Kế sinh nhai chỉ có ở Afghanistan

GD&TĐ -Nghèo đói cùng cực đang đẩy người di cư Afghanistan đến những quyết định vô cùng liều lĩnh!

Những ngôi lều đất ở tỉnh Herat cho người di cư. Ảnh: Rukhshana Media
Những ngôi lều đất ở tỉnh Herat cho người di cư. Ảnh: Rukhshana Media

Cảnh bĩ cực trong những ngôi làng

Thời điểm này, miền Tây Afghanistan nhiệt độ ngoài trời dần hạ xuống mức dưới không, trong khi đó chị Delaram Rahmatis vẫn đang phải vật lộn để kiếm đồ ăn cho tám đứa con.

Đã bốn năm kể từ khi họ rời ngôi nhà thân quen của mình ở tỉnh Badghis, cả gia đình Rahmatis phải sống chui rúc trong một túp lều đắp bằng đất phủ mái ny-lon trong một khu ổ chuột tại thành phố Herat, bên cạnh tỉnh Badghis, ở phía Tây Afghanistan, giáp với Iran.

Nạn hạn hán khiến nông dân Badghis không còn đất để canh tác, cực chẳng đã họ phải rời bỏ nhà cửa để tìm kế sinh nhai mới. Họ kéo đến sống trong các khu lều tạm đắp bằng đất ở Herat. Theo thống kê của Cơ quan Cao ủy Liên Hợp Quốc, hiện có khoảng 3,5 triệu người Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa vì thiên tai (Họ được gọi gọi tắt là IDP).

Rahmatis – 50 tuổi, thất nghiệp, nhưng hàng ngày vẫn phải lo tiền để trả viện phí cho hai cậu con trai: Một bị liệt, một mắc chứng thần kinh và tiền thuốc cho người chồng đang đau ốm nữa!

Chị xót xa kể: “Tôi buộc phải bán hai đứa con gái, cháu lớn 8 tuổi, đứa bé mới lên sáu”. Cách đây vài tháng chị đã bán đứt hai đứa con gái cho hai gia đình lạ với số tiền 100 ngàn afghani (khoảng 26 triệu đồng Việt Nam). Hai bé gái nhà chị sẽ tạm thời được nán lại nhà mình vài tháng nữa cho đến khi các em chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, lúc đó chị sẽ bàn giao chúng cho các gia đình kia.

Hiện trạng nền kinh tế Afghanistan đang trong thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, vậy nên mặc dù không muốn nhưng các gia đình có con gái đều muốn gả các em từ bé bởi họ không có khả năng nuôi chúng.

Gả bán con gái mình cũng là bán luôn cả tương lai của nó – đây là một quyết định đau lòng mà chị Rahmatis phải cắn răng để thực hiện. Song bi kịch này vẫn chưa đến hồi kết, chị còn kể rằng, do nợ nần và đói khát, chị đã phải bán cả một quả thận.

Phải nói thêm rằng cú sốc kép đến từ hạn hán, dịch Covid-19 và cấm vận kinh tế kể từ khi Taliban lên nắm chính quyền năm 2021 đã dẫn đến những hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế quốc gia Nam Á này.

Do không có tiền nuôi con nên các gia đình Afghanistan buộc phải bàn giao con gái mình cho nhà chồng từ nhỏ.

Do không có tiền nuôi con nên các gia đình Afghanistan buộc phải bàn giao con gái mình cho nhà chồng từ nhỏ.

Bán thận để lấy tiền ăn

Tại Afghanistan thì việc mua bán thận người đã diễn ra khá lâu. Tuy nhiên, kể từ khi Taliban lên nắm quyền, giá cả và điều kiện của thị trường mua bán bất hợp pháp nội tạng người cũng đã thay đổi. Một quả thận trước có giá dao động từ 3.500 đến 4.000 đô la Mỹ nay đã rớt xuống dưới 1.500 đô la.

Chị Rahmatis đã bán quả thận bên phải được 1.000 Bảng Anh (tương đương khoảng 28 triệu đồng Việt Nam), nhưng sau khi phẫu thuật, giống như chồng chị, hiện sức khỏe Rahmatis yếu hơn và chị cũng không còn tiền để đi khám bệnh.

Theo cơ quan Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, tại Afghanistan hơn một nửa dân số - khoảng 40 triệu người đang phải đối mặt với “nạn đói ở mức nguy kịch”, gần 9 triệu người đang thiếu ăn.

Taheri, 27 tuổi đã là cha của 4 đứa con, anh vừa cầm vừa đếm sột soạt nắm tiền lẻ, thành quả của một ngày nhặt ve chai. Tổng số tiền anh kiếm được chỉ đủ mua 5 cái bánh mỳ. Anh là một trong số những người đang có nhu cầu bán thận gấp.

Taheri cho biết: “Gần đây tôi có ghé qua một bệnh viện tư nhân trong tỉnh này và đăng ký bán thận cho họ. Tôi có dặn thêm họ là tôi đang rất cần tiền nên có thể bán rẻ hơn người khác, song chưa thấy ai gọi lại. Tôi cần tiền để mua thức ăn cho các con, thực lòng thì tôi cũng chẳng còn cách nào khác”.

Các bệnh viện không tuân thủ pháp luật

Theo anh Asif Kabir, nhân viên y tế công tỉnh Herat, trong vòng năm năm trở lại đây đã có 250 ca ghép thận tại các bệnh viện của tỉnh này được công bố công khai, trong đó có rất ít những người hiến tạng là thành viên gia đình. Chi phí cho mỗi ca ghép thận khoảng 400 triệu đồng Việt Nam, chưa tính tiền mua thận.

Tuy nhiên, trên thực tế thì số ca ghép thận cao hơn nhiều. Một vị bác sĩ làm việc tại bệnh viện, nơi có đông bệnh nhân ghép thận xin được giấu tên nói rằng, lượng người muốn bán thận tại Herat gần đây tăng cao. Hầu hết họ sống trong các lều trại tạm cư ở các khu ổ chuột. Khách hàng cũng lần tới những khu này để tìm người bán thận rẻ.

Sayed Ashraf Sadat, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Herat, thành viên một đoàn điều tra các vụ mua bán thận bất hợp pháp cho biết: “Chúng tôi phát hiện các bệnh viện không tuân thủ pháp luật. Người ta đã tìm cách để thực hiện các vụ mua bán thận bên trong lẫn bên ngoài lãnh thổ Afghanistan. Ví như những người Iran mà cần ghép thận thì người nghèo Afghanistan buộc phải bán cho họ thôi”.

Đoàn điều tra của Sadat định danh hai bệnh viện thường xuyên tiến hành ghép thận. Bệnh viện đầu thực hiện tách ghép 194 ca. Bệnh viện thứ hai thực hiện 32 ca. Điều mâu thuẫn là tổng số người bán thận là hơn 500, riêng khu làng này có tới 100 người. Sadat kết luận: “Rõ ràng có dấu hiệu cho thấy người ta đã sắp xếp để các ca tách thận bên ngoài biên giới Afghanistan”.

“Nếu giá mua trong nước một quả thận chỉ 300 nghìn afghani, tương đương gần 80 triệu đồng thì nó được bán ra nước ngoài từ 7.500 tới 11.000 Bảng Anh, tương đương 213 tới 313 triệu đồng”, anh Sadat cho biết. “Có vẻ như các bác sĩ đã dính líu tới những phi vụ này, nhưng thật không may cuộc điều tra của chúng tôi đã bị dừng lại vì tình hình an ninh ở đây đang xấu đi”.

“Nếu chết, tôi vẫn vui vẻ”

Sau hai tháng phẫu thuật lấy thận, chị Rahmatis cũng hết tiền vì phải chi tiền nợ viện phí điều trị bệnh cho mình. Tình trạng sức khỏe của chị đang khá xấu. Chị Rahmatis than thở: “Tôi đang ốm lắm, không đi lại được, do ảnh hưởng của vết mổ, nó rất đau”.

Ngày phẫu thuật lấy thận cũng chính là ngày chị Rahmatis đang ốm nên vị bác sĩ đã từ chối thực hiện tách thận cho chị. “Khi ấy tôi thở rất khó khăn, vì vậy bác sĩ đã đưa tôi ra khỏi giường mổ, nhưng rồi tôi quay trở lại, tôi đã khẩn khoản nói với ông ấy rằng: “Nếu tôi có mệnh hệ gì thì tôi vẫn vui vẻ thôi vì tôi không thể dứt ruột nhìn các con chết đói và chịu bệnh tật trong người”. Giọng chị như trầm xuống, ánh mắt chị nhìn về một nơi thật xa.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ