'Kéo' điêu khắc đương đại đến gần công chúng

GD&TĐ - Suy cho cùng nghệ thuật không phải là thứ xa lạ trên mây cao, ngược lại phải là cái đẹp được công chúng nhận diện từ ý niệm sáng tạo của nghệ sĩ.

Một tác phẩm điêu khắc tại không gian nghệ thuật Flamingo Đại Lải.
Một tác phẩm điêu khắc tại không gian nghệ thuật Flamingo Đại Lải.

So với các lĩnh vực nghệ thuật, điêu khắc đương đại vẫn còn khá xa lạ đối với số đông công chúng Việt Nam. Những hạn chế của nền điêu khắc, một phần do sự bó hẹp trong suốt thời gian dài bởi các công trình tượng đài, thiếu vắng sự sáng tạo hội nhập khi thế giới đã phát triển ở tầm mức cao.

Khi nghệ thuật bị… chê!

“Ba yếu tố cần cho đời sống điêu khắc đương đại là: Tác giả - tác phẩm - nhà sưu tập và không gian trưng bày. Chăm sóc và đưa ra trưng bày là khâu quan trọng sau khi tác giả đã thực hiện tác phẩm, nó quyết định cho sự sống và tồn tại của tác phẩm. Ở ta rất thiếu tính chuyên nghiệp ở khâu chăm sóc, bảo quản rồi đến trưng bày, có thể thấy cả ở các bảo tàng và các sưu tập tư nhân. Những tác phẩm ở đó dần bị hư hại hoặc như bị nhốt kho, chết lâm sàng”, nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền.

Trong khi giới mỹ thuật vẫn đang ồn ào vụ dân làng bích hoạ Tam Thanh ở Quảng Nam chê hoạ sĩ “vẽ xấu”, đòi xoá đi những hình thù “chẳng giống ai”, thì càng tiến gần đến cuộc thi và triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc - nhiều người lại càng bàn luận rôm rả về điêu khắc đương đại với những sáng tác mang tính “vật thể lạ”.

Thực ra trong hội hoạ hay điêu khắc, hoặc bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào cũng tồn tại những hạn chế. Tuy nhiên, cũng phải xét đến độ vênh giữa người sáng tạo và người cảm thụ nghệ thuật, giữa nghệ sĩ và công chúng - mà sự việc ồn ào ở làng bích hoạ Tam Thanh là một ví dụ.

Hoạ sĩ thì cho rằng mình vẽ đẹp, còn người dân khẳng định ngược lại. Nếu cứ giằng co quan điểm, điều chắc chắn xảy đến là sự đối lập, để rồi vô tình hoạ sĩ và người dân sẽ ngày càng xa nhau chứ không có sự cộng hưởng đứng một vị trí để nhìn về điểm đích.

Trong lĩnh vực điêu khắc cũng vậy, và thậm chí còn khắt khe và dữ dội hơn cả hội hoạ. Nhiều tác phẩm của nhà điêu khắc, khi được công bố trên mạng xã hội, trong bảo tàng hay nhà triển lãm… bị chê như một “vật thể lạ”.

Con ngựa không có chiều dài mà lại hình vuông, con người không có chiều cao mà tròn lẳn như quả bóng, hay cái cây không có cành lá, và nếu không giải thích đó là cái cây thì người xem nghĩ nó là một cái gì khác…!

Tuy nhiên, suy cho cùng đó cũng là một hạn chế trong khía cạnh nào đó của nền điêu khắc đương đại. Nếu nghệ sĩ biện bạch cho tác phẩm của mình, và tuyên bố rằng muốn phá vỡ ranh giới nghệ thuật thì tức là tự mình xa lánh công chúng. Nghệ thuật không phải là thứ xa lạ trên mây cao, ngược lại phải là cái đẹp được công chúng nhận diện từ ý niệm sáng tạo của nghệ sĩ.

Điêu khắc ở Việt Nam có một thời gian dài bó hẹp trong các sáng tạo mang tính tượng đài, cho nên khi “mở cửa”, các sáng tạo tiếp tục theo lối mòn. Phải mất rất nhiều năm mới có sự thay đổi nhưng lại rơi vào các hạn chế khác, từ không gian trưng bày cho đến cảm thụ, công nhận và tiếp nhận từ công chúng.

Phát xuất từ mong muốn phát triển của điêu khắc và tôn vinh ghi nhận những thành tựu sáng tạo của các nhà điêu khắc, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức định kỳ 5 năm/lần cuộc thi và triển lãm.

Đây cũng là cơ hội để giới chuyên môn trao đổi kinh nghiệm, công bố tác phẩm mới, phản ánh trung thực quá trình lao động nghệ thuật, thể hiện cách nhìn riêng và quan điểm sáng tác.

Tác phẩm điêu khắc 'Hoa mùa hạ' của Lê Anh Vũ bằng chất liệu nhôm đúc.

Tác phẩm điêu khắc 'Hoa mùa hạ' của Lê Anh Vũ bằng chất liệu nhôm đúc.

Để công chúng va chạm điêu khắc

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông, cuộc thi và triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc, dự kiến sẽ khai mạc tháng 9/2023 tại Bảo tàng Hà Nội. Lần trưng bày quy mô này phần nào phản ánh những khó khăn, thuận lợi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Có thể sẽ là quá sớm để đánh giá những bước phát triển cũng như điểm yếu của nền điêu khắc đương đại. Tuy nhiên, qua rất nhiều các triển lãm nhóm và cá nhân của các điêu khắc gia trong một vài năm gần đây, có thể phần nào “bắt mạch” những điểm mạnh và hạn chế của điêu khắc Việt.

Để hiểu điêu khắc đương đại, trước hết cần biết nghệ thuật đương đại nói chung giống như một cuộc cách mạng về thị giác và tư tưởng. Đương đại cũng chính là một phần của hiện tại và hiện đại, mở ra những không gian mới, cách nhìn mới về đời sống mà không bó hẹp trong không gian hay chất liệu.

Ở Việt Nam, khái niệm nghệ thuật đương đại xuất hiện từ trước những năm 2000. Khi đó, một nhóm nghệ sĩ Việt Nam bắt đầu tiếp cận với nghệ thuật đương đại thông qua nghệ sĩ Veronika Radulovic - Giám tuyển người Đức.

Năm 2000, Hội Mỹ thuật Việt Nam thành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại do nghệ sĩ Trần Lương làm Giám đốc. Năm 2018, không gian nghệ thuật đương đại chính thức có mặt tại Tòa nhà Quốc hội với các loại hình videoart, phù điêu, nhiếp ảnh, đồ họa...

Tác phẩm điêu khắc 'Nhịp mưa' của Vũ Bình Minh trưng bày tại Đài Loan năm 2022.

Tác phẩm điêu khắc 'Nhịp mưa' của Vũ Bình Minh trưng bày tại Đài Loan năm 2022.

Trong khoảng 20 năm, nghệ thuật đương đại của Việt Nam đã vươn tầm ở khu vực cũng như thế giới. Tuy nhiên, những hạn chế cố hữu thì vẫn vẹn nguyên, không nhiều nghệ sĩ đương đại sống được bằng việc bán tác phẩm, thị trường trong nước khá thờ ơ, dè dặt với cái mới.

Từ hạn chế đó, đối chiếu với điêu khắc đương đại mới thấy được những khó khăn để các nhà điêu khắc có thể ghi lại dấu ấn. Trong một thời gian dài, nghệ thuật điêu khắc chìm lắng, thiếu vắng các tác phẩm tầm cỡ. Ngoài việc bó hẹp trong tư duy sáng tạo tượng đài, việc không có không gian trưng bày cũng khiến điêu khắc đương đại xa lạ với công chúng.

Cho đến năm 2015, triển lãm điêu khắc toàn quốc được tổ chức tại không gian nghệ thuật Flamingo Đại Lải, mới bắt đầu cho một hành trình “kéo” điêu khắc đương đại đến gần công chúng hơn. Không gian này cũng thành địa điểm lưu giữ, là môi trường nuôi dưỡng các tác phẩm điêu khắc và kết nối với khán giả.

Tuy nhiên, để công chúng biết, hiểu để yêu thích điêu khắc đương đại thì một vài không gian là chưa đủ - mà cần đến cả một hệ thống để nhờ sự va chạm thị giác hàng ngày, vị trí của điêu khắc sẽ tồn tại tự nhiên trong đời sống xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ