Thế nhưng vừa qua, những cuốn sách sử “cháy hàng” trước khi ra mắt sách đã cho thấy giới trẻ không hề quay lưng với sử Việt. Những câu chuyện chính sử, huyền sử Việt đã trở nên hấp dẫn hơn khi được kể bằng tranh minh họa với cách nhìn hiện đại tươi mới.
Làm mới lịch sử bằng tranh
Gần đây, sự kiện hai cuốn sách “Lĩnh Nam chích quái” của họa sĩ Tạ Huy Long và “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” của tác giả Phan Dũng dù chưa ra mắt nhưng đã “cháy hàng”đã tạo nên một kỳ tích. TS Tạ Huy Long - người minh hoạ cho cuốn sách cũng không lý giải được vì sao “Lĩnh Nam chích quái” lại “hot” như thế.
Xưa nay, sách sử hiếm khi nằm trong dòng sách bán chạy, việc độc giả đón nhận nồng nhiệt “Lĩnh Nam chích quái” cho thấy một điều: Người trẻ không hề quay lưng lại với các giá trị truyền thống, nhưng họ cần một cách tiếp cận khác để có được sự đồng điệu.
Tại buổi tọa đàm “Quá khứ sống động” mới đây ở Hà Nội, TS Nguyễn Tô Lan, Viện Hán Nôm cho rằng: “Có rất nhiều người nói “Lĩnh Nam chích quái” là một truyền thuyết, cổ tích, người đọc là thiếu nhi và không cần chú thích dài dòng. Tuy nhiên, ở cuốn sách này việc đó lại rất được coi trọng”.
Nhà văn Lưu Sơn Minh, tác giả của cuốn tiểu thuyết “Trần Quốc Toản” cho biết: “Trước có ai nói các bạn trẻ say mê tìm cuốn “Lĩnh Nam chích quái” thì tôi không tin. Bởi tác phẩm văn học này chỉ có một số nhà nghiên cứu văn học tìm đọc. Nhưng bằng một cách tiếp cận độc giả mới, thông qua những bức minh họa rất đẹp của họa sĩ Tạ Huy Long, thì “gió đã đổi chiều”. Tạ Huy Long đã “ám thị” được độc giả bằng thế giới nhân vật huyền hoặc, để các bạn học sinh đeo khăn quàng đỏ cũng thích đọc “Lĩnh Nam chích quái”, điều mà các nhà giáo dục suốt nhiều năm nay đã không làm được”.
Thay đổi để hút độc giả
Làm sao để người trẻ hiểu, yêu quý và trân trọng giá trị truyền thống? Nhà văn Lưu Minh Sơn cho rằng, cần làm mới các tác phẩm truyền thống để phù hợp với bạn đọc hiện nay, lịch sử sống là sống ở những câu chuyện, những nhân vật, đó mới là sự sống động của lịch sử.
Họa sĩ Tạ Huy Long cho biết, khi vẽ lược sử bằng tranh, anh đã xem rất nhiều kiến thức cổ xưa, cố gắng đưa nhiều vào trong tác phẩm. “Và khi vẽ “Lĩnh Nam chích quái” tôi đọc khá nhiều, cách nhìn về người Việt xưa cũng khác. Và tôi nhận ra rằng mỗi người đều có cách đưa ra một kết luận riêng về quá khứ. Tôi muốn kể câu chuyện lịch sử như nó vốn có, không áp đặt”.
TS Nguyễn Tô Lan cho rằng: “Một cuốn sách hấp dẫn giới trẻ nó phải đảm bảo 2 yếu tố hay và đẹp. Và cuốn sách “Lĩnh Nam chích quái” đảm bảo được hai yếu tố đó. Cái hay đến từ những câu chuyện đã từ rất lâu, một seri chuyện mà đã được in và đến với độc giả nhiều thế hệ. Mặt hay đã được khẳng định nhưng phải đến “Lĩnh Nam chích quái” cái đẹp mới được đảm bảo. Cái yếu tố đẹp này có hàm lượng văn hóa rất cao, không thể hiện ở hình họa mà nó thể hiện cái diễn dịch của tác giả, sự hiểu biết của tác giả về tác phẩm cũng như quan niệm của tác giả về lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam. Đó là một trong những lý do cuốn sách hấp dẫn như vậy mặc dù đã xuất bản nhiều ở Việt Nam.
Phải ghi nhận “Lĩnh Nam chích quái” như là cái mốc đầu tiên cho việc tiếp cận những tác phẩm cổ của Việt Nam. Những tác phẩm văn chương cổ của Việt Nam viết bằng chữ Hán và các chữ Nôm nếu không dịch ra chữ quốc ngữ thì các độc giả không hiểu.
Tuy nhiên, mặc dù khi đã dịch ra chữ quốc ngữ thì tính cổ kính của ngôn ngữ có thể khiến những nội dung trong đó chưa được truyền tải hết và độc giả chưa thể thẩm thấu hết được nội dung ý nghĩa và tầng sâu văn hóa của nó, trong khi đó tranh minh họa là cách kể lại những câu chuyện cũ, chuyện cổ bằng cái nhìn hiện đại. Tôi nghĩ bằng cách thổi hồn cho những câu chuyện cổ bằng không khí hiện đại, bằng cách nhìn hiện đại như vậy thì không có lẽ gì, những tác phẩm cổ của Việt Nam lại không có sức sống mới, sức sống tốt với thời hiện đại”.