Tuyệt phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn

GD&TĐ - Không chỉ là những tác phẩm điêu khắc gỗ, mỗi hiện vật còn ẩn chứa những câu chuyện lịch sử, tư duy và triết lý của nghệ nhân thời Nguyễn.

Mộc bản thời Nguyễn.
Mộc bản thời Nguyễn.

Nhân kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc tế Lao động (1/5) và hướng đến ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), ngày 25/4 Bảo tàng Lịch sử TPHCM trưng bày chuyên đề “Sắc mộc - Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn”, giới thiệu 150 hiện vật độc đáo - là những tác phẩm mỹ thuật thể hiện nét tài hoa và tư duy thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân dưới thời nhà Nguyễn.

Sắc mộc triều Nguyễn

Triển lãm 'Sắc mộc - Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn' giới thiệu 150 hiện vật độc đáo.

Triển lãm 'Sắc mộc - Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn' giới thiệu 150 hiện vật độc đáo.

Nổi bật và phổ biến nhất trong điêu khắc nghệ thuật thời Nguyễn là hình tượng Tứ linh (long, lân, quy, phượng). Dẫu đây là hình tượng nghệ thuật có từ sớm, phát triển liên tục qua các triều đại nhưng phải đến thời Nguyễn, các hình tượng này mới hoàn chỉnh và có phong cách riêng. Hiện, nhiều di tích đình, đền, chùa… còn giữ được các đồ án điêu khắc được đánh giá là những tuyệt phẩm của nền nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn.

Điêu khắc gỗ là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời của người Việt. Qua nhiều cuộc khai quật cùng những nghiên cứu cho thấy, ngay từ thời Lý - Trần, điêu khắc gỗ đã được coi trọng với loạt chứng tích về khảm ốc xà cừ. Thậm chí, nhiều vật phẩm cống nạp còn được các triều đại Việt Nam lựa chọn từ các sản phẩm gỗ tinh xảo.

Đến thời Lê trung hưng thì điêu khắc gỗ đạt đỉnh cao nghệ thuật. Từ các đình đền cho đến các đồ thờ, từ cung vua phủ chúa cho đến nhà dân đều xuất hiện các sản phẩm tinh xảo. Nhiều hiện vật đến nay vẫn được lưu giữ, một số “chảy máu” sang nước ngoài theo con đường sưu tập cổ vật, một số được công nhận bảo vật quốc gia.

Đặc biệt, vào thời Nguyễn do nhu cầu trong việc xây dựng kiến trúc cung điện, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và bài trí cung đình… tạo điều kiện cho nghề điêu khắc gỗ phát triển mạnh mẽ. Mỹ thuật ứng dụng trên đồ gỗ không chỉ được tạo tác bởi những nghệ nhân cung đình mà còn có sự tham gia của các nghệ nhân dân gian.

Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc vô cùng độc đáo, mà ngày nay nghệ nhân giỏi cũng khó thực hiện. Bên cạnh đó còn là sự kết hợp hài hòa giữa mỹ thuật cung đình, mỹ thuật dân gian và tiếp thu mỹ thuật phương Tây, tạo nên một nét riêng cho nghệ thuật điêu khắc gỗ thời kỳ này.

Đại diện Bảo tàng Lịch sử TPHCM cho biết, triển lãm “Sắc mộc - Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn” được sắp xếp thành các câu chuyện gắn với 4 chủ đề chính: Nghệ thuật điêu khắc tượng thờ trong ngôi chùa cổ Nam Bộ; Không gian thờ cúng trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống; Không gian tiếp khách trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống; Các hiện vật gắn với triết lý, châm ngôn về giáo dục, bồi dưỡng người hiền.

Bên cạnh đó, chuyên đề còn có các nhóm hiện vật gỗ đặc sắc như: Mộc bản, hiện vật dùng trong thờ cúng (khám thờ, đài thờ, hộp đựng sắc phong, chân chò), hiện vật dùng trong trang trí (bức gỗ chạm bài thơ, tượng linh vật, phù điêu), đồ dùng trong sinh hoạt (giỏ, gối, bình điếu, thước Lỗ Ban) và các loại khay, hộp thể hiện kỹ thuật chế tác đa dạng tạo nét riêng cho nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn.

Triển lãm hiếm hoi về nghệ thuật gỗ

Bộ sưu tập kỷ và lọ đựng bút dùng trong thư phòng.
Bộ sưu tập kỷ và lọ đựng bút dùng trong thư phòng.

Triển lãm về đồ gỗ thời Nguyễn là một trong các trưng bày hiếm hoi không chỉ của Bảo tàng Lịch sử TPHCM, mà còn đối với mọi bảo tàng ở Việt Nam cũng như trong khu vực. Bởi tính chất không bền bỉ, hay bị mối mọt và nguy cơ hoả hoạn tàn phá nên nhiều tác phẩm gỗ cổ xưa không còn tồn tại hoặc ít giữ được vẻ nguyên vẹn, hoàn hảo.

Tuy nhiên, 150 hiện vật trong “Sắc mộc - Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn” không chỉ hoàn hảo mà còn thể hiện rõ những câu chuyện lịch lý thú, những tư tưởng thẩm mỹ của thời đại, phản ánh rõ tay nghề và sự tỉ mẩn của nghệ nhân xưa.

Như ý nghĩa cát tường với bộ sưu tập bút, cuốn thư hàm ý đại diện cho văn chương thi phú của nhà Nho. Trong khi đó, kiếm và các binh khí thể hiện cho sức mạnh của nhà võ. Quạt, gậy như ý là pháp bảo của các vị tiên thể hiện điềm lành, bình an. Tất cả theo một ý đồ thể hiện văn - võ song toàn.

Không gian thờ cúng trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống lại có các hiện vật, như: Bàn thờ, các bộ bao lam được chạm trổ những đề tài phản ánh cảnh sắc trong tự nhiên (sóc giác, hoa điểu…) cùng hệ thống hoành phi, liễn đối chữ Hán có nội dung khuyên răn con cháu ghi nhớ công lao tổ tiên.

Khay gỗ chạm chữ Thọ với các nét đục kênh bong uyển chuyển.
Khay gỗ chạm chữ Thọ với các nét đục kênh bong uyển chuyển.

Không gian tiếp khách trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống với điểm nhấn là chiếc trấn phong cùng bộ bàn ghế bành tượng, được khảm xà cừ ngũ sắc và cẩn đá màu tạo thành nét đẹp rất đặc trưng. Hiện vật trưng bày có mảng chạm khắc bài “Sơn cư thu minh” của Vương Duy và “Xuân sơn nguyệt dạ” của Vu Lương Sử (thời nhà Đường, Trung Quốc).

Các hiện vật gắn với triết lý, châm ngôn về giáo dục, bồi dưỡng người hiền được thể hiện qua đề tài trang trí trên các hiện vật như trường kỷ, hoành phi, liễn đối, tranh thư pháp, án thư… trong không gian thư phòng hay phòng khách với mục đích cổ vũ tinh thần khuyến học cho con cháu.

Do nhu cầu phổ biến các điều luật, ghi lại sự kiện lịch sử và lưu truyền văn hóa truyền thống nên mộc bản thời Nguyễn ra đời và được chế tác rất nhiều, bằng các loại gỗ như thị, mít, táo. Ngoài giá trị về mặt kỹ thuật chế tác và mỹ thuật trình bày, mộc bản còn có giá trị về mặt sử liệu.

Theo giới chuyên gia, thời Nguyễn cùng với nhu cầu xây dựng trang trí điện đài cung tẩm là nhu cầu hưởng thụ cái đẹp cùng những nét tinh hoa mới bởi sự du nhập của văn hoá phương Tây. Bởi vậy, mỗi sản phẩm ngoài nét đặc trưng mang hồn cốt phương Đông còn có sự tiếp biến ý tưởng của văn hoá phương Tây.

Điêu khắc gỗ thời Nguyễn đã tạo nên một phong cách riêng biệt cùng kỹ thuật tinh xảo hiếm có. Vì thế, sự ảnh hưởng đó ít nhiều tác động đến tư tưởng để hình thành các sản phẩm dân gian. Thời kỳ này, Huế giữ vị thế là đầu tàu của nền nghệ thuật dân tộc, cả nghệ thuật cung đình cao sang quý phái và nghệ thuật dân gian sinh động, phong phú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ