Yêu Văn nhưng kết duyên với Sử
Tốt nghiệp khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội I năm 1996, cô Thúy được phân công về Trường Bổ túc văn hóa Hữu Nghị (nay là Trường Hữu Nghị T78).
Cô Thúy tâm sự: “Khi còn học THPT, tôi luôn bị cuốn hút bởi cô giáo dạy Văn. Mỗi tiết học của cô, tôi cảm nhận thấy trong mỗi lời giảng là tất cả tình yêu văn học, yêu quê hương đất nước... mà cô đem đến với học trò không chỉ bằng kiến thức mà còn được chắt chiu từ trái tim đôn hậu của cô. Tôi yêu Văn từ đó và ước ao sau này mình sẽ trở thành cô giáo dạy Văn để được đem những gì nhân văn nhất đến với học trò của mình. Từ đó tôi say sưa học Văn và luôn đắm mình trong những cuốn “văn nghệ quân đội” - món quà bố dành cho tôi trong mỗi lần về thăm gia đình. Thế nhưng, tôi đến với môn Lịch sử giống như một nhân duyên.
Khi bắt đầu ôn thi vào Trường Sư phạm, tôi phân vân không biết nên chọn Văn hay Sử? Thời gian xuống Hà Nội ôn thi, mẹ gửi tôi ở nhà bác (anh trai của mẹ). Bác tôi vốn là Tiến sĩ Sử học công tác tại Học viện Báo chí Tuyên truyền, không biết tự bao giờ bác đã truyền cho tôi tình yêu môn Lịch sử, tôi quyết tâm thi vào khoa Lịch sử của Trường ĐHSP Hà Nội. Trong thời gian 4 năm học ở trường, các thầy cô giáo của khoa Sử không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn làm “dày” hơn tình yêu Lịch sử trong tôi”.
Nếu có ai hỏi rằng: Nếu được lựa chọn lại nghề bạn có chọn nghề giáo viên không? Tôi vẫn tự hào trả lời: “Có” mà không phải suy nghĩ. Tôi tự hào vì mình đã lựa chọn đúng hướng và đúng nghề, tình yêu với học trò, với môn Sử là lẽ sống của mình và tôi cũng ngẫm ra rằng mình đến với nghề “sư” là cái duyên, hơn nữa đến với môn Lịch sử là cái “phận”. Duyên phận này tôi đã đi, đang đi và luôn tự hào về nó…” - cô Thúy trải lòng.
Tự hào vì mình là “cô giáo dân tộc”
Hơn 20 năm giảng dạy ở trường, gắn bó với các em học sinh dân tộc của Việt Nam và các em lưu học sinh Lào đã để lại cho cô nhiều dấu ấn, kỉ niệm. Đó là sự chân thành, thật thà, vô tư dễ mến của các em học sinh dân tộc. Là sự gần gũi như anh em của các lưu học sinh Lào.
Cô kể lại, hàng năm cứ đến tháng 4 Tết Lào, thầy trò lại náo nức đón Tết, buộc chỉ cổ tay và té nước chúc nhau năm mới sức khỏe, hạnh phúc. Các thầy cô giáo của trường may mắn hơn các giáo viên bên ngoài là: Một năm được cảm nhận và đón ba Tết dân tộc (Tết của người Mông, tết nguyên đán và Tết Lào) vui và ấm cúng lắm.
“20 năm gần nửa đời người, thầy cô ngày càng già, mái tóc đã phủ màu thời gian nhưng gặp lại các thế hệ học sinh các em trở về trường đều đã trưởng thành trên các cương vị và công việc khác nhau, em nào cũng nhòa lệ khi ôm lấy thầy cô, vòng tay siết chặt gọi “mẹ” của các em khiến trái tim tôi nghẹn ngào… thành quả và hạnh phúc của chúng tôi là đây, “nghề cao quý nhất của những nghề cao quý” đã tròn đầy ở Hữu Nghị T78 này. Tôi tự hào vì mình là “cô giáo dân tộc” - cô Thúy xúc động nói.
Trong quá trình giảng dạy, cô Thúy luôn tâm niệm mình phải yêu nghề, có tâm với nghề. Vì lẽ đó cô luôn tự nhủ bản thân mình phải trau dồi kiến thức, đọc sách, báo, tìm hiểu trên Internet để làm phong phú thêm bài giảng của mình.
Cô luôn tìm phương pháp dạy dễ hiểu nhất, biến những kiến thức khô khan, rời rạc, khó hiểu thành những ví dụ đời thường, đơn giản mà cuộc sống xung quanh các em đang gặp. Cô tôn trọng ý kiến và quan điểm cá nhân của học sinh, khuyến khích các em tìm hiểu, sưu tầm, nhận xét hay đánh giá về các vấn đề của bài học.
Học sinh của trường hàng năm thi tốt nghiệp và đại học môn Sử đạt điểm cao với tỉ lệ lớn, góp phần nâng cao số lượng học sinh đỗ đại học. Sau khi tốt nghiệp ra trường có dịp trở lại hay là “gặp” cô trên Facebook, các em đã đặt cho tôi cái tên “Cô Thúy Sử huyền thoại”. Cô cảm thấy thú vị và hạnh phúc.