Hymalaya- Những cuộc phiêu lưu- Thiền- Cuộc sống

GD&TĐ -Himalaya là dãy núi cao ở châu Á, nơi có đỉnh núi nổi tiếng và cao nhất thế giới là đỉnh Everest - Đỉnh cao kiêu hãnh in dấu chân người.

Hymalaya- Những cuộc phiêu lưu- Thiền- Cuộc sống

Himalaya là dãy núi cao ở châu Á, nơi có đỉnh núi nổi tiếng và cao nhất thế giới là đỉnh Everest và những ngọn núi xung quanh nó cũng chẳng kém về độ cao như: Kanchenjunga, Malaku, Dhaulagiri,…. Thời tiết khắc nghiệt và ẩn chứa nhiều hiểm nguy nhưng tại sao Himalaya luôn cuốn hút, vẫy gọi lòng khao khát của bao thế hệ người muốn đến vùng núi này? Bạn đọc sẽ phần nào lý giải được câu trả lời này khi đọc cuốn sách Himalaya - Những cuộc phiêu lưu - Thiền - Cuộc sống của tác giả Ruskin Bond và Namita Gokhale tuyển chọn do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành.

Ruskin Bond là tác giả của nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn mẫu mực, ông đã nhận giải thưởng Padma Shri của Chính phủ Ấn Độ năm 1999 và giải thưởng Padma Bhushan năm 2014. Nhiều tác phẩm của ông đã lấy bối cảnh những làng mạc và thị trấn của khu vực Himalaya.

Cuốn sách bao gồm các bài viết chọn lọc ghi lại sâu sắc những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình chinh phục, khám phá vùng núi này của nhiều tác giả trong các khoảng thời gian khác nhau, nhưng chủ yếu là trong thế kỉ 20. Sách được chia làm ba phần.

Phần một: Những cuộc phiêu lưu (17 bài) – là những câu chuyện giàu cảm xúc của những du khách, nhà thám hiểm, nhà leo núi, người hành hương,… trong hành trình đến và di chuyển giữa các địa điểm ở vùng núi Himalaya. Trong hành trình đó, con người phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy. Địa hình hiểm trở với nhiều sườn núi có độ dốc cao phủ đầy băng tuyết luôn sụt lở bất kì lúc nào, những cơn bão tuyết bất chợt, oxy cạn kiệt… trong khi không có nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng và các phương tiện hiện đại, việc leo núi chỉ cần sơ ý một chút là mất mạng.

Người đọc có cảm giác thật hồi hộp khi dõi theo từng bước chân của Edmund Hillary trong việc chinh phục đỉnh Everest. Nhiều người trước đó đã cố gắng chinh phục đỉnh núi này nhưng thất bại và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Tuy nhiên điều đó không làm ông lùi bước. Trong quá trình leo núi, tác giả cũng đã gặp nhiều thách thức tưởng chừng gục ngã nhưng rồi lòng dũng cảm đã chiến thắng, Edmund Hillary đã trở thành người đầu tiên đi vào lịch sử khi chinh phục đỉnh núi này. Cảm giác của tác giả trào dâng “Tôi thấy một cảm giác thoả mãn dễ chịu lan toả khắp người – sự thoả mãn không ồn ào nhưng mạnh mẽ hơn tất thảy những gì tôi từng cảm thấy trên đỉnh một ngọn núi từ trước tới nay”(Đỉnh cao).

Phần hai: Thiền(16 bài), gồm các tác phẩm của các nhà thơ, nhà thần học và tiên tri... Đúng như tên gọi của phần này, hầu như mỗi bài viết đều phản ánh một phần đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây. Một vùng núi trải dài qua nhiều quốc gia và tôn giáo khác nhau (Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo,...). Dù điều kiện vật chất đơn sơ nhưng việc sinh hoạt tín ngưỡng là nhu cầu không thể thiếu. Một ngôi đền thờ nữ thần sông Hằng được thiết kế đơn giản chỉ là “một khoảng đất vuông lát bằng đá xám với bốn tháp chuông ở bốn góc và một tháp nằm ở trung tâm”, hay cuộc sống của những thầy tu ở Devaprayag sống chủ yếu bằng tiền hành hương của các du khách: “Những thầy tu của họ luôn đi tiên phong trong việc lập nên những trung tâm mơ hồ để thu hút khách hành hương” (Những chuyến đi của Swami Haridas).

Sự hùng vĩ của dãy Himalaya với vẻ đẹp tinh khiết đến choáng ngợp lòng người của thiên nhiên hoang dã từ ánh nắng, rừng cây, rặng núi, dòng sông,… được phản ánh rất chân thực và sinh động. Chính vì vẻ đẹp đó nên dãy Hymalaya là nơi hành hương linh thiêng, con người đến nơi đây như để thanh lọc lại tâm hồn mình, khơi dậy những gì cao cả và đẹp đẽ nhất.

Phần ba: Cuộc sống (20 bài). Có lẽ đây là phần được yêu thích nhất và cuốn hút nhất của cuốn sách, đưa người đọc đến với cuộc sống hàng ngày của người dân ở vùng Himalaya. Bản thân các tác giả cũng đã sống ở khu vực này nên đã đem tới những kiến giải trung thực và sự thấu cảm trong câu chuyện của mình. Sinh sống ở vùng thiên nhiên khắc nghiệt không phải dễ dàng, người dân phải vật lộn mưu sinh trên vùng đất sỏi đá và vôi. Bất chấp những thảm hoạ tự nhiên luôn rình rập như lũ lụt, động đất, tuyết lở,… nhưng con người ở đây vẫn vui tươi, rắn rỏi và có khả năng chịu đựng tuyệt vời. Họ trồng ngô, lúa mạch, cải, cây ăn quả, nuôi trâu, dê, cừu… để có nguồn lương thực, thực phẩm nuôi sống bản thân. Đời sống văn hoá tinh thần cũng rất phong phú với rất nhiều lễ hội (âm nhạc, nông nghiệp, ánh sáng…) đậm đà bản sắc vùng miền.

Những bài viết trong cuốn sách hầu hết là những tác phẩm dễ đọc, thân thuộc, chân thành và khơi gợi. Cuốn sách đã nhận được nhiều khen ngợi từ công chúng vì “chạm tới trái tim bất kì ai từng quen biết những ngọn núi cao”. Hãy mở cuốn sách để thấy Himalaya với cá tính cuốn hút, với bản ngã sâu thẳm luôn vẫy gọi bước chân người đi tìm chính mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ