Đứng trước thất bại, nếu tâm lý của trẻ vững vàng, trẻ sẽ dễ chấp nhận và dám đương đầu những thử thách trong cuộc sống để vượt qua áp lực, khó khăn, tìm đến thành công.
Thất bại cũng mang giá trị
Thái Anh con anh Hùng từ nhỏ đã được học và thường xuyên chơi cờ vua với các bạn cùng khu tập thể và các bạn cùng lớp. Hôm nào thắng bạn, bé đầy hả hê, phấn khích nhưng hôm nào thua lại tỏ ra cay cú hậm hực.
Thậm chí có lần bị thua cuộc, khi bạn tỏ ý coi thường Thái Anh phản ứng khá gay gắt bằng cách hất tung những quân cờ vương vãi trên mặt đất, mặt đỏ tía tai hậm hực rồi “lăn đùng” ra khóc... Bố mẹ Thái Anh biết điểm yếu của con đã nhiều lần phải nhắc nhở, uốn nắn bằng mọi cách để bé không có những phản ứng thái quá mỗi khi gặp thất bại.
Trường hợp của Hà Linh - lớp 8 (Hà Nội) lại khác. Em học rất giỏi, thường xuyên đứng từ thứ 1 đến thứ 3 trong lớp, thành tích học tập của bé luôn được cô giáo khen ngợi và coi em như một tấm gương để các bạn trong lớp noi theo.
Tuy vậy, trong kỳ thi học kỳ em ít điểm hơn một bạn khác và không dẫn đầu lớp ở năm học đó. Về nhà Hà Linh ở lì trong phòng, không trò chuyện cùng ai, mặt mũi ỉu xìu và luôn dằn vặt bản thân khi để bài thi không tốt bằng bạn.
Trong cuộc sống hôm nay, cha mẹ luôn dạy con sự tự tin, tự hào và kiêu hãnh về chính bản thân mình. Những phẩm chất đó sẽ dẫn con trẻ đến với thành công trong bước đường phát triển mai sau. Chính vì vậy, khi con mình thất bại, không ít ông bố bà mẹ đã đổ lỗi cho ngoại cảnh, thậm chí không tin vào sự thất bại của con mình...
Song các chuyên gia tâm lý giáo dục lại chỉ ra, trẻ em thường không chấp nhận thất bại đến với mình bởi trẻ cảm thấy mình kém cỏi, vô tích sự. Và nếu cảm giác đó kéo dài không được hóa giải sẽ đẩy trẻ tới tâm lý thiếu tự tin thậm chí tự ti với bản thân mình. Mặt khác, có những bé lại quá tự tin, luôn nghĩ mình là số 1, khi bị thua cuộc một ai đó đặc biệt là bạn bè hay em nhỏ tuổi hơn thường không chấp nhận thực tế, nảy sinh cục cằn thù nghịch và oán trách bản thân.
Lời khuyên chân thành của các nhà tâm lý giáo dục đưa ra là, ngay từ nhỏ, các bậc cha mẹ cần phải dạy con biết chấp nhận thất bại, nếu để lớn mới dạy sẽ quá muộn, thậm chí có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu.
Trần Đăng Khoa là 1 - diễn giả hàng đầu của VN và chuyên gia đào tạo các khóa học về kĩ năng sống cho các bạn HSSV đồng thời là dịch giả của một số cuốn sách bán chạy như “Tôi tài giỏi, bạn cùng thế”, “Con cái chúng ta đều giỏi”, “Cảm hứng sống theo 7 thói quen thành đạt” cũng cho rằng trong cuộc sống không ai và không phải lúc nào cũng thành công.
Chính vì vậy, thất bại là một trải nghiệm tốt mà trẻ phải đối mặt, giải quyết... từ đó trẻ mới có thể trưởng thành và tránh được những vấp váp trong cuộc sống.
Học cách chấp nhận thất bại
Làm sao để dạy trẻ vượt qua thất bại? Các bậc phụ huynh chắc chắn có nhiều cách làm khác nhau mà phần lớn sẽ cấm không cho con trẻ làm việc đó nữa, tìm cách đổ lỗi thất bại ấy cho một người khác... Đây có thể là các cách dễ dàng nhất của các bậc phụ huynh nhưng lại có hại nhiều hơn cho con trẻ.
Rõ ràng không phải cha mẹ nào cũng có kỹ năng dạy con đối mặt với thất bại hoặc đón nhận thất bại một cách bình thản rồi từ đó vượt lên thất bại. Trong khi đó, việc học cách chấp nhận thất bại sẽ dạy trẻ tính tự trọng và biết sống hòa hợp với người khác.
Dấu hiệu không tích cực của trẻ khi thua cuộc nên được dập tắt từ khi có mầm mống, bởi nếu tiếp tục tồn tại thì khi đến trường, lớp và lớn hơn khi trưởng thành trẻ sẽ dễ bị mất bạn bè.
Trong trường hợp con cái gặp thất bại, cha mẹ tuyệt đối không nên làm hộ con mà phải dạy chúng biết chịu trách nhiệm, biết giải quyết để vượt qua thất bại và vươn lên, chứ không khủng hoảng suy sụp vì thất bại đó. Trẻ có thể vấp ngã 1-2 lần, thậm chí nhiều hơn nữa nhưng sau thất bại trẻ sẽ đứng lên được và học được các giá trị từ bài học.
Vai trò của cha mẹ trong việc giúp trẻ học được từ thất bại là vô cùng quan trọng. Hãy làm cho trẻ có cảm giác nếu thắng trẻ thấy thoả mãn thì khi thua cũng không làm trẻ khó chịu với chính mình hay đối phương.
Hãy gợi ý cho trẻ suy nghĩ về cảm giác của những người thua cuộc, chứng tỏ cho trẻ thấy thua cuộc là bình thường, không có gì xấu, điều quan trọng là trẻ đã biết nỗ lực, phấn đấu hết mình trong cuộc chơi đó. Hãy giúp trẻ học cách học hỏi từ thất bại để thành công, tránh những va vấp sau này.
Để con vượt qua được thất bại thì ngay từ nhỏ phụ huynh nên dạy cho con em mình biết đón nhận thất bại trong niềm vui và hãy chia sẻ cảm xúc với người chiến thắng. Cha mẹ cũng đứng quên dạy cho trẻ cách đối tốt với bản thân ngay cả khi mọi chuyện diễn biến xấu.
Khi trẻ nhìn thấy những điều tốt đẹp trong mọi tình huống, trẻ sẽ học được cách nhìn thấy điều tốt đẹp ở bản thân. Khi cha mẹ làm như thể mọi chuyện sẽ ổn, trẻ cũng sẽ bắt đầu làm như thế. Đừng làm to chuyện vì chỉ biết nhìn vào mặt xấu. Hãy dạy trẻ biết chuyển bất lợi thành thuận lợi, biến chướng ngại vật thành bàn đạp tới thành công…
Thất bại là mẹ thành công, bởi thất bại luôn mang đến cho con người những cơ hội để thử thách ý chí và bản lĩnh. Định hướng cho trẻ biết xác định được mục tiêu phấn đấu, có động cơ tích cực, có ý chí nỗ lực và có kỹ năng vượt qua khó khăn, thất bại là cha mẹ đã trang bị tốt cho con hành trang sống, giúp trẻ vững bước tự đi trên đôi chân chính mình.