Mở rộng cánh cửa giáo dục
Ở tuổi của ông Mzee Ndirangu, hầu hết mọi người đã cho phép mình nghỉ ngơi sau cả đời lăn lộn để hưởng thụ cuộc sống và vui vầy cùng con cháu (tất nhiên, nếu điều kiện cuộc sống cho phép như vậy). Thế nhưng, hàng ngày ông lại cắp sách đến trường, ngồi ngay ngắn trong lớp học tại Học viện Đào tạo Kỹ thuật Mukurweini ở hạt Nyeri.
Học viện này là một tổ chức giáo dục đặc biệt ở Kenya, mới được thành lập ba năm trước, phục vụ nhu cầu giáo dục cho mọi tầng lớp, không phân biệt lứa tuổi. Đặc biệt, tổ chức này rất chú trọng việc kêu gọi và hỗ trợ tối đa cho những người lớn tuổi muốn quay lại trường học để hoàn thành ước mơ còn dang dở. Đó là lý do mà học viện trở nên nổi tiếng và ngày càng có nhiều người từ lứa tuổi trung niên trở lên tìm đến đăng ký theo học.
Mzee Ndirangu trở thành học viên chính thức của học viện từ tháng 9/2018. Ông đăng ký theo học ngành kỹ thuật điện, sau hơn bốn thập kỷ làm nông dân thuần túy, với cuộc sống khá chật vật. Là học viên cao tuổi nhất, ông cũng nhận được sự quan tâm hỗ trợ lớn nhất của nhà trường cũng như các học viên. Thế nhưng, ông luôn cố gắng tự học hỏi mọi thứ, bởi những gì được đào tạo tại học viện này sẽ giúp ông thay đổi nghề nghiệp trong phần đời còn lại, đồng thời thúc đẩy con cháu phải lựa chọn con đường học hành đến nơi đến chốn để xây dựng cuộc sống.
Nối tiếp giấc mơ dang dở
Trong số những bạn học của Mzee Ndirangu, bà Cecilia Wanjiru Mwangi là học viên nữ lớn tuổi nhất. Khi các cơ quan chính phủ đến thăm học viện, ông Mzee Ndirangu và bà Cecilia Mwangi đương nhiên là những học viên dễ nhận thấy nhất trong số hàng chục học viên ngồi trong lớp bởi mái tóc hoa râm của họ không lẫn vào đâu được.
Giáo viên Maina Murage là người theo sát Mzee Ndirangu nhất, bởi ông luôn muốn học hỏi và thường xuyên xin ý kiến giáo viên về những điều mình chưa hiểu. Giáo viên Murage nhận xét, học viên lớn tuổi nhất của mình là một người ham học hỏi, tiếp thu nhanh và rất biết tôn trọng mọi người. Giáo viên này tin chắc sau khi tốt nghiệp, Mzee Ndirangu sẽ là một kỹ sư điện có tay nghề cao.
Mzee Ndirangu cho biết, là học viên cao tuổi nhất trong một lớp học kỹ thuật, thực sự là thách thức lớn đối với ông để có thể hòa đồng cũng như theo kịp mọi người. Việc phải dành 5 - 8 giờ đồng hồ mỗi ngày trong lớp học, sau khi đã mất hẳn thói quen này trong suốt nhiều thập kỷ, cũng khiến ông chật vật mãi mới có thể thích nghi nổi.
“Gần như tất cả các bạn cùng lớp của tôi đều ở độ tuổi 20. Về lời khuyên cho các học sinh lớn tuổi hơn, tôi sẽ nói rằng, bạn nên đối xử với các học sinh nhỏ hơn như bạn bè của mình. Bạn thậm chí còn thấy rằng giáo viên cũng rất ít tuổi, nhưng bạn cần phải kính trọng họ, vì đó là người cung cấp kiến thức cho bạn” - Mzee Ndirangu nói với một nụ cười trìu mến.
Rời bỏ trường trung học ở Form Three khi mới 17 tuổi, Mzee Ndirangu nói rằng, mục tiêu cuối cùng của ông là thực hiện ước mơ có được tấm bằng kỹ sư điện, điều mà ông không thể đạt được khi còn trẻ vì những trở ngại khác nhau, bao gồm hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn của gia đình.
Vượt qua rào cản
Cũng gần giống hoàn cảnh của ông Mzee Ndirangu, học viên nữ lớn tuổi nhất của học viện - bà Cecilia Mwangi, đã bỏ học từ thời niên thiếu, cho đến vài năm gần đây, con cái đã lớn và cả sự thôi thúc của điều kiện sống, bà bắt đầu tìm cách nối lại giấc mơ dang dở của mình. Để thực hiện điều đó, bà đã đăng ký theo học trung học tại Trường Gikondi ở gần hạt Nyeri. Năm 2017, bà dự kỳ thi tốt nghiệp trung học, với kết quả là đạt điểm D-.
Số điểm ấy không đủ để Cecilia Mwangi vào được đại học như ước nguyện. Đọc các thông tin trên báo và nhờ sự giới thiệu của người thân, bà tìm đến Học viện Đào tạo kỹ thuật Mukurweini. Thật không may, ngay cả ở học viện cũng không có chương trình nào phù hợp với điểm số của bà. Thế nhưng, sau khi nghe người phụ nữ cao tuổi có khuôn mặt phúc hậu ấy trình bày hoàn cảnh, ông hiệu trưởng Patrick Manyemi đã cảm động và quyết định đặc cách tiếp nhận, giới thiệu bà vào một khóa học mua sắm, như một bước đệm để bà tích lũy kiến thức, từ đó có thể tiến lên cấp độ tiếp theo.
Rắc rối vẫn chưa hết. Bà Mwangi không đủ khả năng chi trả học phí; buộc ông Manyemi phải thương lượng với hội đồng học viện, tạo điều kiện để bà được vay gói tín dụng giáo dục đại học - một gói vay chính phủ nhằm hỗ trợ sinh viên theo học đại học, nhưng bà Mwangi không đủ điều kiện vì đã quá tuổi quy định. Nhờ sự nhiệt tình của học viện, bà đã có thể nuôi dưỡng giấc mơ trở thành quản lý mua sắm cao cấp.
“Quá già để đi học? Hoàn toàn không! Tôi không lo lắng về việc đi học với bạn cùng lớp chỉ bằng nửa tuổi mình. Tôi là một học sinh hòa đồng, tận tâm và nghiêm túc. Các giáo viên và bạn cùng lớp cũng rất tôn trọng tôi. Hầu hết họ gọi tôi là mẹ. Tôi rất hài lòng vì họ đã chấp nhận tôi trong môi trường này” - bà Mwangi phấn khởi nói.
Nhưng theo Hiệu trưởng Manyemi, có những thách thức rất lớn đòi hỏi phải thực sự nỗ lực để vượt qua đối với những học viên quá tuổi. Họ cần sự hỗ trợ cũng như quan tâm nhiều hơn các học viên khác, trước hết vì tuổi tác và cả vì những định kiến của xã hội đối với họ.
Ông cũng nói rằng, ngoài việc mài giũa kỹ năng và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, học tập là cách hiệu quả để những người trên 60 tuổi giải quyết nỗi ám ảnh về sự cô lập, cô đơn và trầm cảm, có thể đến với tuổi già.
“Học tập không bao giờ là quá muộn. Vấn đề nằm ở chỗ khi nào bạn sẵn sàng để bắt đầu” - Hiệu trưởng Manyemi nhấn mạnh.