Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 16, quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, có những nhóm bệnh được kê đơn thuốc tối đa 90 ngày.
Bên cạnh thuận lợi mà người bệnh được hưởng, cũng có không ít thách thức đặt ra. Đặc biệt, một số người khi thấy bệnh ổn định có thể chủ quan và dễ bỏ thuốc.
Nguy cơ quên lịch tái khám
Theo đó, thông tư ban hành danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày gồm 252 bệnh, nhóm bệnh. Đối với bệnh thuộc danh mục này, người kê đơn thuốc quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn, căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc, với số ngày sử dụng mỗi thuốc tối đa không quá 90 ngày.
Danh mục này bao gồm các bệnh mạn tính phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy giáp, suy tuyến yên, Parkinson, Alzheimer và sa sút trí tuệ cũng nằm trong danh sách được áp dụng.
Theo TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), mặc dù có nhiều lợi ích, nhưng việc kê đơn dài ngày cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn trong chỉ định. Những rủi ro có thể xảy ra như người bệnh không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc, không được theo dõi sát tác dụng không mong muốn, bệnh tiến triển cần điều chỉnh phác đồ nhưng chưa kịp đánh giá lại, hoặc người bệnh mất, không sử dụng hết thuốc gây lãng phí.
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân mạn tính, thường là người lớn tuổi, sống phụ thuộc, có thu nhập thấp hoặc nhiều bệnh đồng mắc. Việc phải đi lại hằng tháng để lấy thuốc không chỉ vất vả, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác.
Với chính sách mới, người bệnh có thể được kê đơn thuốc đủ dùng trong 2 - 3 tháng. Điều này giúp giảm đáng kể số lần và thời gian đi lại đến bệnh viện, tiết kiệm chi phí cho cả bệnh nhân và người nhà. Lợi ích khác là hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế, đặc biệt là trong mùa dịch hay thời tiết bất lợi. Đồng thời, giúp ổn định đơn thuốc trong thời gian dài. Từ đó, tăng tính tuân thủ điều trị. Đây là điều rất quan trọng trong điều trị bệnh mạn tính.
Song, theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, với chính sách này, người bệnh tái khám ít hơn. Đặc biệt, một số người bệnh khi thấy bệnh ổn định thì chủ quan, không theo dõi đường huyết, huyết áp, không duy trì luyện tập, ăn uống thất thường và dễ bỏ thuốc.
Ngoài ra, việc không thăm khám thường xuyên sẽ khiến người bệnh dễ bỏ sót các dấu hiệu cảnh báo sớm của biến chứng. Bệnh nhân cũng có nguy cơ quên lịch khám lại, dẫn đến hết thuốc. Với người điều trị đa khoa cần dùng nhiều loại thuốc khác nhau, thì việc thuốc còn, thuốc hết càng dễ xảy ra.
Do đó, theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, trước sự thay đổi này, bệnh viện và các khoa phòng liên quan cần chủ động điều chỉnh quy trình. Cần chuẩn bị đủ cơ số thuốc để đáp ứng số lượng cấp phát tăng lên 2 - 3 lần bình thường. Ngoài ra, phải tăng cường nhân lực ở khâu khám bệnh, kê đơn và phát thuốc.
Nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo thông suốt giữa bác sĩ - kho thuốc - nhà thuốc. Hướng dẫn chi tiết cho người bệnh: Thuốc nào có thể kê 30 - 60 - 90 ngày, hẹn lịch khám cụ thể. Cung cấp số hotline, Zalo hoặc app bệnh viện để người bệnh có thể liên hệ khi có triệu chứng bất thường hoặc cần hỏi thêm.
Cần “tùy cơ ứng biến”
Theo BSCKII Trần Thái Sơn - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, quyền kê đơn 90 ngày không có nghĩa là bệnh nhân nào cũng nên được kê như vậy. Bác sĩ phải đánh giá thật kỹ tình trạng cụ thể của từng người bệnh. Có những trường hợp ổn định thì có thể kê 90 ngày. Song, cũng có những trường hợp chỉ nên kê 5 - 10 ngày, vì bệnh đang trong giai đoạn cấp tính, cần theo dõi sát.
“Nếu kê quá dài mà bệnh chuyển biến, bệnh nhân không quay lại kịp thì có thể gây nguy cơ hoặc lãng phí thuốc. Vì thế, quan điểm của chúng tôi là: Kê đơn cần cá thể hóa - mỗi người bệnh một phác đồ, không máy móc. Làm được như vậy thì vừa tiết kiệm cho quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), vừa giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn”, bác sĩ Sơn chia sẻ.
Thực tế, đơn thuốc BHYT chỉ có hiệu lực lĩnh thuốc trong thời gian tối đa 5 ngày. Đối với đơn thuốc người bệnh tự mua, không có khuyến cáo về thời gian mua. Về vấn đề này, theo bác sĩ Sơn, hiệu lực lĩnh thuốc trong thời gian tối đa 5 ngày là kế thừa quy định trước đây. Do đó, các bác sĩ đã rất quen thuộc trong việc tư vấn cho người bệnh, để tránh việc đơn thuốc bị hết hiệu lực lĩnh, tránh để quá thời gian rồi phải quay lại tái khám.
Trong khi đó, đối với đơn thuốc người bệnh tự mua không có khuyến cáo về thời gian mua, bác sĩ phải đặc biệt lưu ý trong quá trình tư vấn. Khi kê đơn, cần giải thích rõ và hướng dẫn cho người bệnh về thời hạn tốt nhất của việc mua thuốc trong đơn.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy nhấn mạnh, bệnh mạn tính là bệnh phải điều trị suốt đời. Sự ổn định chỉ là tạm thời, nên nếu không duy trì điều trị đúng thì bệnh có thể nặng lên bất cứ lúc nào. Do đó, người bệnh nên đọc kỹ đơn thuốc trước khi rời bệnh viện, có gì không rõ phải hỏi ngay. Đồng thời, cần bảo quản thuốc cẩn thận, đặc biệt với insulin cần giữ lạnh. Tránh nhầm lẫn thuốc khi trong nhà có nhiều người bệnh. Uống hoặc tiêm thuốc đúng giờ - có thể đặt chuông báo hoặc để thuốc nơi dễ thấy. Theo dõi các chỉ số sức khỏe như đường huyết, huyết áp tại nhà hoặc tại trạm y tế. Khi có biểu hiện bất thường, không nên chờ đến ngày hẹn tái khám. Thay vào đó, cần đi khám ngay hoặc gọi cho bác sĩ/hotline bệnh viện. Đặt lịch khám lại trước 3 - 5 ngày để tránh trễ hạn dùng thuốc.