Kéo trò trở lại trường

GD&TĐ - Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều học sinh tại các tỉnh miền núi đã bỏ học giữa chừng. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn.

Không để học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học. Ảnh minh họa
Không để học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học. Ảnh minh họa

Nghỉ học để phụ giúp gia đình

Sau khi tốt nghiệp THCS, em Bùi Anh Tuấn (huyện Cao Phong, Hòa Bình) quyết định nghỉ học, không thi THPT vì học lực kém, không theo kịp bạn bè. Dù gia đình thuyết phục nhưng Tuấn vẫn nhất quyết bỏ học đi làm. Do chưa tốt nghiệp THPT nên em chỉ được nhận làm bảo vệ.

Cũng tại huyện Cao Phong, em Bùi Hồng Ngọc - học sinh Trường TH&THCS Đông Phong do gia đình thuộc hộ nghèo nên phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố làm kinh tế, nuôi em trai học lớp 6. Sau khi nắm được tình hình, cán bộ, giáo viên nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể quyên góp sách vở, hỗ trợ tiền học phí, nhưng em vẫn không quay lại trường.

Ông Lại Anh Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cao Phong cho biết: Trước năm học 2019 - 2020, tỷ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn huyện rất thấp, thậm chí không có. Tuy nhiên, từ năm 2020, học sinh bậc THCS và THPT bỏ học tương đối cao. Các em bỏ học rơi vào khối lớp 9 và bậc THPT với nhiều lý do khác nhau làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Theo thống kê, hằng năm tỷ lệ học sinh bỏ học tại Hòa Bình chiếm khoảng 1,2%, tập trung chủ yếu ở khối THCS, THPT với nhiều nguyên nhân. Có em học lực yếu không theo kịp chương trình dẫn đến chán nản rồi bỏ học; gia đình khó khăn, nhiều em học hết bậc THCS phải nghỉ học phụ giúp cha mẹ làm kinh tế. Bên cạnh đó, nhận thức của một số bộ phận cha mẹ học sinh còn hạn chế nên buông lỏng việc học tập của con em.

Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh ở một số trường hiệu quả chưa cao nên chưa tác động mạnh đến tư tưởng học sinh; đặc biệt nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, học sinh phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, hoặc bỏ học để theo cha mẹ đi làm ăn xa và đi làm thuê, làm ở các công ty, xí nghiệp để cải thiện thu nhập chiếm tỷ lệ cao.

Kéo gia đình, cộng đồng vào cuộc

Bà Đinh Thị Hường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Để ngăn tình trạng học sinh nghỉ học, sở đã chỉ đạo đơn vị, trường học chủ động tham mưu với các cấp quản lý chỉ đạo khắc phục tình trạng trên qua công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập của con em.

Các địa phương đã xây dựng mô hình Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Đơn vị học tập... để khuyến khích học sinh tham gia học tập. Một số địa phương đưa vào hương ước của thôn, xóm tiêu chí không có học sinh bỏ học trong việc xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa.

Nhờ hoạt động trên, trong 3 năm học gần đây, toàn tỉnh đã huy động được 51 em có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế trở lại học tập. Các đơn vị đã đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập của người lớn, từ đó làm gương cho các em. Các trung tâm học tập cộng đồng tiếp tục được quan tâm củng cố và phát triển, góp phần ổn định chính trị, xã hội tại địa phương.

Để ngăn ngừa tình trạng học sinh bỏ học, Trường Tiểu học & THCS Đông Phong (huyện Cao Phong, Hòa Bình) đã tăng cường bồi dưỡng, phụ đạo học sinh có lực học yếu, giúp các em theo kịp chương trình học.

Thầy Nguyễn Thế Vinh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Từ đầu năm học, nhà trường thực hiện khảo sát chất lượng học sinh để đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp khắc phục. Sau đó bố trí biên chế lớp, phân công giáo viên có kinh nghiệm tâm huyết dạy phụ đạo, theo dõi tình hình học tập, tiến bộ của học sinh hàng tuần, hàng tháng.

Trường đặc biệt tập trung vào thời điểm giữa học kỳ, cuối học kỳ để điều chỉnh công tác quản lý và phương pháp giảng dạy, thường xuyên phối hợp cha mẹ để thông báo kết quả học tập của con em; kịp thời điều chỉnh, giúp đỡ các em học sinh yếu kém để không chán nản dẫn đến bỏ học.

Cùng với đó, nhà trường đã đổi mới công tác giáo viên chủ nhiệm lớp, xét tặng danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi; phát huy chức năng, nhiệm vụ Ban đại diện cha mẹ học sinh; xây dựng góc học tập ở nhà, đẩy mạnh phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; nâng cao chuyên môn cho giáo viên thông qua dự giờ, hội giảng, chuyên đề, sinh hoạt tổ chuyên môn... Nhờ đó, chất lượng giáo dục có chuyển biến, học sinh lưu ban, bỏ học giảm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Leicester City bị sa thải

HLV Leicester City bị sa thải

GD&TĐ - Leicester City vừa ra thông báo về quyết định sa thải đối với huấn luyện viên Steve Cooper sau chuỗi thành tích kém cỏi ở Ngoại hạng Anh

Binh lính Ukraine ở hậu cứ theo hướng Pokrovsk, vùng Donetsk. Ảnh: Getty Images.

Báo Anh: Hầu hết binh lính mất tinh thần

GD&TĐ - Quân đội Ukraine ngày càng cởi mở hơn với viễn cảnh nhượng bộ lãnh thổ và ngừng bắn trong bối cảnh tinh thần sa sút và áp lực ngày càng tăng.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.