Bộ trưởng Ngoại giao Iran trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức Annalena Bärbock đã nói rằng nếu Israel tiếp tục phiêu lưu và làm tình hình trở nên trầm trọng hơn, phản ứng sẽ xảy ra ngay lập tức và thậm chí còn lớn hơn.
Ông Abdollahian nói thêm rằng mục tiêu của Tehran là cảnh báo Israel về những hậu quả có thể xảy ra khi vượt qua ranh giới đỏ.
Ngoài ra ông Abolfazl Amoui - người phát ngôn Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia của Quốc hội Iran, khẳng định Tehran sẵn sàng triển khai các loại vũ khí chưa sử dụng trước đây nếu cần thiết.
Ông Amoui nhấn mạnh rằng Iran đã phát triển chiến lược toàn diện cho tất cả các kịch bản có thể xảy ra, trong trường hợp Israel leo thang trả đũa: “Vũ khí đã sẵn sàng cho giai đoạn đáp trả thứ hai, vốn chưa từng được sử dụng trong cuộc xung đột với Israel”.
Iran cảnh báo sẽ sử dụng "vũ khí bí mật" nếu Israel tấn công trả đũa. |
Trước đây, một quan chức chính quyền cấp cao giấu tên cho biết không có máy bay không người lái nào do Iran phóng đe dọa trực tiếp đến Quân đội Mỹ, nhưng quy mô phản ứng của Washington đối với cuộc tấn công của Iran đã vượt quá bất cứ điều gì chúng ta từng thấy trong nhiều thập kỷ căng thẳng giữa hai nước.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với tờ Washington Post rằng “các tài sản bổ sung” sẽ được điều động “tăng cường nỗ lực răn đe trong khu vực và bảo vệ lực lượng quân sự của Mỹ”.
Lầu Năm Góc đang lo ngại về bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào mà căng thẳng hiện tại ở Trung Đông có thể gây ra cho hàng nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú trong khu vực.
Iran vẫn được biết là có nhiều loại tên lửa trong kho vũ khí của mình, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn như Shahab-3, Qader, Zulfiqar và Emad. Ngoài ra Tehran còn thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh Khibar-3.
Về vũ khí nguyên tử, Iran đã ký Thỏa thuận hạt nhân với 6 cường quốc thế giới vào năm 2015, theo đó nước này cam kết hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Mặc dù vậy vào năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, dẫn đến việc Tehran từ bỏ tuân thủ các nghĩa vụ của mình.
Cần lưu ý, Iran đã nhiều lần tuyên bố rằng chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn vì mục đích hòa bình và không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng rất nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về khía cạnh quân sự của quá trình làm giàu uranium và khả năng phát triển vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35I Adir có thể được Israel dùng làm át chủ bài trong cuộc tấn công trả đũa Iran. |