Bắc Giang: Chủ động lấp “lỗ hổng” bạo lực học đường

GD&TĐ - Giáo viên có hành vi đánh học sinh (HS) ở huyện Lục Ngạn. HS xô xát tại Trường THPT Lục Ngạn số 3 (Bắc Giang)…

Trường THPT Lục Ngạn số 3, nơi xảy ra sự việc xô xát giữa một số học sinh.
Trường THPT Lục Ngạn số 3, nơi xảy ra sự việc xô xát giữa một số học sinh.

Những vụ việc này cho thấy còn khoảng trống trong việc ngăn ngừa bạo lực học đường. Ngành Giáo dục Bắc Giang đã chủ động vào cuộc lấp “lỗ hổng” này.

Xử lý nghiêm vi phạm

Ông Phạm Hồng Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn số 3 (Bắc Giang) - cho biết, đã công bố hình thức kỷ luật 5 HS liên quan đến hành vi xô xát tại trường ngày 18/9 vừa qua. Nhà trường đã quyết định tạm dừng việc học của 5 HS ở lớp trong thời gian 2 tuần (từ ngày 27/9 đến 10/10) và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Các em bị kỷ luật vì các lỗi như đánh nhau gây mất trật tự trường học, quay và chia sẻ clip sai quy định, vi phạm nội quy nhà trường.

Trước đó, trong giờ ra chơi tiết 1 ngày 18/9, em G.V.L lớp 11A4 sang lớp 11A6 tìm em N.Q.H để giải quyết mâu thuẫn cá nhân xảy ra bên ngoài nhà trường từ trước.

Trong khi nói chuyện, L đá vào sườn em H. Chứng kiến sự việc, em H.M.Q, lớp 11A6 vào kéo em H ra, song Q lại bị N.V.T, học lớp 12A6 có mặt tại đó đánh.  Đến giờ ra chơi tiết 2 (khoảng 8 giờ 45 phút), em Q và P.V.T lớp 11A5 gọi H ra nhà vệ sinh để nói chuyện và xảy ra xô xát, đánh nhau.

Trong lúc xảy ra sự việc, em Đ.V.A lớp 11A10 quay clip, gửi cho một số bạn học trong trường. Sau đó, clip lan truyền trên mạng xã hội thông qua tài khoản Facebook Đỗ Tuấn (người ngoài nhà trường).

Sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường đã triệu tập giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh liên quan để làm rõ và ngăn chặn phát sinh thêm mâu thuẫn. Trường cũng báo cơ quan chức năng phối hợp giải quyết.

Sở GD&ĐT yêu cầu Trường THPT Lục Ngạn số 3 phối hợp với phụ huynh HS và cơ quan Công an huyện Lục Ngạn xác minh làm rõ vụ việc. Đồng thời, ổn định tâm lý HS khi đến trường.

Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn số 3 cho biết, đối với 5 HS vi phạm nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức giáo dục kỷ luật tích cực HS, giáo dục ý thức đạo đức, lối sống văn hóa. Qua đó, giúp HS biết cách phòng, chống nạn bạo lực học đường, xây dựng tình bạn đẹp, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các đoàn viên, thanh niên và HS trong nhà trường.

Theo ông Dương, việc tổ chức giáo dục kỷ luật tích cực đối với 5 HS trên phải được tổ chức nghiêm túc, khoa học và hiệu quả giáo dục kỷ luật tích cực khi HS không đến trường.

Tương tự vụ việc trên, trước đó (ngày 29/4) giáo viên Khúc Xuân H - chủ nhiệm lớp 10A3 tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lục Ngạn đã có những lời nói và hành động không đúng chuẩn mực nhà giáo. Cụ thể, giáo viên này đã có hành động như tát, đá... vào một số HS trong giờ sinh hoạt lớp.

Theo kết luận cuộc họp ngày 3/5/2021, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lục Ngạn cho biết, hành vi của giáo viên Khúc Xuân H là vi phạm đạo đức nhà giáo cho nên đã bị chấm dứt hợp đồng làm việc từ ngày 4/5/2021.

Tuy vậy, Hội đồng kỷ luật của Trung tâm (gồm 10 thành viên) cho rằng, giáo viên Khúc Xuân H là giáo viên trẻ, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn khá trong quá trình công tác. Do vậy, các thành viên Hội đồng kiến nghị các cơ quan chức năng căn cứ vào quá trình công tác xem xét để giảm nhẹ tình tiết, tạo điều kiện để giáo viên Khúc Xuân H có cơ hội sửa chữa lỗi lầm của mình. 

Chương trình xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường năm học 2021-2022 của Trường THPT Lục Nam
Chương trình xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường năm học 2021-2022 của Trường THPT Lục Nam

Chấn chỉnh trong toàn ngành

Chia sẻ với Báo GD&TĐ chiều 27/9, Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết vừa có văn bản gửi các phòng, đơn vị trực thuộc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục HS.

Sở GD&ĐT Bắc Giang nhận định, trong thời gian qua, ở một số trường học trên địa bàn tỉnh đã xảy ra vụ việc HS xô xát, gây thương tích, quay clip phát tán trên mạng xã hội gây dư luận không tốt.

Đồng thời, yêu cầu các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc Công văn số 25 (ngày 7/1/2019) của sở về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng ngừa bạo lực. Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý, giáo dục pháp luật cho HS và quán triệt nghiêm túc các nội dung về xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường...

Chủ động ngăn chặn, đầy lùi bạo lực học đường, mới đây (ngày 24/9), Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam) đã tổ chức chương trình “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường năm học 2021 - 2022”. Chương trình được tổ chức thông qua hình thức trực tiếp tại nhà trường với 40 bạn HS và phát trực tiếp trên Facebook của trường với hơn 1.800 HS theo dõi.

Bí thư Đoàn Trường THPT Lục Nam Đỗ Bích Liên cho biết, mục đích của chương trình nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường cũng như xây dựng tình bạn đẹp trong một môi trường thân thiện. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong đoàn viên, thanh niên nhà trường.

“Chương trình tạo cơ hội cho đoàn viên, thanh niên trong nhà trường công khai bày tỏ ý kiến, quan điểm, tình cảm của những câu chuyện học đường, tình bạn đẹp, những hành vi chưa tốt trong đạo đức, trong văn hóa ứng xử tại trường học.  

Ngay tại chương trình, thông qua các tình huống cụ thể, các chuyên gia tâm lý, chuyên gia tư vấn, hỗ trợ, các thầy cô giáo… các em HS định hướng được các kiến thức, nhận thức đúng đắn để kịp thời điều chỉnh hành vi, những thói quen chưa tốt trong văn hóa ứng xử. Đặc biệt, bản thân các em HS đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng bạo lực học đường…”, Bí thư Đoàn Đỗ Bích Liên thông tin.

Bà Nguyễn Thị Hà, đại biểu Quốc hội khóa XV (Đoàn Bắc Ninh), cho rằng, bạo lực học đường cũng cần được nhìn nhận từ góc độ tâm lý lứa tuổi, tâm lý giáo dục của nhà trường. Giải quyết nó dưới góc độ tâm lý giáo dục thay vì thiên về đánh giá đây là nguyên nhân về đạo đức và kỷ luật. Từ đây, làm rõ mối quan hệ trách nhiệm nhà trường, xã hội và mỗi gia đình.

“Đây là một biến tướng mới của bạo lực học đường. Vì vậy, để ngăn chặn, phát hiện và đề phòng bạo lực học đường thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng. Quá trình giảng dạy, nhà trường và giáo viên cần nắm bắt, thấu hiểu tâm sinh lý HS của mình… Bên cạnh đó, phụ huynh HS cần phối hợp với nhà trường phát hiện ngăn chặn và xử lý những vụ việc xảy ra khi con em mình “có chuyện” ở trường…”, đại biểu Hà nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…