Bắc Giang: Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi bạo lực học đường

GD&TĐ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang - Đào Thị Hường vừa có băn bản gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục học sinh.

Văn bản của Sở nêu rõ, trong thời gian qua, ở một số trường học trên địa bàn tỉnh đã xảy ra vụ việc học sinh (HS) xô xát, gây thương tích, quay clip phát tán trên mạng xã hội gây dư luận không tốt. 

Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT (chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý), các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc Công văn số 25 (ngày 7/01/2019) của Sở về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng ngừa bạo lực.

Cùng với đó, công văn số 955 (ngày 3/8/2021) của Sở về việc tăng cường công tác quản lý, giáo dục pháp luật cho HS và quán triệt nghiêm túc các nội dung về xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học; quản lí, giáo dục HS trên môi trường mạng.

Đồng thời, rà soát, bổ sung, củng cố và có giải pháp phát huy hiệu quả vai trò của “Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh” theo quy định tại Thông tư 31 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.

Tăng cường giáo dục, hướng dẫn cho HS kỹ năng xử lý các tình huống trong trường học; tổ chức cho HS ký cam kết không vi phạm về bạo lực học đường, không quay clip các vụ việc HS xô xát phát tán trên mạng xã hội.

Siết chặt kỷ cương, nền nếp, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa trong học sinh. Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi bạo lực học đường để làm gương, răn đe các em HS; vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó theo quy định.

Tăng cường các biện pháp kịp thời nắm bắt tâm lý, điều kiện hoàn cảnh gia đình của HS, nhất là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để có các biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp, hiệu quả. 

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp và các tổ chức, đoàn thể trong trường học; đa dạng các hình thức, kênh thông tin; chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn xô xát trong HS; giám sát, tư vấn, hỗ trợ HS và can thiệp kịp thời khi có sự việc xảy ra.

Tổ chức hiệu quả các hình thức liên lạc với cha mẹ HS một cách phù hợp, linh hoạt trong công tác quản lý giáo dục HS. Chủ động, thường xuyên giữ mối liên lạc thường xuyên với chính quyền địa phương, cơ quan Công an trên địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình HS, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trường học.

Trưởng phòng GD&ĐT, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm trực tiếp, trước hết và toàn diện về công tác quản lý, giáo dục HS của nhà trường trước Sở GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ