Âm và Dương trong điêu khắc đương đại

GD&TĐ - Đó là chủ đề của triển lãm nghệ thuật khai mạc vào chiều 30/3, tại Hà Nội, với sự tham gia của 6 nhà điêu khắc tên tuổi.

Tác phẩm 'Sự hòa quyện' của Trần Văn An - Sắt 2021.
Tác phẩm 'Sự hòa quyện' của Trần Văn An - Sắt 2021.

Diễn ra từ ngày 30/3 - 20/4, tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm), với những tác phẩm điêu khắc mang xu hướng trừu tượng của 6 nghệ sĩ trong góc nhìn đậm chất Á Đông, giúp người xem tiếp cận và khám phá điêu khắc đương đại theo cách gần gũi nhất.

Nổi bật căn tính Á Đông

Tác phẩm 'Hoa mùa hạ' của Lê Anh Vũ - Nhôm đúc năm 2022.

Tác phẩm 'Hoa mùa hạ' của Lê Anh Vũ - Nhôm đúc năm 2022.

“Mỗi tác phẩm trong triển lãm không chỉ chứa đựng trong nó những khía cạnh thú vị về yếu tố âm dương để người xem khám phá, mà chúng còn tương tác với không gian, bối cảnh xung quanh để đem đến tinh thần cho nơi chốn” - Giám tuyển Trần Thu Huyền.

Giám tuyển nghệ thuật Trần Thu Huyền cho biết, triển lãm “Âm và Dương trong điêu khắc đương đại” quy tụ 6 nhà điêu khắc: Lê Anh Vũ, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Duy Mạnh, Phạm Bảo Sơn, Trần Văn An và Trần Trọng Tri. Họ đều là những điêu khắc gia tài năng, từng có nhiều triển lãm nhóm và cá nhân, vài người trong số họ là giảng viên nghệ thuật.

Điêu khắc đương đại, đặc biệt là điêu khắc có tính trừu tượng, lựa chọn cách cô đọng cảm xúc và ý niệm. Một nghệ thuật kiệm lời, đại diện cho cảm thức của con người trong thời đại này. Cảm xúc, ý niệm của nghệ sĩ được thể hiện qua ngôn ngữ của đường nét, hình thể, màu sắc, ánh sáng, không gian, vật liệu, chất cảm bề mặt…

Ở mức độ tinh tế hơn, là cách nghệ sĩ đặt tỷ lệ cho các yếu tố này hay chính các cặp song hành của yếu tố âm - dương luôn bù trừ, qua lại, xoay chuyển để tạo nên sự đối trọng.

Sự đối trọng cũng là cảm giác cân bằng trong nghệ thuật thị giác, hay bản chất được xem như điều kiện cần để mọi vật chất tồn tại, trở nên hài hòa, còn con người thì có được cảm giác hạnh phúc.

“Mỗi nghệ sĩ mà chúng tôi lựa chọn có cách riêng trong khám phá tạo hình, sử dụng vật liệu và thể hiện ý tưởng. Ở mỗi tác phẩm, có sự biến thiên đa dạng của yếu tố âm - dương mà nghệ sĩ vô tình hay hữu ý gửi gắm. Có nghệ sĩ ưa thích sự tương phản của tỷ lệ để thể hiện vẻ đẹp tinh tế.

Có nghệ sĩ thiên về ý niệm, sử dụng tính chất đối lập của vật liệu, hình dạng để suy tư về những giới hạn. Tính âm dương được thấy qua cấu trúc, trạng thái tĩnh động của tác phẩm. Và có khi là ở cảm thức về quá khứ, hiện tại trong sự ẩn hiện, tiếp nối, xoay vòng”, giám tuyển Trần Thu Huyền cho hay.

Mỗi người một vẻ

Tác phẩm 'Kén 06' của Nguyễn Ngọc Lâm - Gỗ và kim loại năm 2022.

Tác phẩm 'Kén 06' của Nguyễn Ngọc Lâm - Gỗ và kim loại năm 2022.

Mỗi nghệ sĩ đem đến triển lãm những tác phẩm mang đậm phong cách, thông điệp và làm nổi bật các giá trị điêu khắc đương đại Việt. Một trong các nghệ sĩ tham gia triển lãm lần này phải kể đến Lê Anh Vũ, hiện là giảng viên ngành Điêu khắc - Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp.

Thực ra, Vũ đã biết đến điêu khắc trước khi trở thành sinh viên. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gốm và từ nhỏ anh đã bộc lộ tình yêu với gốm.

Ngoài giờ học, Vũ đều dành thời gian ra cánh đồng quan sát các con vật, sau đó mày mò nặn đất sét và tự tạo ra những hình khối. Trong quá trình làm gốm, anh thường xuyên được cha hướng dẫn để hoàn thiện sản phẩm. Càng đắm chìm trong gốm, Lê Anh Vũ càng say mê.

Đối với Vũ, con người sinh ra đã có sẵn khả năng thưởng thức nghệ thuật. Nghệ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng là nơi khơi nguồn cảm hứng cho cuộc sống, giúp con người giải tỏa mọi áp lực, cân bằng trạng thái, kích thích sự tìm tòi, sáng tạo.

Nhà điêu khắc Nguyễn Duy Mạnh thời kỳ đầu thường sử dụng ngôn ngữ hội họa để bày tỏ tình yêu đối với cảnh vật, làng quê, cũng như ghi lại những “chấn thương” (tên loạt tác phẩm năm 2011) trong cảm xúc mà bản thân trải qua.

Từ năm 2012, anh bắt đầu thử nghiệm tác phẩm với tư duy của không gian 3 chiều bằng sợi buộc và vật dụng có sẵn để thể hiện sự tiếc nuối với ký ức. Triển lãm sắp đặt “Không gian bên trong” của Nguyễn Duy Mạnh từng đặc tả bản chất của cái nhìn - diễn biến bên trong không gian và giúp không gian đó có một đời sống riêng.

Anh sử dụng sợi dệt với phương thức tạo hình bằng hành động cuốn, thắt, buộc, giăng… để dò tìm những cung bậc nội tâm. Các hình thể mang âm hưởng của những bộ phận trong cơ thể, bằng những hành động và thao tácnghệ thuật, nghệ sĩ cố gắng biểu đạt một cách trực tiếp tinh thần của cái bên trong mà bản thân cảm nhận được.

Còn nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Lâm lại coi mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người là nguồn cảm hứng cho sáng tạo. Tình yêu tuyệt vời mà thiên nhiên mang lại cho con người là thông điệp mà anh muốn gửi gắm: “Thiên nhiên là ngôi nhà của chúng ta.

Thông qua tác phẩm, tôi muốn đưa ra những câu hỏi, liệu chúng ta có giải pháp nào giúp con người và thiên nhiên cùng tồn tại và phát triển? Chúng ta đang làm gì ở đây và chúng ta sẽ đi tới đâu?”.

Trong khi đó, Phạm Bảo Sơn dưới góc nhìn của giảng viên Kiến trúc lại đem đến góc nhìn về sự sum họp. Năm 2022, triển lãm “Điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội lần thứ 7”, tác phẩm mà anh đem đến đã khiến công chúng ngạc nhiên về một diện mạo mới. Hình ảnh những chú gà con theo mẹ đi kiếm mồi trong tác phẩm “Đàn gà” mang lại cảm giác giản dị, nhưng thật đầm ấm và hạnh phúc.

Nghệ sĩ Trần Văn An lại đánh dấu một giai đoạn sáng tác mới thông qua triển lãm “Tiếng vọng”. Anh xử lý tạo hình trên mặt phẳng hai chiều của tấm kim loại, đào sâu vào cảm xúc nội tâm và chạm đến những vấn đề lịch sử.

“Tôi rất có cảm xúc với kim loại, đặc biệt là sắt bởi sự mạnh mẽ và lì lợm. Nó luôn tạo cho tôi sự say mê như thể mình thuộc về nó và nó thuộc về mình”, Trần Văn An chia sẻ.

Cuối cùng là nhà điêu khắc Trần Trọng Tri. Anh từng gây tiếng vang tại triển lãm “Một chuyến đi”, ở đó công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước đã cảm nhận được tiếng nói của trái tim và tâm hồn Việt khi đề cập đến những cảm hứng lớn lao của đất nước, thông qua những hình tượng quen thuộc như thuyền, nước, con đường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.