Tản mạn chuyện… thẩm thơ

GD&TĐ - Tôi vốn thích đọc những bài bình thơ, những bài “dọn vườn” thơ, mục đích chỉ là để học hỏi và suy ngẫm. 

Tác giả bài viết vẫn tin rằng, câu thơ “Cái đuôi em quẫy…” trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận phải là “Cá đuôi én quẫy…” thì mới là hay!. Ảnh minh họa: ITN.
Tác giả bài viết vẫn tin rằng, câu thơ “Cái đuôi em quẫy…” trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận phải là “Cá đuôi én quẫy…” thì mới là hay!. Ảnh minh họa: ITN.

Bài 1: Những nể, phục và tranh luận

Tôi vốn thích đọc những bài bình thơ, những bài “dọn vườn” thơ, mục đích chỉ là để học hỏi và suy ngẫm. Và quả thật, tôi đã thu hoạch được khá nhiều điều bổ ích. Xin ghi lại đây và bạn đọc quan tâm thì cùng tôi chiêm nghiệm, có thể phản biện lại càng hay!

Rất nể nhà thơ Xuân Diệu

Không rõ tôi đọc bài Xuân Diệu tổng kết cuộc thi thơ năm nào nhưng tôi ấn tượng mãi về sự tinh thế của ông hoàng thơ tình. Hai ví dụ nhà thơ Xuân Diệu góp ý tôi nhớ mãi.

Một nhà thơ viết về hương hồi hay hương thảo quả với cô thiếu nữ miền núi: “Hương ngát thơm nồng nếp váy xanh”.

Nhà thơ Xuân Diệu phê rằng chữ “nồng” rất thô! Váy áo phụ nữ mà “nồng mùi” thì chẳng có gì hay cả! Ông đề nghị chữa: “Hương ngát thơm vào nếp váy xanh”.

Cũng là thơm thôi, nhưng “nồng” thì dở, còn “vào” thì ổn!

Cũng trong bài nhận xét ấy, có nhà thơ khá có tên tuổi viết:

“Nón che chung trời mưa lổ đổ

Đôi môi hương sấu chín dịu chua”

Nhà thơ Xuân Diệu phê rằng, nói mồm, môi chua là nói đến người ốm! Cho nên chữ “chua” dù được giảm nhẹ “dịu chua” nhưng vẫn còn thô. Ông đề nghị bỏ bớt đi! Mà quả nhiên bỏ đi, câu thơ hay hẳn lên:

“Nón che chung trời mưa lổ đổ

Đôi môi hương sấu chín”

Rất đẹp và rất gợi cặp môi của người bạn gái!

Thì ra thơ nói đủ hết, thật hết lại không hay bằng nói thiếu!

Phục nhà thơ Tố Hữu biết lắng nghe

Chuyện rằng, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Xuân sớm” đăng báo, trong đó có hai câu:

“Nghé con mày đứng cho ngoan

Chớ ăn mất lá hàng xoan mới trồng”

Tôi cũng dân nhà quê chăn nghé từng tranh luận với nhà thơ Huy Cận, nhưng lại không để ý chi tiết này.

Một lần về Thái Bình công tác, tôi được các đồng nghiệp cho biết một nhà giáo Thái Bình đã cảm thán và viết:

“Lá xoan đắng lắm bác ơi

Nghé không xơi được, vậy thời bác SAI!”

Chà, ông (bà) này cũng tinh tường chứ bộ! Dám phê và dám chịu trách nhiệm về lời phê của mình.

Chẳng rõ có ai thông tin cho nhà thơ Tố Hữu hay không. Tôi tin là có. Hoặc bằng cách nào đó mà hai câu này đến tai nhà thơ. Sau đó nhà thơ đã lẳng lặng chữa câu thơ trên thành:

“Nghé con mày đứng cho ngoan

Chớ xô hàng chuối, hàng xoan mới trồng”

(Xem bài “Xuân sớm”, trong “Tố Hữu thơ”, NXB Giáo Dục, 1994, trang 419)

Chữa rất khéo! Mà cái chính, rất đáng khâm phục là nhà thơ rất phục thiện!

tan-man-chuyen-tham-tho-1.jpg
PGS.TS Vũ Nho. Ảnh: NVCC

Tranh luận chuyện lông nghé và cá

Tôi không nhớ chính xác, nhưng chắc là năm Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc và Khoa Văn kỉ niệm 30 hay 35 năm thành lập (1996 hoặc 2001), nhà thơ Huy Cận là khách mời của khoa. Ông còn được mời làm Chủ khảo cuộc thi thơ của sinh viên. Sau khi liên hoan với Khoa Văn, có chút hơi bia, rượu, tôi mạnh dạn gặp nhà thơ và “có ý kiến”:

- Thưa bác Huy Cận, bác có bài thơ “Thi nghé” rất nổi tiếng được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở. Xin mạn phép bác để góp ý rằng bài thơ đó bác có chỗ SAI ba lần!

- ???

- Vâng, tôi xin nói ngay. Bác viết: Lông nó đen là sai lần thứ nhất. Đen nháy là sai lần thứ hai. Mẹ nó liếm, càng đen/ mặt trời làm bàn chải, từng tia nắng vuốt thêm” là sai lần thứ ba!

Nhà thơ Huy Cận ngớ ra vì có thằng cha ít tuổi mà dám bảo mình sai BA LẦN, lại trước mặt cán bộ và sinh viên Khoa Văn. Ông chống chế:

- Đây là tôi viết con nghé đã lớn, sắp thành trâu cày!

- Trời, bác có dám đánh cược với tôi không ạ? Tôi cùng bác ra ngay chỗ ga Quán Triều để xem con trâu! Xin thưa bác rằng, “con trâu đen lông mượt” nó chỉ đen da thôi, chứ lông nó không hề đen. Tôi có thâm niên cưỡi trâu, tôi biết. Lông trâu khá thưa và có màu bàng bạc như hoa cỏ may đó. Còn lông nghé thì khá dày, và nó có màu vàng rơm nhàn nhạt!

Đến đây thì nhà thơ, kĩ sư canh nông không dám đánh cược với cái tay có thâm niên chăn trâu, cưỡi nghé.

Nhân chuyện lông nghé, tôi tiếp tục:

- Thưa bác Huy Cận, bác có bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” khá hay trong sách giáo khoa THPT. Tôi nghe người ta đồn thế này không biết thực hư ra sao. Nay gặp bác, xin được hỏi cho rõ ạ!

- ???

- Người ta nói rằng bác là kĩ sư canh nông, vốn hiểu biết về biển cũng hạn chế thôi. Bác đi thực tế, dân Hòn Gai kể cho bác nghe các loại cá để bác viết. Mấy câu ấy là:

“Cá Nhụ, cá Chim cùng cá Đé

Cá Song lấp lánh đuốc đen hồng

Cá ĐUÔI ÉN quẫy trăng vàng chóe”

Bác đã viết nguyên như thế. Nhưng cô đánh máy sơ ý nên đánh máy SAI thành “cái đuôi em”. Thế rồi mọi người đọc là “cái đuôi em quẫy…”. Có thật thế không ạ?

- Không phải, chính tôi viết “cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”!

- Cám ơn bác! Tôi giải tỏa nghi vấn bấy nay. Nhưng thưa bác khi bác gọi cá bằng EM trong bài thơ này là khá dở, có thể nói rất dở!

-???

- Bác gọi cá bằng EM, không sao! Ở chỗ khác thì được! Nhưng chả nhẽ trong bài thơ này, “Đoàn thuyền đánh cá” nghĩa là “Đoàn thuyền đánh EM” sao? Mà đánh cá về để chơi ư? Để nâng niu các em cá ư? Không! Cá đánh về đưa vào nhà máy cá hộp Hạ Long để làm thực phẩm. “Cá ơi ta xẻ cá ra, ta làm nước mắm, ta pha xì dầu”. Chả nhẽ lại đối xử với EM CÁ như vậy sao?

- !!!

Bởi thế nên tôi không khen bác câu thơ “cái đuôi em quẫy” mà tôi còn kịch liệt chê! Bởi vì nó “sái”!

Tôi vẫn tin rằng câu thơ này phải là “Cá đuôi én quẫy…” trong mạch thơ nói về các loại cá!

Ai khen bác thì cứ khen, còn tôi xin phép bác được chê câu thơ này dở, rất dở!

Dẫu sao cũng cám ơn bác về cuộc đối thoại thẳng thắn này!

Mấy điều trao đổi lại với nhà thơ Vũ Quần Phương

Tôi họ Vũ, nhưng chắc không có dây mơ rễ má gì với bác Vũ Quần Phương. Chỉ là tình cờ trùng họ thôi. Nhưng tôi viết về nhà thơ Vũ Quần Phương hơi bị nhiều. Từ bình bài thơ, giới thiệu tập thơ đến viết về tập bình thơ, viết tiểu luận “Vũ Quần Phương với thơ hay”…

Tôi học được nhiều điều ở nhà thơ, người bình thơ nổi tiếng này. Dĩ nhiên, tôi cũng có những trao đổi lại với anh Phương trên tinh thần thẳng thắn và thân ái.

Chỉ kể ra đây mấy điểm để thấy không phải lúc nào nhà bình thơ cũng thành công.

Chẳng hạn bình bài thơ “Sao không về vàng ơi” của Trần Đăng Khoa, anh cho rằng mất của khó làm thơ. Rồi lại nhận định mất chó thì chỉ “buồn cái tay” (Mày không bắt tay tao, tay tao buồn làm sao). Trong khi đó con chó Vàng, với chú Khoa là một người bạn, bạn khác loài nhưng vô cùng quan trọng.

Với Tố Hữu, người bình đã không thật cận nhân tình khi chê rằng nhà thơ Tố Hữu làm tuyên huấn. Công việc tuyên huấn đôi lúc lấn vào cảm xúc thơ. Anh bộ đội trong bài “Bầm ơi” chào mẹ lúc ra đi có một ngôn ngữ rất tuyên huấn:

“Con đi mỗi bước gian lao

Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm”

(Bầm ơi)

Không có người con nào lúc xa mẹ lại nói thế (Xa mẹ con có khối mẹ khác!). Đây là Tố Hữu đã mượn để vun đắp tình quân dân, xây dựng phong trào “mẹ chiến sĩ” (30 tác giả văn chương, sđd, trang 188).

Chỗ này nghe qua thì đúng, nhưng ngẫm lại thì không phải. Nhà phê bình đã quên rằng, đây là anh con trai đang an ủi mẹ, làm cho mẹ đừng lo lắng. Anh nói thế để yên lòng mẹ chứ không có tuyên huấn tuyên truyền quân dân gì ở đây. Cái việc này, người con thường rất hay làm. Đi ra trận, Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi, nhưng bao người con đều nói một câu chắc nịch: “Bao giờ giặc xong/ Lại về Việt Bắc” (Tố Hữu - Bà mẹ Việt Bắc) và trong “Bầm ơi” cũng vậy: “Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm”. Chả lẽ đây cũng là tuyên huấn nói?

Một ví dụ khác về trường hợp câu thơ của Bác: ”Quân vụ nhưng mang vị tố thi – Việc quân bận rộn chưa làm thơ được). Vị bác sĩ đã cố gắng hiểu những chữ Hán (vốn không dành cho thầy thuốc). Nhưng ở đây, anh quá nệ vào câu dịch không chuẩn: “Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”. Có đến hơn ba lần anh dẫn câu thơ dịch này với ý “xin khất”, với ý “chờ”. Khất, chờ đi liền với ví dụ khác: (Chờ cho kháng chiến thành công đã/ Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta). Thực chất Bác không hứa hẹn gì mà chỉ nói rằng: Việc quân bận rộn chưa làm thơ được.

Vũ Quần Phương đã hiểu không chính xác từ “dã kê”, gà đồng, tức là loại gà hoang chứ không phải là gà trong xóm. Vì vậy, bình bài thơ của Phù Thúc Hoành, tác giả viết: “giữa hiu quạnh hoang vu gặp ấm áp làng mạc: tiếng gà đồng” (tr. 87) là không thuyết phục. Gà hoang (dã kê) càng làm nổi rõ sự hoang vắng, làm gì có làng nào ở đây! Cũng vì không rành tiếng Hán, nên câu thơ của Nguyễn Hạ Huệ “Băng ki nguyên tự hương”, Nguyễn Vinh Phúc dịch: “Hương bay từ tấm thân ngà”; nhưng người bình thơ lại bình “gió vờn tóc và gió mang hương ướp da”. Da tự tỏa hương khác xa với gió mang hương để ướp da. (Mà chữ ướp da nghe cũng không nhã vì gợi sự ướp xác!).

__________________________________

Bài 2: Trao đổi về nhãn tự

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Messi xuất sắc lập cú đúp bàn thắng vào lưới New England ở vòng 21 MLS.

Messi lập kỷ lục ấn tượng

GD&TĐ - Messi tỏa sáng giúp Inter Miami đánh bại New England ở vòng 21 giải Nhà nghề Mỹ diễn ra vào sáng nay (10/7).