Theo Reuters, chương trình phát thanh dài 90 phút mỗi ngày bằng tiếng Pashto có tên "Tiếng nói Nhà nước Hồi giáo", gồm những cuộc phỏng vấn, thông điệp và bài hát về IS.
Người dân ở tỉnh Nangarhar, thành trì của IS ở đông Afghanistan, có thể nghe thấy chương trình. IS kiểm soát một số huyện tại tỉnh này sau khi tranh giành với phe Taliban. Phe này đang cố thiết lập lại chế độ Hồi giáo cứng rắn sau khi bị quân đội do Mỹ dẫn đầu lật đổ trong cuộc can thiệp năm 2001.
Trong một chương trình, một thành viên IS nói việc phát thanh nhằm phản bác lại hình ảnh tiêu cực trước công chúng về nhóm, do những thông tin về bạo lực cực đoan. "Có quá nhiều dự án nhằm sỉ nhục chúng tôi", thành viên Jan Aqa Shafaq này nói. "Hầu hết thế hệ trẻ, những kẻ mày râu nhẵn nhụi và mặc quần áo chẳng khác đàn bà đã thực hiện màn tuyên truyền này".
Các quan chức đang lo ngại chương trình phát thanh xúi giục thanh niên đi vào con đường cực đoan. Nếu nó bắt đầu có sức ảnh hưởng, giới chức sợ chương trình sẽ gieo rắc tư tưởng vô vọng vào đầu những người bị thương trong chiến tranh, đang cố vật lộn trong môi trường kinh tế ngày càng khó khăn.
"Hầu hết người dân của chúng tôi đều thất nghiệp và kênh radio sẽ khuyến khích rất nhiều người gia nhập hàng ngũ của phiến quân", Ahmad Ali Hazrat, lãnh đạo hội đồng tỉnh Nangarhar, nói. "Hiện Daesh cách thành phố Jalalabad 7 km và nếu chính quyền không sớm hành động, chúng sẽ mở rộng hoạt động phát thanh và tuyển thêm quân kể cả từ Kabul", ông đề cập đến tên gọi khác của IS.
Vị trí thành phố Jalalabad, tỉnh Nangarhar, Afghanistan. Đồ họa: BBC |
IS là lực lượng khá mới ở Afghanistan và hiện vẫn còn những ý kiến tranh cãi về sức mạnh của nhóm này tại đây, lực lượng chỉ huy bao nhiêu thành viên và mối liên hệ với phong trào chính ở Iraq và Syria chặt chẽ đến đâu.
Tuần trước, Tướng John Campbell, tư lệnh lực lượng quốc tế ở Afghanistan, nói có từ 1.000 - 3.000 thành viên của phong trào ở Afghanistan và sức ảnh hưởng sẽ còn lan rộng nếu không bị ngăn chặn.
Giới chức tại Nangarhar cho biết đến nay họ không thể chặn được kênh phát thanh do nó dường như thường xuyên đổi địa điểm. "Phiến quân di chuyển từ nơi này sang nơi khác", Attaullah Khogyani, phát ngôn viên của lãnh đạo tỉnh Nangarhar, nói. "Việc này gây khó khăn cho chúng tôi".