10 nét son trong lịch sử 55 năm Báo Giáo dục và Thời đại

GD&TĐ - Báo Giáo dục và Thời đại là tờ báo ngành đầu tiên của cả nước ra đời khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tiếp và làm việc với lãnh đạo Báo GD&TĐ tại Phủ Chủ tịch.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tiếp và làm việc với lãnh đạo Báo GD&TĐ tại Phủ Chủ tịch.

1. Giáo dục và Thời đại là tờ báo ngành đầu tiên của cả nước

Tiền thân của Báo Giáo dục và Thời đại là tờ báo Người giáo viên nhân dân, xuất bản số đầu tiên vào ngày 5/12/1959. Đây là tờ báo ngành đầu tiên của cả nước ra đời khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngược dòng lịch sử, báo Người giáo viên nhân dân lại có tiền thân là Tạp chí Giáo dục nhân dân xuất bản từ năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc. Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới báo chí, năm 1991 Báo Người giáo viên nhân dân được đổi tên là Giáo dục & Thời đại.

Trong lịch sử 55 năm, Báo Giáo dục & Thời đại luôn là người bạn đường đáng tin cậy của nhà giáo Việt Nam, đã được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Lao động (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì), 2 Huân chương Độc lập (1 hạng Nhì, 1 hạng Ba). Báo đã trải qua 9 thời kỳ các Tổng biên tập. 

Tổng biên tập đầu tiên (thời đó gọi là Chủ nhiệm) là giáo sư Nguyễn Khánh Toàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Bí thư Đảng Đoàn Bộ Giáo dục. Tổng biên tập hiện nay là nhà báo Nguyễn Ngọc Nam.

2. Phong trào thi đua có một không hai

Động viên quần chúng “Mua, đọc và làm theo báo” là công việc thường xuyên của các tòa soạn, nhưng biến nó thành một phong trào thi đua trong cả nước có sự chỉ đạo của Bộ và công đoàn ngành thì chỉ có ở báo Người giáo viên nhân dân.

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, lá cờ đầu ngành Giáo dục là Trường Cấp 2 Bắc Lý (Hà Nam) xuất hiện rồi phong trào thi đua Hai tốt (Dạy tốt, Học tốt) do chính Bác Hồ phát động đã được sự hưởng ứng trong toàn xã hội. Các mô hình giáo dục tiên tiến như: Bắc Lý, Hải Nhân, Cẩm Bình… trở thành những chuẩn mực cho các nơi phấn đấu, làm theo.

Báo Người giáo viên nhân dân đã bám sát, phản ánh các mô hình này, vì thế các nhà trường háo hức tìm đọc để học hỏi kinh nghiệm. Từ đó Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có chỉ thị phát động phong trào thi đua này.

Hằng năm có xét tặng danh hiệu Lá cờ đầu cả nước cho một huyện dẫn đầu phong trào. Các huyện  Yên Mô (Ninh Bình); Hoằng Hóa (Thanh Hóa); Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh)… đã một thời là điển hình. Phong trào thi đua này thật độc đáo nhưng đã phai nhạt dần khi cơ chế thị trường xuất hiện.

3. Địa chỉ văn chương đáng tin cậy

Báo Người giáo viên nhân dân ra đời chưa đầy một năm đã tổ chức một cuộc thi viết về “Thầy giáo và nhà trường”. Đây là cuộc thi văn học lớn đầu tiên của các báo ngành đoàn thể, thu hút đông đảo các cây bút trong cả nước tham gia. Kể từ 20/11/1960 đến 20/11/1961 (Riêng các bài ở miền Nam gửi ra được thêm 2 tháng).

Ban tổ chức đã nhận được gần 2.000 tác phẩm của 1.287 tác giả. Nhiều tác giả được giải thưởng cuộc thi, sau này trở thành các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như: Giang Nam, Ma Văn Kháng, Xuân Sách, Nguyễn Bùi Vợi, Định Hải… Từ đó báo Người giáo viên nhân dân là một địa chỉ văn chương đáng tin cậy của bạn đọc, bạn viết trong cả nước.

Các cuộc thi hoặc vận động viết sau này do Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức đều có hàng nghìn tác giả gửi bài dự thi. Ví như Cuộc thi thơ Lục bát từ tháng 5/1996 đến tháng 5/1998 đã nhận được 32.862 bài thơ của trên 6.000 tác giả và Cuộc thi sáng tác văn học “Tài hoa trẻ” được tổ chức trên tạp chí Tài hoa trẻ trong 2 năm 1996 – 1997 đã thu hút 17.069 lượt tác giả gửi 15.813 bài thơ và 1.256 truyện ngắn.

Nhiều nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước ta tham gia chấm thi hoặc cộng tác với báo như: Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên… 

Báo Giáo dục và Thời đại luôn là một tòa soạn có đông các nhà văn làm việc. Vì thế đã có lúc nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm dự định xin thành lập Chi hội Nhà văn Giáo dục trên cơ sở nòng cốt là Báo Giáo dục & Thời đại.

4. Doanh nghiệp báo chí đầu tiên và duy nhất của cả nước

Năm 1993, Báo Giáo dục và Thời đại xin thành lập doanh nghiệp nhà nước, được Chính phủ và Bộ GD& ĐT chấp thuận. Chính phủ có Thông báo số 107/TB ngày 9/4/1993 và ngày 22/4/1993, Bộ GD& ĐT ra Quyết định số 88/QĐ thành lập doanh nghiệp Nhà nước Báo Giáo dục & Thời đại. Đây là một doanh nghiệp báo chí đầu tiên và duy nhất của cả nước hoạt động trong suốt hơn 10 năm (từ 1993 đến 2004).

Với vốn vay hơn 60 triệu đồng, sau 10 năm, doanh thu tăng hơn 10 lần, lợi nhuận tăng 35 lần, thuế nộp Nhà nước tăng 30 lần so với năm đầu. 

Năm 1998, UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Doanh nghiệp giỏi Thủ đô. Năm 1999 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba và năm 2004 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Đánh giá 10 năm hoạt động của doanh nghiệp Báo Giáo dục & Thời đại, tại Công văn số 3726 ngày 17/4/2003 của Bộ Tài chính gửi văn phòng Chính phủ đã nhận xét: “Những năm qua, Báo Giáo dục & Thời đại luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình, thực sự giữ vai trò chủ đạo trong công tác tuyên truyền đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, phấn đấu hoạt động kinh doanh liên tục có lãi, bảo toàn phát triển vốn Nhà nước giao.” Như vậy, những năm làm doanh nghiệp Báo Giáo dục và Thời đại đã đạt được cả hai mục tiêu là chính trị và kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Minh Hiển (đứng giữa) - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ và Đảng ủy Cơ quan Bộ GD&ĐT chúc Tết Kỷ Mão tại cơ quan Báo số 14 Lê Trực (Hà Nội).
 Đồng chí Nguyễn Minh Hiển (đứng giữa) - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ và Đảng ủy Cơ quan Bộ GD&ĐT chúc Tết Kỷ Mão tại cơ quan Báo số 14 Lê Trực (Hà Nội).

5. Đi đầu trong một số hoạt động xã hội hóa giáo dục

Trong lịch sử 55 năm của mình, Báo Giáo dục & Thời đại có thể tự hào là một trong ít tờ báo đi đầu trong công cuộc đổi mới báo chí về nội dung cũng như hình thức. 

Bên cạnh đó có một chủ trương quan trọng của giáo dục trong giai đoạn đất nước mở cửa xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đó là chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Đây là cứu cánh để xây dựng giáo dục trong khi kinh tế nhà nước còn nhiều khó khăn. Báo đã kiên trì quan điểm này của Đảng, tuyên truyền, cổ vũ và đi đầu trong một số hoạt động như: Đứng ra bảo trợ việc thành lập Trường Lương Thế Vinh - trường phổ thông dân lập đầu tiên của cả nước, nay là Trường Dân lập Lương Thế Vinh, một trường có tiếng về đào tạo có chất lượng cao ở Hà Nội.

Báo cũng đi đầu trong việc tuyên truyền vận động đóng góp xây dựng nhà công vụ cho giáo viên miền núi và trực tiếp góp phần xây dựng một nhà công vụ cho một trường ở tỉnh Hòa Bình. 

Đặc biệt Báo Giáo dục và Thời đại còn mạnh dạn phối hợp với tổ chức IOGT Thụy Điển đầu tư giúp đỡ hình thành tổ chức IOGT Việt Nam.

Một tổ chức thực hiện nếp sống lành mạnh, không bia rượu, thuốc lá thông qua các hoạt động ngoại khóa sinh động và hấp dẫn… Các hoạt động này góp phần đa dạng hóa loại hình trường, lớp đổi mới phương pháp giáo dục và xây dựng cơ sở vật chất trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

6. Đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ danh dự và nhân phẩm nhà giáo

Mặt trái của cơ chế thị trường đã có lúc làm băng hoại đạo đức truyền thống “tôn sư trọng đạo”. “Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã rải rác có hiện tượng trò đánh thầy giáo ngay tại lớp. Cha mẹ học sinh hành hung thầy cô giáo và một số kẻ xấu xúc phạm nhân phẩm nhà giáo và nhà trường.

Nhiều người còn nhớ vụ án bênh vực và bảo vệ quyền lợi nhà giáo Lê Văn Nguyên được Báo Giáo dục & Thời đại khởi xướng vào năm 1991 đã trở thành đề tài nóng bỏng được giới báo chí hưởng ứng, có tới 17 phóng viên các báo tham gia và các cấp công đoàn ngành Giáo dục ủng hộ.

Sau đó hàng trăm vụ các nhà giáo trong cả nước bị xâm phạm thân thể, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, một mặt được đưa lên công luận, một mặt được điều tra đầy đủ, tập hợp hồ sơ kiến nghị với các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh. 

Báo còn phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo toàn quốc mời cả các cơ quan pháp luật cùng tham gia. Nhờ đó cuộc đấu tranh bảo vệ danh dự và nhân phẩm nhà giáo đã được dư luận xã hội quan tâm ủng hộ. Viện Kiểm sát và Tòa án Nhân dân tối cao đã có công văn yêu cầu các cấp điều tra, xét xử nghiêm minh các vụ án về thầy giáo và nhà trường.

7. Có ấn phẩm tôn vinh nhà giáo dày trang nhất trong làng báo Việt Nam

Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, hằng năm lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. 

Đây là quyết định có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò quan trọng của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ.

Hằng năm vào ngày này, trước đây, từ năm 1982 đến năm 1998, Báo Giáo dục & Thời đại thường gộp số, tăng trang, in màu ra số đặc biệt chào mừng ngày 20/11.

Từ năm 1999 đến nay, năm nào đến ngày Nhà giáo Việt Nam, Báo Giáo dục và Thời đại cũng phát hành 1 số dày 200 trang, in 4 màu với nội dung tôn vinh nhà giáo. Có thể nói đây là ấn phẩm dày trang nhất trong làng báo chí Việt Nam được dùng làm quà tặng các nhà giáo nhân ngày 20/11.

8. Nơi khởi nguồn môn thể thao Đá cầu

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 23 tổ chức tại Việt Nam, Đá cầu trở thành bộ môn thi đấu chính thức của Đại hội. Ít người biết khởi đầu của bộ môn này là từ Báo Người giáo viên nhân dân.

Ông Đỗ Chỉ là giáo viên dạy Thể dục thể thao ở tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh) rất say mê với đá cầu. Thầy giáo Đỗ Chỉ đã cùng với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện suy nghĩ, bàn bạc cải biên môn Đá cầu ngày xưa thành môn Đá cầu mới.

Bấy giờ kinh tế khó khăn, trẻ em không có điều kiện để chơi những môn thể thao như Bóng đá, Quần vợt, Bóng bàn…Hai ông cùng một số bạn bè đã đi hướng dẫn các em ở đường phố và một số trường chơi đá cầu.

Chẳng tốn kém gì, chỉ cần một mảnh sân nhỏ, chăng một cái dây với một quả cầu dễ làm bằng mấy miếng da tròn và hai ba cái lông gà… là có thể tiến hành thi đấu được. Hồi ấy, thầy giáo Đỗ Chỉ thường xuyên đến tòa soạn Báo, giới thiệu cách làm quả cầu và đá thử cho mọi người xem.

Sau đó ông mời phóng viên của báo đi xem các cuộc thi đấu ở Hà Nội và Hà Bắc. Điều lệ thi đấu đá cầu được giới thiệu nhiều kỳ trên báo. Được báo cổ vũ, phong trào lan ra nhiều tỉnh và thành phố. 

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và thầy giáo Đỗ Chỉ được coi như các vị Tổ sư của môn Đá cầu mới, Báo Giáo dục và Thời đại là nơi khởi nguồn cho phong trào phát triển.

9. Cơ quan Thường trú phía Nam thành công với các tạp chí chuyên đề và các ấn phẩm phụ

Cơ quan Thường trú phía Nam tại TP Hồ Chí Minh từ ngày thành lập đã rất năng động, sáng tạo tìm tòi nhiều giải pháp để những ấn phẩm của Giáo dục và Thời đại đưa ra được thị trường với số lượng lớn.

Từ năm 1991 đã cho ra đời tạp chí Thế giới mới. Đây là một tạp chí cung cấp tri thức cho bạn đọc được phát hành rộng rãi trong cả nước, số lượng có lúc đạt gần 10 vạn bản/kỳ. Năm 1994, tạp chí Thế giới mới xin tách riêng trở thành một ấn phẩm độc lập của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để có doanh thu, đảm bảo sự hoạt động và phát triển,năm 1995, Cơ quan Thường trú phía Nam lại cho ra mắt tạp chí chuyên đề Tài hoa trẻ. Từ ngày đầu tạp chí xuất bản 1 tháng/kỳ rồi phát triển lên 1 tuần/kỳ.

Cho đến nay Tạp chí Tài hoa trẻ đã tồn tại và phát triển gần 20 năm. Ngoài ra, Cơ quan Thường trú phía Nam còn phát hành các ấn phẩm phụ có tính truyền thống như: Tư vấn tuyển sinh, Lịch sổ tay hằng năm… Không nhiều cơ quan thường trú của các báo làm được nhiều ấn phẩm như vậy.

10. Là tòa soạn báo có nhiều ấn phẩm đặc biệt, bìa in nhiều màu trên giấy cút xê

Hiện nay, Báo Giáo dục và Thời đại đã xuất bản hằng ngày và là một trong những cơ quan có nhiều ấn phẩm nhất. Thông lệ của các báo, thường là vào các dịp lễ, Tết mới gộp số, tăng trang và in bìa 4 màu trên giấy cút xê.

Nhưng từ hàng chục năm nay, Báo Giáo dục và Thời đại chẳng cứ gì ngày lễ, Tết mà tuần nào, tháng nào cũng có báo in bìa 4 màu trên giấy cút xê. 

Đó là tờ Giáo dục và Thời đại Chủ nhật, số ra ngày thứ Hai, Số đặc biệt giữa tháng và Số đặc biệt cuối tháng, tạp chí Tài hoa trẻ hằng tuần và số đặc biệt hằng năm xuất bản nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Có thể nói, Báo Giáo dục và Thời đại tuần nào, tháng nào cũng có ấn phẩm mang hình thức như báo Tết, báo Xuân. Mỗi tháng ít nhất có tới 14 số báo in bìa 4 màu. Đó là điều hiếm thấy trong làng báo Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.