Indonesia: Hiệu quả từ chương trình bữa trưa miễn phí

GD&TĐ - Chương trình bữa trưa miễn phí do Chính phủ Indonesia thử nghiệm tổ chức giúp cải thiện dinh dưỡng và kết quả học tập của học sinh.

Học sinh Indonesia ăn trưa miễn phí tại trường. Ảnh: Reuters
Học sinh Indonesia ăn trưa miễn phí tại trường. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình, nhất là những gia đình khó khăn.

Chương trình bữa trưa miễn phí tại trường học dành cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là sáng kiến của Tổng thống Prabowo Subianto và Phó Tổng thống Gibran Rakabuming Raka. Chương trình thử nghiệm triển khai từ tháng 1/2024 tại 16 trường học ở một số địa phương, tiếp cận khoảng 3,5 nghìn học sinh.

Phụ huynh, giáo viên và lãnh đạo các nhà trường đã nhận thấy những thay đổi tích cực từ chương trình này. Theo sáng kiến, mỗi ngày, học sinh tham gia chương trình được nhận một bữa trưa trị giá 15 nghìn rupiah, bao gồm cơm, thịt (gà, cá, bò), rau, trái cây và sữa. Ở nhà, nhiều em chỉ ăn thịt mỗi tuần một lần.

Chị Rofiati, 46 tuổi, đánh giá chương trình bữa trưa miễn phí giúp gia đình chị tiết kiệm chi phí cho 4 trong 9 người con. Gia đình họ đã tiết kiệm được khoảng 420 rupiah mỗi tháng và dành số tiền này cho những nhu cầu khác của gia đình.

Các con của chị Rofiati không ăn sáng trước khi đến trường. Trước khi chương trình triển khai, các cháu chỉ ăn trưa sau khi đi học về. Bữa trưa thường là mì ăn liền hoặc các món rau, trứng, cá muối...

“Từ sau chương trình, tôi không còn lo lắng vê việc ăn uống của con vì biết các con sẽ ăn ở trường. Các cháu thèm ăn hơn, ăn ngon hơn khi ngồi cùng bạn bè. Bữa trưa tại trường cũng đa dạng chất dinh dưỡng”, bà mẹ nói và cho hay con gái 11 tuổi đã tăng 4kg từ khi chương trình bắt đầu.

Chương trình không chỉ giúp phụ huynh tiết kiệm tài chính mà họ nhận thấy con cái có nhiều thay đổi tích cực. 2 trong 3 người con của chị Depi Ratna Juwarta đang tham gia chương trình. Bà mẹ nhận thấy bây giờ con cái hiếm khi bị bệnh, có động lực học tập hơn và dành nhiều thời gian hơn vào buổi tối để học tập.

“Đồ ăn luôn ngon và thực đơn thay đổi mỗi ngày. Cháu luôn ăn hết mọi thứ. Thật là vui khi được ăn cùng với bạn bè của cháu”, em Adifa Alifiya Mahrain, 12 tuổi, con gái chị Depi chia sẻ.

Ông Shalahudin Sanusi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồi giáo Gelarsari, bang Sukabumi, nơi đang thử nghiệm chương trình, đánh giá học sinh có thể tập trung tốt hơn và hiểu bài học nhiều hơn. Sáng kiến trên đã nâng tỷ lệ đi học của trường ông từ 85% lên 95%.

“Trước đó, các em ăn uống khiêm tốn ở nhà, chủ yếu là cơm và cá muối. Bây giờ với bữa trưa giàu dinh dưỡng, các em hào hứng đi học. Một số em thậm chí còn đến trường từ 6 giờ, trước giờ học một tiếng”, ông Sanusi nói.

Trong khi chương trình được các nhà giáo dục, phụ huynh ủng hộ thì Ngân hàng Thế giới và nhiều cơ quan quốc tế lại chỉ trích chương trình trên. Họ lo ngại mức giá đắt đỏ của bữa ăn làm tăng thâm hụt ngân sách của đất nước và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, Tổng thống Prabowo Subianto cho biết, Indonesia sẽ duy trì tài chính trong mức thận trọng và triển khai nhiều phương án khác nhau, như chương trình thực phẩm miễn phí.

“Chúng tôi nhận thấy vấn đề là phải tái tập trung và cắt giảm lãng phí, cắt giảm phân bổ cho những hoạt động không thiết yếu. Chương trình sẽ hiệu quả nếu được quản trị và quản lý tốt”, Tổng thống Prabowo nhấn mạnh.

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 20% trẻ em Indonesia dưới 5 tuổi bị còi cọc vào năm 2022. Tình trạng trên có thể dẫn đến sự chậm phát triển lâu dài. Sáng kiến bữa trưa miễn phí đặt mục tiêu đến năm 2019 sẽ tiếp cận 83,9 triệu người và giải quyết bài toán sức khoẻ mà Liên Hợp Quốc nêu ra.

Theo ST

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ