Tuy nhiên, đối tượng của nó đã không giới hạn ở những người bị thương tật. Bất chấp hàng loạt rủi ro, cưa xương giãn chi thẩm mỹ chào đời. Nó trao cơ hội đầy mạo hiểm cho những “nấm lùn” sẵn sàng đánh cược tất cả để cao hơn.
Phương pháp bạo lực
Cưa xương giãn chi (leg-lengthening) thẩm mỹ là phẫu thuật chỉnh hình kéo dài xương, ép buộc xương phải dài ra bằng vũ lực. Đúng như cái tên, nó bắt đầu bằng việc cưa xương.
Mặc dù được xem như tiên phong, nhưng Ilizarov không phải bác sĩ đầu tiên nghĩ đến chuyện cưa xương giãn chi. Từ năm 1869, bác sĩ phẫu thuật người Đức Bernhard von Langenbeck (1810 - 1887) đã đề xuất giải pháp này. Đối tượng của ông là những người bệnh bị lệch chân.
Langenbeck tin rằng chỉ kéo giãn chân ngắn hơn ra cho bằng chân dài hơn là xong chuyện. Ý tưởng của ông được bác sĩ người Ý Alessandro Codivilla (1861 - 1912) tiếp nhận, thử nghiệm trên 26 người bị lệch chi bẩm sinh. Ông thực hiện bằng cách cưa rời xương chân ngắn hơn, xuyên một chiếc đinh ghim vào gót chân rồi kéo dài dần bằng tay.
Trên lý thuyết, xương bị gãy có thể tự tái tạo mô và nối liền. Trung bình, tốc độ tái tạo của nó là 1 mm/ngày. Nếu kiên trì giữ khoảng cách nhất định giữa 2 đoạn xương bị gãy, bác sĩ có thể giúp xương người lệch chi dài ra tối đa 13cm.
Có điều, cưa xương giãn chi đi kèm các rủi ro y tế cực cao. Theo ghi nhận của Codivilla, chúng bao gồm từ nhiễm trùng, chết mô cho đến không thể nối liền. Với một loạt các nguy cơ tai hại này, phương pháp của Codivilla bị xóa bỏ.
Năm 1951, Ilizarov hồi sinh phương pháp cưa xương giãn chi của Codivilla. Ông thành công khi chế tạo ra khung cố định xương, giúp việc giữ và kéo dài xương trở nên an toàn, chính xác hơn. Khung cố định này được chế tạo bằng thép không gỉ, có hình trụ tròn, vững chắc và cơ học. Nhờ nó, xương bị cưa không phải chịu ảnh hưởng từ sự cử động hay trọng lượng của người giãn chi.
Y học ghi ơn Ilizarov, đặt tên cho nó là khung Ilizarov (Ilizarov apparatus). Sang thế kỷ XXI, lĩnh vực thẩm mỹ lập tức chớp lấy sáng kiến y tế này, mở dịch vụ phẫu thuật chỉnh hình tăng chiều cao. Mỗi năm, họ tiến hành cưa xương giãn chi thẩm mỹ cho hàng trăm người.
Đau đớn và rủi ro
Mặc dù đã có có khung Ilizarov, cưa xương giãn chi thẩm mỹ vẫn cứ là đập xương. Người phẫu thuật bắt buộc phải trải qua thực tế xương bị cưa gãy rời và nó đau khủng khiếp. Chưa kể trước đó, để lắp khung Ilizarov, họ bị khoan xuyên xương ở cả 2 đầu chi, đặt đinh cố định.
Tất nhiên, các bác sĩ sẽ gây mê trước khi tiến hành, đồng thời cấp thuốc giảm đau sau khi phẫu thuật, nhưng “giảm” không có nghĩa là tiêu tan hết. Đặc biệt, cưa gãy xương mới chỉ là bước đầu.
Sau khi cưa xương, người giãn chi bước vào giai đoạn kéo dài xương. Với tốc độ chỉ 1 mm/ngày, họ cần nhiều tháng trời chờ đôi chân đạt chiều cao như ý. Suốt khoảng thời gian này, người giãn chi phải chịu đựng sự bất tiện trong đi đứng, kiềm chế các cơn đau bằng thuốc.
Kết thúc kéo dài xương, họ lại phải trải qua phẫu thuật gỡ khung Ilizarov, tháo đinh. Trong trường hợp xảy ra bất trắc như bị nhiễm trùng, 2 chân dài không bằng nhau… người giãn chi chỉ còn cách cưa xương thêm lần nữa. Nếu không may, họ có khả năng phải tái phẫu đến 5, 7 lần.
Sau tháo khung Ilizarov là luyện tập phục hồi chức năng. Quá trình này tốn khá nhiều thời gian, ít cũng phải 10 tháng. Bên cạnh đó, người giãn chi tiếp tục đối mặt với nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, ví như chấn thương dây thần kinh, xuất hiện cục máu đông, mật độ xương quá thấp dẫn đến dễ giòn gãy hoặc không chịu nổi trọng lượng cơ thể…
Hiện, cưa xương giãn chi thẩm mỹ đang có mặt ở hơn 10 quốc gia toàn cầu. Tại các nước phát triển như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, ước tính có từ 100 – 200 ca giãn chi/năm. Tại các quốc gia còn lại như Tây Ban Nha, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia… số ca thấp hơn, chỉ từ 20 – 40 ca/năm.
Chi phí cưa xương giãn chi thẩm mỹ cực cao. Tại đất nước nổi danh rẻ nhất - Ấn Độ, nó cũng đã từ 20.000 – 50.000 USD/người (khoảng 460 triệu đến 1,1 tỷ đồng). Tại Anh, bình quân khoảng 50.000 bảng/ca (tương đương 1,6 tỷ đồng). Ở Mỹ, mỗi ca giãn chi có giá 280.000 USD (khoảng 6,8 tỷ đồng).
Đáng giá không?
Ngay từ khi mới xuất hiện, cưa xương giãn chi thẩm mỹ đã gây ra nhiều tranh cãi. Tại các quốc gia cho phép, cơ sở thẩm mỹ chỉnh hình buộc phải tuân thủ nguyên tắc chỉ định, ví dụ như chỉ cho phép đập xương giãn chi đối với nữ thấp dưới 150cm và nam thấp dưới 160cm.
Song riêng ở Ấn Độ, bất cứ ai cũng có thể đăng ký. Amit (36 tuổi) chỉ cao có 160cm nên quyết định phẫu thuật cải thiện chiều cao. Thay vì muốn chiều cao trên 170cm như mong đợi, anh chỉ kéo dài chân được thêm đúng 3,5cm.
Ajay Patel, năm anh 14 vẫn chỉ 120cm nên đánh cược với cưa xương giãn chi. Anh xui xẻo gặp hàng loạt các biến chứng, phải tái phẫu những 6 lần mà kết quả cũng chỉ cao có 152cm.
Năm 2015, Barny (Anh), cao 167cm quyết định bay sang Italia thực hiện phẫu thuật tăng chiều cao. Lúc này, ông đã ở tuổi 46 nhưng vẫn hy vọng có thể tạm biệt cái danh “nấm lùn” đáng ghét, đặt mục tiêu trở thành người đàn ông trung niên cao 175cm.
“Cả 2 chân tôi đều bị cưa gãy, nhưng các mô xương mới lại phát triển quá chậm”, Barny nhớ lại. “Suốt thời gian chờ xương dài ra, tôi luôn cảm thấy mọi dây thần kinh ở chân đều bị kéo căng, đau đớn không thể tả.
Lắm khi, tôi còn thấy cơn đau chạy cả vào đầu, gây buốt não khủng khiếp. Nhiều lúc, tôi rơi vào khủng hoảng tâm lý”. May cho ông là người thân và bạn bè đều thông cảm, động viên.
Phải mất 5 năm, Barny mới có chiều cao như mong muốn và được giải thoát khỏi khung Ilizarov. “Tôi vẫn còn cả con đường dài để đi (rèn luyện phục hồi)”, Barny ảo não chia sẻ. “Tôi có hối hận không ấy à? Giờ mà bảo là có thì chẳng phải buồn cười lắm sao!”.
Thực tế, nếu cuộc phẫu thuật tăng chiều cao được tiến hành suôn sẻ, người giãn chi chỉ mất chừng 1, 2 năm là có thể đi đứng như bình thường. Những trường hợp không may như Barny, Patel, Amit không quá nhiều.
“Dù thế nào, cuộc phẫu thuật này vẫn mang tới cho tôi cơ hội sống cuộc đời khác. Đó là cuộc đời mà tôi không còn phải tự ti vì lùn”, Barny kết luận. Khác với ông, Patel chán ghét và thề không bao giờ tin vào cưa xương giãn chi nữa. Amit lại buông xuôi, anh chỉ mong sao sớm đi lại được.