Các nước châu Âu đã tăng cường nỗ lực trong việc gửi viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của nước này giữa bối cảnh xung đột đang diễn ra ngày càng căng thẳng.
Động lực chính thúc đẩy sáng kiến này là Anh, Pháp và Đức - những quốc gia đang phối hợp hành động để đảm bảo việc cung cấp vũ khí nhanh chóng cho Kyiv.
Bước đi trên nhấn mạnh quyết tâm của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh bất ổn gia tăng, liên quan tới lập trường của chính quyền tại Washington và tình hình giao tranh leo thang ở Đông Âu.
Hành động chung của 3 cường quốc hàng đầu châu Âu nhằm mục đích lấp đầy tình trạng thiếu hụt vũ khí mà Lực lượng vũ trang Ukraine đang phải đối mặt.
Anh - quốc gia có truyền thống cứng rắn với Nga, hiện đang tích cực thúc đẩy việc bàn giao vũ khí có độ chính xác cao và xe bọc thép. Đổi lại, Pháp tập trung vào việc cung cấp hệ thống pháo binh và thiết bị phòng không.
Trong khi đó, bất chấp những do dự trong quá khứ, Đức hiện đang đẩy nhanh tốc độ chuyển giao thiết bị quân sự, bao gồm xe tăng và hệ thống phòng không, cho thấy sự thay đổi theo hướng chính sách quyết đoán hơn.

Chủ đề về sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine không phải là mới, nhưng vào đầu năm 2025, điều này lại trở nên đặc biệt cấp bách.
Sau lễ nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Washington nhiều lần tuyên bố ý định xem xét lại khối lượng viện trợ của Mỹ, dẫn tới việc châu Âu phải chủ động ngăn chặn sự suy yếu của dòng vũ khí hướng tới Ukraine.
Vào tháng 2 năm 2025, tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo NATO ở Brussels, họ đã quyết định tạo ra một cơ chế phối hợp để đẩy nhanh việc giao hàng và Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp cũng như Thủ tướng Đức đã công khai tái khẳng định cam kết của họ đối với Ukraine.
Tuy nhiên vấn đề thu hút sự quan tâm lớn hiện nay đó là châu Âu liệu có đủ khả năng thay thế Mỹ để cung cấp vũ khí cho Kyiv thì vẫn chưa có câu trả lời, bởi họ vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào Washington, khả năng lớn nhất là EU sẽ trả tiền để đồng minh bên kia bờ đại dương sản xuất rồi giao cho Ukraine, thay vì miễn phí như trước.