Huyền tích lạ về Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân

GD&TĐ - Chuyện Tống Trân đã xây dựng thành công mẫu người Việt Nam truyền thống, đặc biệt là người phụ nữ với tâm hồn phong phú và đặc sắc.

Cổng vào đền thờ Quan Trạng Tống Trân ở xã Tống Trân (Phù Cừ - Hưng Yên).
Cổng vào đền thờ Quan Trạng Tống Trân ở xã Tống Trân (Phù Cừ - Hưng Yên).

Truyện Nôm và vở chèo Tống Trân - Cúc Hoa được nhiều người biết tới, nhưng câu chuyện nghìn năm trước về vị Lưỡng quốc Trạng nguyên đầu tiên đã trở thành một huyền tích lạ khó lý giải.

Truyện kể rằng, vào thời vua Lý Nam Đế, ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, Phù Cừ - Hưng Yên) có một người họ Tống tên gọi Thiệu Công thuộc dòng dõi thi thư hiếu đễ. Vợ của Tống Thiệu Công là bà Đào Thị Cuông.

Kẻ ăn xin thi đỗ Trạng nguyên

Vở chèo “Tống Trân - Cúc Hoa”.

Vở chèo “Tống Trân - Cúc Hoa”.

Hai vợ chồng sống nhân từ, tu nhân tích đức, thấy đền chùa miếu mạo dột nát đều phát tâm trùng tu, tôn tạo. Cảm tấm lòng nhân nghĩa ấy, nhà trời sai thiên sứ xuống đầu thai. Đến tuổi lục tuần, bà Cuông mới có thai, thai kỳ đến tháng thứ 11 thì hạ sinh một cậu bé khôi ngô. Suốt 3 ngày 3 đêm trong nhà luôn tỏa ánh hào quang, nên ông bà đặt tên con là Tống Trân.

Khi Tống Trân lên 3, Tống Thiệu Công lâm trọng bệnh qua đời. Cảnh nhà ngày một sa sút, cậu bé phải dắt mẹ đi ăn xin khắp nơi. Một hôm hai mẹ con hành khất đến đạo Sơn Tây vào ăn xin ở một gia đình trưởng giả giàu có nhưng rất keo kiệt, gian ác. Thấy hai mẹ con kẻ ăn mày, hắn liền đuổi đi và không ngớt lời chửi mắng.

Người con gái trưởng giả là Cúc Hoa lại là người nhân ái, giàu tình thương người nên đã lén lút đem cơm cho hai mẹ con. Việc này bị trưởng giả bắt gặp, trong cơn tức giận, hắn đuổi nàng đi và từ chối không nhận con. Vì thế, mẹ con Tống Trân đã đưa Cúc Hoa đi cùng và trở về quê cũ làm ăn.

Trong cảnh khó khăn, Cúc Hoa vừa chăm mẹ Tống Trân, vừa nuôi tằm se tơ dệt lụa nuôi Tống Trân ăn học. Không phụ ơn nghĩa ấy, với khí chất thông minh, thiên tư sáng suốt, năm Quý Sửu (563), Tống Trân đỗ Trạng nguyên và được vua khen: “Quốc sĩ tướng tài trong nước chỉ có một mình Tống Trân không ai sánh được”. Sau khi vinh quy bái tổ, Tống Trân kết duyên với Cúc Hoa.

Được ba tháng, vua cử Tống Trân đi sứ phương Bắc trong vòng 10 năm. Vua Bắc quốc nhiều lần thử tài Tống Trân nhưng quan Trạng đều ứng đối trôi chảy, xử thế mưu trí, được khen là nhân tài thứ nhất trong 18 nước chư hầu và phong làm Lưỡng quốc Trạng nguyên. Vua phương Bắc muốn gả con gái cho nhưng chàng từ chối.

Vì thế, Tống Trân bị giam vào chùa Linh Long trong 100 ngày, không cho thức ăn nước uống, nội bất xuất ngoại bất nhập. Trong những ngày bị giam cầm, ông đã phát hiện ra tượng Phật được làm bằng chè lam có thể ăn được. Sau 100 ngày vua thấy Trạng nguyên vẫn béo tốt khỏe mạnh thì rất phục tài trí và phong làm “Phụ quốc Thượng tể Đẩu Nam Tống Đại vương”.

Hạnh phúc bên 2 người vợ

Tượng thờ Trạng nguyên Tống Trân.

Tượng thờ Trạng nguyên Tống Trân.

Mười năm đi sứ, tuy không có tin tức gì của Tống Trân nhưng Cúc Hoa vẫn một lòng hiếu thuận và chăm sóc mẹ chồng chu đáo. Nàng vẫn ngày đêm mong ngóng tin chồng, giữ trọn tình thủy chung son sắc. Nhưng cha nàng đã bắt nàng lấy con nhà giàu.

Hay tin, Tống Trân trở về và giả dạng người hành khất để dò la tình ý, biết Cúc Hoa vẫn một lòng chờ đợi mình. Chàng khen Cúc Hoa thực là người hiếu thuận, thủy chung. Sau đó, Tống Trân đón nàng về, vợ chồng đoàn tụ. Nhà vua biết chuyện cảm động phong cho Cúc Hoa là Quận phu nhân.

Từ khi Tống Trân về nước, công chúa Bắc quốc ngày đêm thương nhớ bèn xin vua cha cho sang đất Việt tìm Tống Trân. Vì thương con nên nhà vua ưng thuận và phái đoàn tùy tùng theo bảo vệ nàng.

Đoàn người theo đường biển xuống phương Nam nhưng trên đường đi chẳng may gặp bão lớn, công chúa bị đánh dạt vào bờ. Sau nhiều ngày lưu lạc trong rừng, tình cờ một hôm nàng gặp được Tống Trân đang đi săn trong rừng.

Tống Trân đưa nàng về nhà và kể lại toàn bộ câu chuyện cho Cúc Hoa nghe. Cảm động trước tình cảm chân thành mà nàng công chúa Bắc quốc đã dành cho Tống Trân nên Cúc Hoa vui lòng giữ nàng ở lại. Với tấm lòng bao dung độ lượng, nàng đã đồng ý để Tống Trân lấy công chúa Bắc quốc làm vợ thứ hai. Từ đó, ba người sống hòa thuận hạnh phúc.

Về sau, Tống Trân còn ra làm quan “Phụ chính đại thần”. Đến ngoài 60 tuổi, Tống Trân dâng biểu xin về trí sĩ, mở trường dạy học tại quê nhà cho con dân trăm họ.

Người học không phải mất tiền, ai nghèo khó còn được chu cấp thêm tiền gạo. Được 5 năm thì Tống Trân qua đời, vua thương tiếc phong sắc “Thượng đẳng phúc thần”, sau lại gia phong “Thượng đẳng tối linh phụ quốc thượng tể đẩu Nam song toán Tống đại vương”, và truyền cho dân làng lập đền thờ.

Tưởng nhớ vị Lưỡng quốc Trạng nguyên lừng danh và nàng Cúc Hoa hiếu nghĩa vẹn toàn, cứ vào giữa tháng 4 âm lịch, người dân lại tổ chức lễ hội tái hiện truyền thuyết. Lễ hội diễn ra xung quanh cụm di tích đền Tống Trân (thôn An Cầu, xã Tống Trân) và đền Cúc Hoa (thôn Phù Oanh, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ).

Đền Tống Trân tương truyền được xây dựng trên nền nhà cũ của Tống Trân từ thời Lý. Đền Tống Trân có tên tự “Tiên căn linh từ”, tên nôm đền Thượng, đền Quan Trạng.

Năm 1991, đền Tống Trân được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử đền đã nhiều lần bị hư hỏng và cũng nhiều lần được tôn tạo. Cổng đền được ghi bằng chữ Hán “Lưỡng quốc Trạng nguyên từ môn”.

Giữa khoảng sân là táp môn hình cuốn thư đề thơ chữ Hán nội dung ca ngợi cảnh đẹp ngôi đền. Trước sân là “ao mắt rồng” quanh năm nước trong xanh. Bao quanh ao là hồ rộng được trồng sen, mỗi mùa sen nở tỏa hương thơm ngát cả khu đền.

Ngày nay, đền có kiến trúc gồm 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ và 1 gian hậu cung. Hiện nay, đền còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như tượng Tống Trân, câu đối, đại tự, bát hương, thần tích, 7 đạo sắc phong.

Đây là một ngôi đền còn tương đối đồng bộ từ kiến trúc tới không gian cảnh quan và đồ thờ tự. Tất cả tạo nên một không gian tâm linh, thành kính của nhân dân đối với người được thờ. Đồng thời nó cũng tạo nên vẻ đẹp hài hòa, cổ kính cho làng quê văn hóa vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Trong khuôn viên di tích, ngoài khu thờ chính còn có đền Mẫu là nơi thờ vọng nàng Cúc Hoa.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, dân làng cùng khách thập phương được hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa, phong phú, đa dạng như hát quan họ, hát chèo… Đây cũng là nét đẹp văn hóa góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hun đúc thêm ý chí học hành của bao thế hệ.

Tống Trân là nhân vật hư cấu

Tại Văn miếu Xích Đằng còn tấm bia ghi tên Tống Trân, được lập vào cuối triều Nguyễn.

Tại Văn miếu Xích Đằng còn tấm bia ghi tên Tống Trân, được lập vào cuối triều Nguyễn.

Hiện nay, tại Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên) còn tấm bia ghi tên Tống Trân, được lập vào cuối triều Nguyễn. Có người còn làm câu đối về Tống Trân, dịch nghĩa như sau: “Tám tuổi đỗ Trạng Nam, đã nổi tài sanh vàng đất Việt/ Mười năm sang xứ Bắc, lại đem vận sự dõi đời sau”.

Người đời sau đã viết truyện Tống Trân - Cúc Hoa, một tác phẩm thơ Nôm dân gian nổi tiếng, ca ngợi tài đức, tình yêu và lòng chung thủy của Tống Trân - Cúc Hoa. Tác phẩm về sau được GS Hà Văn Cầu - nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam dựng thành vở chèo nổi tiếng Tống Trân - Cúc Hoa.

Vậy nhân vật Tống Trân - Cúc Hoa có thật hay chỉ là huyền tích được tạo dựng? Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Nam - trong lịch sử khoa cử nước ta không có dòng sử liệu nào ghi chép về Trạng nguyên Tống Trân.

Điều đó cho thấy, đây là nhân vật hư cấu, là sự sáng tạo của nhân dân và tác giả dân gian khi đặt niềm tin cùng mơ ước của mình vào sự sáng tạo đó.

Vì thế, người dân địa phương từ bao đời nay đều tin vào nhân vật Tống Trân là có thật. Sau đó, Tống Trân được trao cho một lý lịch hết sức rõ ràng, cụ thể: Quê ở xã An Đô, huyện Phù Dung, cha là Tống Thiệu Công, mẹ là Đào Thị Cuông... Tống Trân sống vào thời tiền Lý, làm quan với Lý Nam Đế, sau đó theo Triệu Quang Phục.

Nhà nghiên cứu Hồ Nam cho biết, khoa thi đầu tiên ở nước ta được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) dưới triều vua Lý Nhân Tông. Do đó, nhân vật Tống Trân trong huyền tích chỉ là ước mơ về sự thành đạt của những người dân lao động bình thường. Và dẫu là dã sử, truyền thuyết hoặc tác phẩm văn học dân gian, thì đó cũng là tiếng nói lên án những thế lực tàn bạo đã ngăn cản, chà đạp tình yêu.

Huyền tích cũng đồng thời ngợi ca tấm lòng son sắt kiên trinh, ý chí phấn đấu vì hạnh phúc, vì tình yêu của những con người biết chống lại các thế lực xấu cùng nhiều lễ tục khắc nghiệt. Nhờ đó mà chuyện Tống Trân đã xây dựng thành công mẫu người Việt Nam truyền thống, đặc biệt là người phụ nữ với tâm hồn phong phú và đặc sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ