứa hẹn tiết sau sẽ nghiên cứu sâu về mối quan hệ của “4 người” này để từ đó rút ra bài học bổ ích chúng ta là làm thế nào để học giỏi.

Không còn là lời thuyết trình suông của GV, trong phần củng cố, tính tích cực của mỗi HS cũng được phát huy khi làm một bài test dạng trắc nghiệm đúng sai để đánh giá hiệu quả giờ dạy. Tính ứng dụng còn được thể hiện qua câu hỏi về một cơn bão được lớn lên từ gió mạnh sau một cơn áp thấp nhiệt đới.

Đọng lại trong các em là lưu ý về thái độ sống: con người dễ bị hỏng việc nếu không khắc phục tính nôn nóng, đốt cháy giai đoạn. Tích cực tích lũy về lượng trong học tập và rèn luyện để nhanh chóng tạo ra những bước nhảy của bản thân, tránh lối sống trung bình chủ nghĩa. Bài học về đức tính nhẫn nại kiên trì một lần nữa lại được thắp sáng trong tiết GDCD.

Ở phần củng cố cuối cùng, các câu hỏi về chất, lượng trong ba đoạn thơ của bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Tố Hữu), Thêm một (Trần Hòa Bình) và một bài ca dao mà GV đưa ra đã đẩy bài học lên cao hơn về tính ứng dụng và liên hệ thực tế như một phần ghi nhớ được đóng khung ở cuối bài học.

Loại bỏ tiết học khô khan, trừu tượng thay vào đó là một tiết học được HS làm chủ, tự đi tìm kiến thức thông qua vai trò của GV bộ môn là người hướng dẫn.

Phụ trách môn GDCD, ngoài những bài học sinh động trên lớp, thầy Hùng còn hay đưa HS “đi thực tế” như các nhà văn ngày xưa thường đi để có vốn sống. Ví dụ có lần thầy tổ chức cho các em đi thực tế tại các cửa hàng. Một sự kiện rất mới lạ. Các em háo hức, trông đợi để thực hành.

Chỉ hai ngày, nhưng các em đã học được rất nhiều điều trong cuộc sống đời thường tưởng chừng rất đơn giản mà nhiều em chưa một lần làm, chưa một lần trải qua. Công việc của các em tại cửa hàng thật đơn giản, nhẹ nhàng nhưng đôi khi phải mất cả tiếng để học: nhặt rau, sắp xếp hàng hóa, làm sao phân biệt hành và hẹ, ngò và tần ô, con cá này gọi là cá gì, làm sao biết kẹo sắp hết hạn… Có em thốt lên: “Trời! Thối tiền có 500 đồng cũng phải thối lại”… Rất nhiều việc tự các em tìm thấy câu trả lời qua những giờ lao động tại cửa hàng.

Có nhiều câu hỏi thích thú, ngạc nhiên như: “Thầy ơi, sao đi thực tập có 2 ngày vậy thầy? Khi nào mình đi nữa?”, “Thầy ơi, đi rồi em mới thấy kiếm tiền khó ghê”, “Các anh chị nhân viên lương mỗi tháng có 3 triệu đồng thôi hả thầy?”. Có em còn thốt lên: “Đi rồi em cảm thấy thương mẹ nhiều hơn, mẹ cực khổ để có một bữa cơm ngon cho chúng em”, “Tính cẩu thả của mình rất tệ, phải ngăn nắp lại thôi”…Tất cả nỗi niềm của các em cho thấy: Các em đã trưởng thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ