IDF hứng chịu tổn thất nặng nề trong khi mục tiêu vẫn chưa đạt được
5 binh sĩ của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thiệt mạng và hàng chục binh sĩ khác bị thương trong những ngày gần đây khi họ đụng độ với Phong trào Hamas và các phe phái vũ trang khác của Palestine tại trại tị nạn Jabaliya ở phía bắc Gaza, và khu vực Rafah ở phía nam Dải Gaza.
Vào ngày 16/5, một quân nhân dự bị thuộc Tiểu đoàn 6828 của Lữ đoàn Bislamach đã thiệt mạng trong vụ việc được mô tả là một “tai nạn tác chiến” ở biên giới với Gaza.
Và vào ngày 17/5, IDF thừa nhận, một người lính thuộc đại đội tín hiệu của Lữ đoàn Nhảy dù đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở phía bắc Gaza.
Thêm hai binh sĩ thuộc đơn vị trinh sát của Lữ đoàn Givati thiệt mạng do vụ nổ trong đường hầm bị mắc kẹt ở Rafah vào ngày 18/5.
Ngoài ra, IDF ngày 19/5 thông báo rằng, một đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 202 của Lữ đoàn Nhảy dù bị thương nặng trong cuộc giao tranh ở phía bắc Gaza hôm 16/5, sau đó đã qua đời do vết thương nghiêm trọng.
Hàng chục binh sĩ khác bị thương trong cùng thời gian. Những cái chết mới nhất đã nâng tổng số binh sĩ Israel thiệt mạng trong các hoạt động trên bộ ở Gaza và dọc biên giới lên con số 283.
Thành tích được cho là duy nhất của IDF trong những ngày gần đây là việc tìm thấy thi thể của 4 người Israel bị Hamas đưa tới Gaza trong cuộc tấn công bất ngờ ngày 7/10/2023.
Các thi thể được tìm thấy trong một chiến dịch đặc biệt vào ngày 16/5. Ít nhất một số con tin trong số này rõ ràng đã bị hỏa lực của Israel sát hại.
Ngoài những tổn thất ở Gaza, Israel còn phải đối mặt với 67 cuộc tấn công của Hezbollah từ Lebanon từ ngày 16 đến ngày 21/5.
Nhóm này lần đầu tiên sử dụng máy bay không người lái (UAV) cảm tử được trang bị tên lửa trong cuộc tấn công nhắm vào địa điểm Metula vào ngày 16/5. Hoạt động này đã khiến 1 xe quân sự của IDF bị phá hủy và làm ba binh sĩ bị thương.
Cũng trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến ngày 21/5, lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq đã phát động 7 cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào các mục tiêu ở các thành phố Eilat và Haifa của Israel cũng như Cao nguyên Golan của Syria bị chiếm đóng.
Trong khi đó tại Yemen, Mỹ - nước ủng hộ chính cho cuộc chiến của Israel ở Gaza, lại chịu nhiều tổn thất hơn. Lực lượng Houthi đã bắn hạ hai UAV chiến đấu MQ-9 trên bầu trời các tỉnh Marib và Bayda vào ngày 16 và 21/5.
Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha tuyên bố công nhận nhà nước Palestine
Diễn biến chiến trường thì như vậy, trong khi về mặt chính trị, Israel cũng không làm tốt hơn chút nào.
Ngày 20/5, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ hai nhà lãnh đạo Israel - Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Yoav Gallant vì cuộc chiến ở Gaza.
Vào ngày 22/5/2024, ba quốc gia châu Âu là Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha cùng tuyên bố sẽ công nhận Palestine là nhà nước độc lập vào ngày 28/5.
Trong một cuộc họp báo ngày 22/5, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere tuyên bố nước này sẽ công nhận Palestine là nhà nước độc lập vào ngày 28/5.
“Giữa cuộc chiến, với hàng chục nghìn người chết và bị thương, chúng ta phải giữ cho điều duy nhất có thể mang lại ngôi nhà an toàn cho cả người Israel và người Palestine tồn tại: hai quốc gia có thể chung sống hòa bình với nhau”, ông Stoere nói.
Trong một thông điệp video sau đó, Thủ tướng Ireland, Simon Harris, cũng đưa ra tuyên bố rằng, Dublin sẽ công nhận nhà nước Palestine, nhấn mạnh rằng, giải pháp hai nhà nước là con đường đáng tin cậy duy nhất dẫn đến hòa bình và an ninh cho cả Israel, Palestine và người dân của họ.
Cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng tuyên bố, Madrid sẽ công nhận nhà nước Palestine vào ngày 28/5.
“Đáp lại ý nguyện của đa số người dân Tây Ban Nha, ngày 28/5 tới, Madrid sẽ thông qua việc công nhận nhà nước Palestine tại Hội đồng Bộ trưởng”, ông Sanchez nói, và nhấn mạnh thêm, đã đến lúc biến lời nói thành hành động, vì hòa bình và công lý.
Nhìn chung, rõ ràng là cuộc chiến ở Gaza không diễn ra theo kế hoạch của Israel. Tổn thất của Tel Aviv ngày càng gia tăng, và mặc dù IDF đã cướp đi sinh mạng của hơn 35.500 người Palestine, nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa đạt được mục tiêu chính nào của cuộc chiến.