Iran biểu tình chống lệnh trừng phạt mới của Mỹ

GD&TĐ - Lệnh trừng phạt mới áp đặt lên Iran như hiệu lệnh tập trung biển người biểu tình bên ngoài đại sứ quán Hoa Kỳ cũ ở Iran. Những người ủng hộ của chính phủ Iran đã đến trung tâm Tehran để biểu tình, mang theo những biểu ngữ có kích thước bằng cả một bức tường, với hình ảnh của chiếc đầu lâu cắm trên mình tượng Nữ thần Tự do, và dòng chữ: “Suy sụp cùng nước Mỹ”.

Phụ nữ Iran biểu tình mang theo hình nộm Tổng thống Mỹ Donald Trump
Phụ nữ Iran biểu tình mang theo hình nộm Tổng thống Mỹ Donald Trump

Sức kháng cự của Iran

Cuộc biểu tình kỷ niệm của các sinh viên Iran về cuộc đột kích 1979 và việc bắt giữ đại diện 54 nhà ngoại giao và công dân Mỹ - một hành động cắt đứt quan hệ giữa hai nước chỉ vài tháng sau khi Iran lật đổ Shah do Mỹ hậu thuẫn và thành lập Cộng hòa Hồi giáo.

Gần trung tâm của cuộc biểu tình, nơi vị chỉ huy Mohamad Ali Jafari của Bộ Tư lệnh Cách mạng của Iran chuẩn bị đưa ra một bài phát biểu, sáu người đàn ông thể hiện lại một cảnh bắt cóc con tin. Một diễn viên đeo kính cảnh sát chĩa súng lục vào một người đàn ông được sơn màu vàng, đeo mặt nạ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Khi Mỹ áp đặt vòng trừng phạt mới nhất vào thứ Hai, nước Cộng hòa Hồi giáo này dường như vẫn muốn truyền đi thông điệp tới những người ủng hộ rằng họ vẫn có ý định bắt Mỹ quỳ gối. “Tôi nghĩ Donald Trump thật điên rồ, và ông ta không thể làm gì với chúng tôi, vì chúng tôi có Imam Khamenei. Ông ấy là người tốt nhất mà tôi từng thấy trong cuộc đời”, Mobina Jari, 15 tuổi, nói. Ali Khamenei là lãnh tụ tối cao của đất nước này.

“Mọi người đang tập trung ở đây để đối đầu với Mỹ”, Mullah Mohammed nói. Người này từ chối tiết lộ tên đầy đủ của mình vì lý do an toàn. Vị giáo sĩ mắt xanh đứng dựa lưng vào tường, khi những người biểu tình mang theo các biểu ngữ và hình nộm của Trump, bao gồm phụ nữ, trẻ nhỏ, thậm chí cả một đứa trẻ sơ sinh đi qua. “Người dân Mỹ khác hẳn với nhà nước Mỹ. Chính phủ Mỹ là Satan”. “Các biện pháp trừng phạt tạo áp lực cho những người vô tội của chúng tôi, người dân chúng tôi đang kháng cự mãnh liệt để vượt qua những khó khăn này”.

Áp lực lên nền kinh tế

Thứ Hai vừa qua, Mỹ lại áp đặt lại tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại Iran đã được dỡ bỏ như là một phần của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, với một số miễn trừ tạm thời. Tổng thống Trump tuyên bố rằng đây là “những biện pháp trừng phạt mạnh nhất mà nước Mỹ đã từng ban hành”.

Sau các hình phạt chủ yếu nhắm vào các ngành công nghiệp ô tô và hàng không của Iran hồi tháng 8, lệnh trừng phạt ngày 5/11 đã ảnh hưởng đến ngành dầu khí của Iran, ngành vận tải biển và các ngân hàng của Iran. Mục tiêu cuối cùng của các biện pháp, theo Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, là để đưa xuất khẩu dầu của Iran về “số không”.

Trump cho biết ông hy vọng việc kìm hãm sẽ buộc chính phủ Iran phải đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, làm giảm bớt các biện pháp trừng phạt quốc tế của Iran nhằm ngăn chặn việc làm giàu urani của đất nước này.

Bất luận việc Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần thừa nhận rằng Iran đã tuân theo thỏa thuận của mình, chính quyền Trump vẫn rút khỏi hiệp định hạt nhân tháng 5/2015. Trump đã mô tả đây là một “thỏa thuận khủng khiếp, đơn phương, lẽ ra không bao giờ nên ký kết”.

Động thái này thúc đẩy một cuộc di cư của các công ty quốc tế, bao gồm cả gã khổng lồ châu Âu Total và Airbus, khỏi Iran. Giá trị của Riyal của Iran giảm mạnh khoảng 70%, và lạm phát đã tăng vọt.

Mặc dù không xa lạ với các biện pháp trừng phạt, Iran sẽ đối phó với các hình phạt của Mỹ theo cách hơi khác với những lần trước. Không giống như các biện pháp trừng phạt đa phương năm 2012 nhắm vào chính quyền của cựu tổng thống Iran, ông Mahmoud Ahmadinejad, trong chương trình làm giàu uranium, mục tiêu của Trump mơ hồ hơn. Biên tập viên trang web truyền thông mang tên Al-Monitor

Mohammed Ali Shabani, cho biết: “Năm 2012 đã có một thỏa thuận ở trên đường chân trời, và có lối tắt cho tất cả các bên. Lần này, thỏa thuận đã đạt được đã bị bãi bỏ và yêu cầu của Mỹ vượt quá vấn đề hạt nhân và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của Iran” - Shabani nói thêm.

Trong những tháng gần đây, Trump cho biết, ông sẽ sẵn sàng đàm phán với lãnh đạo Iran “bất cứ lúc nào họ muốn”. Theo ông, một cuộc thương lượng lại thỏa thuận sẽ giải quyết toàn diện chính sách ngoại giao của Iran, đặc biệt là sự hỗ trợ của các nhóm như Hezbollah ở Lebanon và phiến quân Houthi ở Yemen.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ