Kéo dài chân: 3 bước đóng đinh, định hình, cắt xương

Chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình cho hay, để tăng chiều cao bằng phương pháp kéo dài chân không khó song đòi hỏi sự kiên trì và chịu đau mới có kết quả tốt nhất.

Kéo dài chân: 3 bước đóng đinh, định hình, cắt xương

PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, để tăng chiều cao cho người trưởng thành, kéo dài xương là biện pháp được sử dụng rộng rãi.

Về quy trình, vị chuyên gia cho hay, người muốn cải thiện chiều cao phải trải qua các bước khá gian khổ và yêu cầu lòng kiên trì, quyết tâm cao.

Chuẩn bị

Trước khi quyết định mổ, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng bệnh nhân để tìm hiểu kỹ về tiền sử bệnh, bao gồm sinh sản, sự phát triển về thể chất tầm vóc trong thời kỳ thiếu niên, thời điểm dậy thì, tiền sử về hormone tình trạng ốm đau lúc nhỏ, bệnh di truyền... Bên cạnh đó, việc đánh giá tình trạng tâm lý của bệnh nhân để chỉ định kéo dài chân nâng chiều cao cũng rất quan trọng. “Đó phải là những người có tâm lý quá mặc cảm bởi tầm vóc thấp của mình và có những kỳ vọng thực tế về những gì phẫu thuật kéo dài chân có thể đem lại cho họ, chứ không đơn thuần là thẩm mỹ”, PGS Đoàn cho hay.

Sau đó, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chuyên sâu để loại trừ các bệnh lý của xương và bệnh lý toàn thân khác có chống chỉ định kéo dài chi. Bệnh nhân cũng được bác sĩ tư vấn giải thích rõ quy trình phẫu thuật, thời gian nằm viện, quá trình điều trị trong và sau khi ra viện, thời gian điều trị, dự kiến những tai biến, biến chứng có thể xảy ra. Bệnh nhân cần hiểu rõ và sẵn sàng tốt, kể cả quá trình tập luyện phục hồi chức năng sau mổ. Tiếp đó, bệnh nhân được gây mê, hoặc tê tủy sống và bước vào phẫu thuật trải qua 3 bước.

Phẫu thuật

Bước 1: Đóng đinh

Bác sĩ sẽ rạch da dài khoảng 1,5-2 cm dọc mặt trước gân bánh chè, sau đó dùng dùi 1 lỗ vào ống tủy và khoan ống tủy, đóng một đinh vào ống tủy xương chày. Tiếp đến, bác sĩ sẽ rạch da dài 1 cm ở mặt trong đầu trên cẳng chân để lắp dụng cụ định vị, bắt 2 vít chốt ở đầu trung tâm.

Đóng đinh SIGN và bắt 2 vít chốt trung tâm: Rạch da (A); Dùi lỗ vào (B); Khoan ống tủy (C) ; Đóng đinh SIGN, khoan lỗ bắt vít chốt trung tâm (D); Bắt vít chốt trung tâm (E).
Rạch da (A); Dùi lỗ vào (B); Khoan ống tủy (C); Đóng đinh SIGN, khoan lỗ bắt vít chốt trung tâm (D); Bắt vít chốt trung tâm (E). Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bước 2: Lắp đặt khung cố định vào cẳng chân

Sau khi đóng đinh vào xương chày, vòng cung phía trên liên kết với 2 đinh Kirschner 2,0 mm được xuyên chéo nhau ở phần sau của đầu trên xương chày, cách khe khớp gối 2 cm, trên đầu đinh nội tủy khoảng 2 - 3mm.

Vòng cung phía dưới liên kết với 2 đinh Kirschner đường kính 2 mm được xuyên chéo nhau ở đầu dưới xương chày phía trên khe khớp 2cm và nằm phía dưới đinh nội tủy. Các đinh Kirschner được căng bằng dụng cụ căng đinh của Ilizarov.

Hai vòng khung trên và dưới được liên kết với nhau bằng 3 thanh liên kết có ren ngược chiều. Khi vặn, đẩy cho 2 vòng cung này xa dần nhau ra.

Lắp khung cố định ngoài: Xuyên đinh Kirschner qua đầu trên xương chày (A); Xuyên đinh Kirschner qua đầu dưới xương chày và nằm dưới đầu đinh SIGN (B); Xuyên 2 đinh Kirschner qua đầu trên và đầu dưới xương chày (C); căng các đinh Kirschner (D,E).
Lắp khung cố định ngoài: Xuyên đinh Kirschner qua đầu trên xương chày (A); Xuyên đinh Kirschner qua đầu dưới xương chày và nằm dưới đầu đinh SIGN (B); Xuyên 2 đinh Kirschner qua đầu trên và đầu dưới xương chày (C); căng các đinh Kirschner (D,E). Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bước 3: Cắt xương

Cắt xương mác: Xác định vị trí cắt xương mác ở vị trí 1/3G -1/3D xương mác, cách mắt cá ngoài khoảng 10 cm.

Cắt xương chày: Xác định vị trí cắt xương chày, rạch da dài 2,5 - 3 cm ở dọc ngay phía ngoài mào chày và cách mào chày 0,5 cm, ở dưới lồi củ trước xương chày 4-5 cm, dưới vị trí vít chốt trung tâm thứ hai từ trên xuống 2,5-3 cm. Dùng đục đục đứt mào chày, sau đó dùng đục có cựa đục đứt thành xương cứng ở phía trước ngoài, trước trong, sau trong, sau ngoài, và cuối cùng là thành sau xương chày.

Kéo dài chân: 3 bước đóng đinh, định hình, cắt xương

Sau mổ, xương “dài” ra như thế nào?

PGS Đoàn cho hay, sau mổ bệnh nhân được tiêm thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, giảm nề, gác chân cao trong 5 ngày và thay băng vết mổ cách ngày.

Sau 3-5 ngày, được tập vận động thụ động nhẹ nhàng khớp gối và khớp cổ chân, đeo giá kéo bàn chân khi nghỉ ngơi và khi ngủ để chống biến chứng co ngắn gót.

Sau 7-10 ngày, bác sĩ tiến hành căng dãn khung và hướng dẫn cho bệnh nhân tự vận hành khung để căng dãn ổ cắt xương với tốc độ 1mm/ngày, chia đều cho 3 lần. Sau căng dãn 5 ngày, nếu ổ cắt xương đã được căng dãn tốt, người kéo dài chân được ra viện, điều trị ngoại trú thực hiện tự căng dãn theo hướng dẫn, khoảng 1 mm/ngày. Định kỳ hàng tháng, các bệnh nhân được khám lâm sàng và đánh giá diễn biến liền xương bằng chụp Xquang.

Kéo dài chân: 3 bước đóng đinh, định hình, cắt xương
Bệnh nhân tập tì nén một phần trong khung tại nhà. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Trong thời gian căng dãn, bệnh nhân đã bắt đầu phải tập tỳ nén một phần trọng lượng cơ thể khi đứng hoặc đi bằng hai nạng trong khung tập đi.

Khi căng dãn đủ chiều dài, bệnh nhân được nhập viện và được bắt 2 vít chốt ngoại vi của đinh nội tủy và tháo bỏ khung cố định ngoài. Thời gian nằm viện khoảng 3 đến 5 ngày.

Ra viện bệnh nhân tiếp tục tập luyện đi lại dưới sự trợ giúp của khung hoặc nạng và tỳ nén tăng dần và được tì nén hoàn toàn khi có can xương bắc cầu ở hai vỏ xương trên phim Xquang. Khám kiểm tra định kỳ 2 tháng/lần đến khi liền xương vững.

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ