Kết hợp phương pháp thảo luận nhóm với đàm thoại để dạy nội dung đạo đức môn Giáo dục công dân lớp 10

GD&TĐ - Với tính cách là con đường để đạt tới mục tiêu, có rất nhiều phương pháp dạy học (PPDH) đã được áp dụng trong dạy học môn Giáo dục công dân (GDCD) như thuyết trình, đàm thoại, trực quan, thảo luận nhóm, đóng vai,... Thiết kế các đơn vị kiến thức của bài giảng theo hướng kết hợp phương pháp thảo luận nhóm (PPTLN) với một số PPDH khác, trong đó có phương pháp đàm thoại (PPĐT) được xem là một trong những cách thức để đổi mới PPDH theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Thực tiễn dạy học cho thấy đây là một hướng vận dụng đúng đắn và mang tính khả thi cao.

Kết hợp phương pháp thảo luận nhóm với đàm thoại để dạy nội dung đạo đức môn Giáo dục công dân lớp 10

Thảo luận nhóm (TLN) là một PPDH mà ở đó, giáo viên (GV) thiết kế bài học (hay một phần của bài) dưới dạng những bài tập nhận thức với nhiệm vụ cụ thể rồi giao cho từng nhóm nhỏ học sinh (HS).

Dưới sự tổ chức, hướng dẫn của GV, trong một khoảng thời gian nhất định, các thành viên trong nhóm tiến hành trao đổi, hợp tác, tranh luận để cùng nhau giải quyết nhiệm vụ của mình, từ đó tiếp cận và chiếm lĩnh nội dung tri thức của bài học.

Đàm thoại là PPDH thông qua hệ thống các câu hỏi gợi ý, GV hướng dẫn, điều khiển cho HS tự trả lời để tiến đến chiếm lĩnh nội dung tri thức. Bằng hệ thống các câu hỏi gợi mở, GV sẽ giúp HS phát huy được tính độc lập của tư duy trong việc giải quyết các vấn đề đã được nêu ra. Có hai hình thức đàm thoại chủ yếu và đàm thoại có chủ đích và đàm thoại tự do.

Đối với môn Giáo dục công dân (GDCD), TLN được xem là một trong những PPDH hiệu quả bởi vì phương pháp này có nhiều ưu thế trong việc khai thác được tối đa 5 yếu tố tham gia vào quá trình lĩnh hội tri thức mới (bao gồm GV- HS - sách giáo khoa – tri thức tích hợp và kinh nghiệm sống của HS).

Tuy nhiên, trong quá trình lên lớp, PPTLN cũng luôn cần phải được GV vận dụng kết hợp với số PPDH khác. Bởi vì không có phương pháp nào là vạn năng, có thể áp dụng cho tất cả các nội dung kiến thức.

Thực tiễn dạy học cho thấy, TLN chỉ có thể phát huy tối đa ưu điểm của mình trong những điều kiện nhất định. Trong hoàn cảnh ấy, việc kết hợp PPTLN với các PPDH khác, chẳng hạn đối với đàm thoại là cách tốt nhất để tạo nên sự cộng hưởng, lấy ưu điểm của phương pháp này để khắc phục nhược điểm của phương pháp kia và ngược lại. Sự kết hợp giữa PPTLN với PPĐT được thể hiện ở những điểm sau:

- Căn cứ vào nội dung tri thức, GV thiết lập, biên soạn một hệ thống các câu hỏi. Chúng được sắp xếp một cách logic, đáp án của câu hỏi trước sẽ là điều kiện để trả lời câu hỏi sau.

- Hệ thống câu hỏi được ghi vào phiếu học tập và đưa đến các nhóm. Các thành viên trong nhóm tiến hành hợp tác giải quyết, tìm ra hướng trả lời cho những câu hỏi đã nêu.

- Trong quá trình thảo luận, GV đi đến các nhóm để cổ vũ, động viên. Khi nhóm nào gặp khó khăn, GV có thể đưa ra những gợi ý chỉ dẫn nhằm giúp nhóm vượt qua các "cửa ải" của từng câu hỏi tiến đến giải quyết trọn vẹn vấn đề.

- Hết giờ thảo luận, GV bắt đầu nêu ra từng câu hỏi và chỉ định các nhóm trả lời, các nhóm khác lắng nghe, đối chiếu để bổ sung, tranh luận, GV tổng kết vấn đề sau cùng. Chúng ta thử lấy một số kết quả thiết kế sau đây làm ví dụ:

Ví dụ 1: Tên đơn vị kiến thức: "Nghĩa vụ" (Mục 1, bài 11, GDCD 10)

* Mục tiêu: HS biết được nghĩa vụ chính là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với lợi ích chung của cộng đồng xã hội; rèn luyện kỹ năng giải quyết một cách đúng đắn khi có sự mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, xã hội; bồi dưỡng thái độ biết cố gắng vươn lên thực hiện tốt những nghĩa vụ của mình phù hợp với lứa tuổi.

* Phương pháp giảng dạy: TLN kết hợp với đàm thoại.

* Cách thức tiến hành:

- GV chia lớp thành các nhóm, mỗi nhóm có 4 - 6 HS, phân công vị trí ngồi và cử nhóm trưởng, thư ký.

- GV phát phiếu thảo luận đến các nhóm. Phiếu thảo luận bao gồm hệ thống các câu hỏi dẫn dắt xắp xếp logic như sau:

1. Điểm khác biệt cơ bản nhất khi so sánh hành động nuôi con của con người chúng ta và của loài sói trong ví dụ ở sách giáo khoa (SGK) trang 68 là gì?

2. Kể tên một số cộng đồng, tổ chức mà ta là một thành viên của cộng đồng, tổ chức ấy.

3. Với tư cách là một thành viên, chúng ta dường như phải tuân thủ những quy định chung. Việc này đó thể hiện điều gì của cá nhân đối với cộng đồng, xã hội?

4. Vì sao mỗi cá nhân phải thể hiện rõ điều đó?

5. Từ đây, em hiểu nghĩa vụ là gì và vai trò của có đối với đời sống cá nhân và sự tồn tại của cộng đồng, xã hội?

6. Trong mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng có thể xuất hiện những tình huống nào ? Khi đó, phải giải quyết ra sao ? Vì sao phải giải quyết như thế ?

- Các nhóm tiến hành thảo luận, vận dụng tri thức của bài học cũ, thông tin SGK, tri thức từ các khoa học khác và kinh nghiệm thực tiễn để trả lời lần lượt các câu hỏi dẫn dắt và đưa ra kết luận cuối cùng.

- GV đi đến các nhóm để cổ vũ, động viên. Khi nhóm nào gặp khó khăn, GV có thể gợi ý, chỉ dẫn để giúp nhóm vượt qua các "cửa ải".

- Hết giờ thảo luận, GV phát vấn từng câu và chỉ định nhóm trả lời, các nhóm khác lắng nghe, đối chiếu để bổ sung.

Cuối cùng, GV và HS đi đến kết luận: mỗi cá nhân con người luôn luôn phải sống trong nhiều cộng đồng, tập thể và không thể tách rời với cộng đồng, xã hội. Khi đó, cá nhân phải có nghĩa vụ thực hiện những trách nhiệm của mình đối với yêu cầu lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Đó là quy luật tồn tại của bất cứ một cộng đồng nào.

Đương nhiên, giữa yêu cầu, lợi ích cá nhân và yêu cầu, lợi ích của cộng đồng, xã hội đôi khi xung đột và mâu thuẫn. Khi ấy cách giải quyết tốt nhất là phải tìm được sự hài hòa giữa hai yêu cầu lợi ích đó. Theo đó, cá nhân phải đặt lợi ích tập thể lên trên, đồng thời, tập thể phải quan tâm thích đáng đến với quyền lợi chính đáng của mỗi cá nhân.

Đây chính là nội dung kiến thức được HS rút ra được sau quá trình thảo luận để trả lời những câu hỏi dẫn dắt của GV.

Ví dụ 2: Tên đơn vị kiến thức: "Khái niệm tình yêu" (Mục 1, bài 12, GDCD 10)

* Mục tiêu: HS biết được tình yêu là sự rung cảm, quyến luyến sâu sắc giữa hai người khác giới. Ở họ có sự phù hợp về nhiều mặt... làm cho họ có nhu cầu gần gũi, gắn bó với nhau, tự nguyện sống vì nhau và sẵn sằng hiến dâng cho nhau cuộc sống của mình; bồi dưỡng thái độ tôn trọng, ca ngợi loại tình cảm rất đặc biệt này ở con người.

* Phương pháp giảng dạy: TLN kết hợp với đàm thoại.

* Cách thức tiến hành:

- GV chia lớp thành các nhóm, mỗi nhóm có 4 - 6 HS, phân công vị trí ngồi và cử nhóm trưởng, thư ký.

- GV phát phiếu thảo luận đến các nhóm. Phiếu thảo luận bao gồm hệ thống các câu hỏi dẫn dắt xắp xếp logic như sau:

1. Bài thơ “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi (SGK trang 76 -77) đề cập đến nỗi nhớ về ai của nhân vật trữ tình?

2. Hãy đọc một bài thơ, câu ca dao hoặc ca từ của một bài hát có chủ đề về tình yêu tương tự như bài thơ trên ?

3. Từ những bài thơ, ca dao, bản nhạc ấy, em cho biết tình yêu có vai trò như thế nào trong đời sống tình cảm của con người ?

4. Các em hãy chỉ ra một số phẩm chất đạo đức thường bộc lộ trong tình yêu ?

5. Có quan niệm cho rằng yêu nhau không nhất thiết phải sống, gắn bó cùng nhau. Em có đồng ý với ý kiến trên hay không ? Tại sao?

Từ những biểu hiện và đặc điểm kể tên của tình yêu, em hãy cho biết tình yêu là gì ?

- Các nhóm tiến hành thảo luận, vận dụng thông tin SGK, tri thức tích hợp, liên môn và kinh nghiệm cuộc sống của bản thân mình để trả lời lần lượt các câu hỏi dẫn dắt và đưa ra kết luận cuối cùng.

- GV đi đến các nhóm để xem xét, cổ vũ, động viên. Khi nhóm nào gặp khó khăn, GV tiến hành gợi ý, hướng dẫn, giúp đỡ để các nhóm vượt qua khó khăn.

- Hết giờ thảo luận, GV phát vấn từng câu và chỉ định nhóm trả lời, các nhóm khác lắng nghe, đối chiếu để bổ sung.

Cuối cùng, với những câu trả lời, GV tiến hành xâu chuỗi lại nội dung tri thức: Trong cuộc sống, có thể nói, tình yêu là một dạng tình càm đặc biệt nhất của con người. Ở đó có sự rung cảm, quyến luyến sâu sắc giữa hai người khác giới là đặc điểm quan trọng.

Sự phù hợp về nhiều mặt làm cho họ có nhu cầu gần gũi, gắn bó với nhau, tự nguyện sống vì nhau và sẵn sằng hiến dâng cho nhau cuộc sống của mình. Tình yêu là nguồn cảm hứng bất tận của mọi lĩnh vực nghệ thuật, có tác động rất lớn đến nhận thức, suy nghĩ và hành động của con người.

Có được tình yêu chân chính là ước mong của tất cả mọi người khi bước vào thế giới tình yêu. Đây chính là nội dung kiến thức được HS rút ra được sau quá trình thảo luận để trả lời những câu hỏi dẫn dắt của GV.

Tóm lại, TLN là một trong những PPDH nằm trong hệ thống các PPDH  có ưu thế trong việc phát huy tính tích cực của HS. Với đặc trưng cơ bản là tạo lập môi trường giao lưu, hợp tác giữ thầy - trò, trò - trò, phương pháp này tỏ ra có ưu điểm trong việc kết hợp với các PPDH khác, đặc biệt là với phương pháp đàm thoại.

Sự kết hợp này vừa giúp khai thác tốt các ưu điểm của từng phương pháp, vừa tạo ra được sự sinh động, phong phú cho bài giảng trên lớp. Với những ưu thế đã phân tích trên, sự kết hợp giữa PPTLN với PPĐT đã được khuyến khích áp dụng trong giảng dạy môn GDCD nói chung, các bài đạo đức nói riêng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả các bài dạy này ở trường THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ