Kenya: Trường học giúp thay đổi số phận cô dâu nhí

GD&TĐ - Tương lai của cô bé Halima, 13 tuổi, tưởng như đã khép lại giống như những trẻ em gái kết hôn sớm tại vùng hoang mạc Kenya. Đó là sinh con đẻ cái rồi cắm đầu vào việc bếp núc, chăn nuôi cho tới cuối đời. Tuy nhiên, may mắn tới với cô bé khi trường học mở cánh cửa ánh sáng tri thức cho những bé gái như Halima…

Kenya: Trường học giúp thay đổi số phận cô dâu nhí

Môi trường tăm tối

Năm 13 tuổi, Halima được gia đình gả cưới giống như những bé gái tại khu vực đông bắc cằn cỗi và hoang dã gần như ngoài vòng pháp luật. Những tưởng cánh cửa tương lai đã khép lại với Halima nhưng điều thần kì đã thay đổi số phận cô.

Đó là chương trình “đổi tiền lấy nữ sinh” nhằm vào những cô dâu nhí như Halima. Trong lớp học, Halima đeo khăn trùm đầu màu đỏ nhạt để hở ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc. “Cháu chưa bao giờ được tới trường” – Halima, năm nay 16 tuổi, mỉm cười e thẹn chia sẻ.

Được đến trường là điều nằm ngoài tưởng tượng của Halima. Mặc dù nhỏ bé nhưng trường làng là một công trình được xây kiên cố hiếm hoi tại vùng đất bán sa mạc tại Wajir, nơi toàn cát và xương rồng gai. Khu vực này có đa số là người thiểu số theo đạo Hồi sinh sống và nhiều thế hệ bị lãng quên bởi chính phủ Nairobi, khiến nó trở thành khu vực nghèo nàn, bất ổn và lạc hậu bởi truyền thống du mục phân biệt đối xử với phụ nữ.

Hơn 4 trong 10 phụ nữ ở đây kết hôn trước tuổi kết hôn hợp pháp 18 – cao hơn 2 lần so với tỉ lệ trung bình toàn quốc; 98% phụ nữ phải trải qua hủ tục cắt âm vật; 4/5 phụ nữ mù chữ, gấp gần 7 lần so với bất cứ địa phương nào khác tại Kenya…

Sống lại ước mơ học hành

Trong môi trường sống lạc hậu như vậy, Halima từng mơ ước có thể trở thành cô giáo để dạy học cho cộng đồng mình. Và ước mơ đó đã sống lại vào năm 2015 khi trường học nhận được tài trợ để đón những em gái của nạn tảo hôn như Halima đến trường. Tháng 6/2015 trường đã đón được 80 nữ sinh trong khoảng 3.000 cư dân tại khu vực giáp biên giới với Somalia này.

“Wajir là một trong những địa bàn rất khó tiếp cận, do tình trạng mất an ninh, vì thế cũng khó tiếp cận trẻ em, đặc biệt là khu vực dọc biên giới” - Evans Kibet, nhân viên tổ chức Save the Children, cho biết – “Khu vực này thường xảy ra giao tranh giữa các nhóm vũ trang thuộc các bộ tộc du mục đối nghịch và cũng là nơi phiến quân Hồi giáo trú náu.

Để các cô dâu nhí có thể tới trường, chương trình “đổi tiền lấy nữ sinh” đã nhận được sự đồng thuận của các lãnh đạo tôn giáo. “Tôi ủng hộ phái nữ tới trường và để họ tự quyết định kết hôn với ai và khi nào” – Abdiwahab Mursal, một lãnh tụ Hồi giáo địa phương và được chính quyền chỉ định phụ trách toà án gia đình Hồi giáo truyền thống tại Wajir, bày tỏ quan điểm.

“Ban đầu rất khó để tôi chấp nhận việc nữ giới tới trường đơn giản vì chúng tôi là dân du mục, nay đây mai đó” – Adain, 78 tuổi, bố của Halima, chia sẻ. Ông Adain có 9 con và khi Halima 13 tuổi, ông Adain gả cưới con bởi “đó là điều chúng tôi làm theo tôn giáo và văn hoá của chúng tôi”. Tuy nhiên sau đó, ông Adain đã thay đổi suy nghĩ rằng nếu con được đi học thì có thể biết đọc biết viết, có thể tìm được một công việc kiếm tiền nuôi gia đình.

Chồng của Halima, Hussein, thừa nhận lúc đầu cũng lo ngại việc đi học của vợ có thể ảnh hưởng tới công việc gia đình nhưng khoản tiền trợ cấp 30 USD mỗi học kì đủ để Hussein không cảm thấy “thiệt thòi”.

Tại trường, các em gái được dạy về lợi ích kết hôn đúng tuổi hợp pháp trở lên, nguy hiểm của việc mang thai sớm và cách cơ bản tiết kiệm tiền để độc lập hơn trong cuộc sống gia đình…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ