Kết quả chỉ ra ít hơn 50% học sinh lớp 2 lên lớp 3 nắm vững kiến thức cốt lõi của năm học trước như viết câu đơn giản, làm toán số cơ bản.
Bà Margaret Barry, người sáng lập BCF, cho biết, kết quả phản ánh thực tế những khó khăn mà trẻ em nghèo ở Bali và Lombok đang phải chịu đựng khi trường học đóng cửa, chuyển sang trực tuyến. Đối với học sinh thành thị, học online chỉ kém hiệu quả so với học tập trung. Nhưng tại những khu vực nghèo khó, vùng hẻo lánh, việc học tập gần như phải dừng lại do trẻ em không đủ điều kiện tiếp cận học trực tuyến.
Dịch Covid-19 đang gây cản trở nỗ lực chống lại nạn mù chữ cho học sinh nghèo tại những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Indonesia. Bà Barry cho biết: “Suốt 19 năm qua, mục tiêu của BCF là giúp trẻ em được đến trường, trau dồi những kỹ năng cần thiết để tìm việc làm trong ngành du lịch trị giá 10 tỷ USD tại địa phương. Nhưng khi Covid-19 xuất hiện, đến việc học đọc viết và tính toán cơ bản cũng trở nên vô cùng khó khăn”.
Ông Ida Bagus Surya Bharata, Thư ký của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Bali, cho biết, khi dịch Covid-19 bước sang năm thứ 2 liên tiếp, việc học tập của trẻ em thường xuyên bị gián đoạn. Thậm chí, nhiều em đã bỏ học vì không thể duy trì liên lạc với giáo viên trong thời gian trường học trực tuyến.
Tương tự, khi trường học mở cửa lại, một bộ phận học sinh không đến trường. Trong khi đó, thầy và trò còn nhiều lúng túng khi bắt đầu học trực tiếp vì trình độ của học sinh hiện nay chênh lệch vô cùng lớn. Ở những khu vực khó khăn nhất tại Bali, trẻ em đang bị tước đi cơ hội học tập và giáo dục.
Ông Bharata bày tỏ: “Chúng tôi rất lo lắng về tình hình dịch Covid-19 trong thời gian tới và về tương lai của thế hệ học sinh lớn lên trong đại dịch. Đây là một thế hệ mất mát vì phải trải qua quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến từ bên ngoài”.
Cũng vì những lý do trên, các nhà khai thác du lịch tại Bali dự kiến sẽ gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động lành nghề trong thời gian tới. Hiện nay, nhiều vị trí cấp cao trong lĩnh vực du lịch cũng đang để trống do nhiều người đã trở về quê hương khi công việc kinh doanh suy giảm.
Năm 2017, 14% người dân tại Bali mù chữ nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 5,2%. Tín hiệu lạc quan này đang bị đe doạ bởi đại dịch khiến việc phổ cập giáo dục tại một trong những điểm du lịch nổi tiếng thế giới gặp khó khăn.
Không chỉ tại Bali, Indonesia đang tụt dốc trong các kỳ thi đánh giá kết quả học tập trên thế giới. Tại Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thực hiện năm 2018, học sinh Indonesia xếp ở nhóm cuối cùng các môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu.